13/09/2016 08:13 GMT+7

Bệnh gì cũng chích thuốc!

THÁI  LŨY
THÁI LŨY

TTO - Dân mình, mà đặc biệt là người có tuổi ở nông thôn, thường thích đi “chích thuốc” mỗi khi đau ốm vì họ nghĩ chích mau hết bệnh hơn uống thuốc.

Theo quy định, các phòng mạch  tư  không được chích thuốc, truyền dịch. Trong ảnh: chích thuốc cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - Ảnh: THÁI LŨY
Theo quy định, các phòng mạch tư không được chích thuốc, truyền dịch. Trong ảnh: chích thuốc cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - Ảnh: THÁI LŨY

Trong khi đó, theo các bác sĩ (BS), đây là một thói quen hoàn toàn sai lầm, có khi dẫn đến tử vong vì sốc thuốc...

Tiêm chích dẫn đến nhiều nguy cơ

Anh Lê Văn Cường (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) kể bà nội anh bị đau khớp, mỗi lần bị đau nhức là bà kêu con cháu chở qua BS T.B. ở Q. Cái Răng (Cần Thơ) để chích thuốc. Bà khen mỗi lần chích về là bớt đau liền, còn đi bệnh viện khám BS cho uống thuốc sao lâu hết quá!

“Nhưng bà đi chích thuốc được khoảng 3,4 lần thì thấy không giảm đau như lúc đầu nữa, nên tôi hỏi thăm nhiều người thì được biết BS này chỉ chích thuốc giảm đau, corticoid làm cho người bệnh thấy bớt đau thôi. Phương pháp chữa bệnh kiểu này tôi nghe nói rất nguy hiểm nên từ đó tôi không dám cho bà nội qua chích thuốc nữa” - anh Cường kể.

BS Nguyễn Văn Khoe, trưởng khoa nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết các phương pháp điều trị nội khoa thông thường phải ưu tiên sử dụng đường uống; chỉ trừ các trường hợp đặc biệt, tùy tình trạng bệnh lý khi vào bệnh viện, có chỉ định của BS chuyên khoa thì mới dùng đường tiêm truyền.

Đối với bệnh lý xương khớp, điều trị nội khoa cũng có dùng phương pháp tiêm thuốc thẳng vào chỗ đau khớp, nhưng việc này phải được làm bởi BS chuyên khoa và thực hiện tại bệnh viện.

Bà Nguyễn Thị Tư, một người dân ở xã Mỹ Khánh, H.Phong Điền, Cần Thơ, kể nhà bà từ già đến trẻ có thói quen đi BS chích. “Khi đau nhức lưng, cảm sốt, đi BS tư chích thấy mau hết bệnh hơn uống thuốc thông thường” (?!).

Theo BS CK II Trần Văn Thường - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, về chuyên môn, có nhiều nhóm thuốc tiêm chích: nhóm kháng sinh; giảm đau, kháng viêm; thuốc bổ (vitamin B, C); thuốc nội tiết; thuốc tiêm phòng (văcxin).

Việc tiêm truyền có khá nhiều nguy cơ có thể xảy ra, như: sốc phản vệ, biến chứng nhiễm trùng tại chỗ, lây nhiễm bệnh... Vì vậy việc tiêm chích phải được thực hiện ở các cơ sở đủ điều kiện về thuốc, trang thiết bị cấp cứu chống sốc.

Các trường hợp tiêm điều trị bệnh lý cột sống, khớp cần có BS chuyên khoa chỉ định tại bệnh viện.

“Còn việc chích thuốc kháng viêm chứa corticoid, nếu lạm dụng lâu ngày dẫn đến nhiều tác hại nguy hiểm như suy tuyến thượng thận, cơ thể tích nước mặt sưng phù, teo cơ tay chân, hoặc đứt gân do chích không đúng vị trí...”- BS Thường cảnh báo.

Không nên bệnh là đi “chích thuốc”

BS Nguyễn Thanh Tuyết, trưởng trạm y tế P.An Cư, Q.Ninh Kiều (Cần Thơ), cho biết có khá nhiều người dân, đa số là người bệnh bị suy nhược cơ thể, tìm đến trạm yêu cầu chích hoặc truyền thuốc bổ, vitamin, giảm đau... nhưng về chuyên môn, trạm không thể chiều hết theo người bệnh.

Theo BS Tuyết, các trường hợp chích hoặc truyền dịch tại trạm đều phải qua khám sàng lọc, khai thác bệnh sử, hoặc những bệnh nhân quen có toa BS chuyên khoa chỉ định...

“Chủ yếu là chích hoặc truyền vitamin, khoáng chất, đạm... Riêng thuốc kháng sinh rất hạn chế chích vì chích có khả năng gây phản ứng nguy hiểm” - BS Tuyết nói.

Tại Cần Thơ, theo số liệu của phòng đăng ký hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Cần Thơ, hiện các quận huyện có 834 cơ sở đăng ký hành nghề y dược tư nhân, trong đó chỉ có 15 cơ sở đăng ký là dịch vụ thay băng, tiêm chích.

BS Phạm Văn Chính, trưởng phòng đăng ký hành nghề y dược tư nhân, cho biết theo quy định mới của Bộ Y tế, các cơ sở hành nghề khám chữa bệnh tư nhân không được chích thuốc, truyền dịch, bán thuốc tại cơ sở, trừ trường hợp cấp cứu (sau khi sơ cấp cứu xong phải chuyển ngay đến bệnh viện).

Tại các cơ sở này, BS chỉ được khám bệnh, kê đơn cho người bệnh. Riêng các cơ sở đăng ký dịch vụ thay băng, tiêm chích chỉ được thực hiện tiêm chích, thay băng theo toa chỉ định của BS, không được truyền dịch... Các trường hợp BS vi phạm quy định của ngành, nếu cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử phạt.

Nói về tác hại của việc lạm dụng chích thuốc, truyền dịch, BS Chính dẫn chứng mới đây có trường hợp phòng mạch tư ở Q. Cái Răng truyền dịch cho bệnh nhân.

Sau đó, khi bệnh nhân rời khỏi phòng mạch thì bị sốc và tử vong. Trường hợp này, mặc dù hai bên đã thỏa thuận bồi thường nhưng phòng mạch tư vi phạm vẫn bị xử lý theo quy định.

Cũng theo BS Chính, để các cơ sở y tế tư nhân nắm bắt được quy định nói trên, Sở Y tế Cần Thơ đã tổ chức tập huấn về hành nghề y dược tư nhân cho khoảng 700/834 cơ sở ở địa bàn quản lý và sắp tới sẽ tập huấn tiếp cho các cơ sở còn lại…

Những tình huống cần chích thuốc

Theo thạc sĩ Trần Hiếu Nhân, Trường đại học Y dược Cần Thơ, tại các bệnh viện, BS chỉ định chích thuốc trong các tình huống sau:

* Trường hợp bệnh nhân nặng hoặc hôn mê (tại các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, bệnh hậu phẫu...), hoặc khi BS cần đưa một lượng lớn thuốc vào cơ thể ngay lập tức.

* Bệnh nhân không dùng thuốc qua đường miệng được.

* Thuốc không có chế phẩm dùng đường uống.

* Tùy trường hợp bệnh đặc biệt có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ điều trị (bệnh nhân tiểu đường sử dụng insulin).

* Một số bệnh lý cần có liệu pháp điều trị đặc biệt (như chích thuốc kháng viêm vào các vị trí khớp, mô mềm điều trị một số bệnh lý khớp)...

THÁI LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên