Tiếp theo là co giật các cơ, sùi bọt mép, mắt trợn ngược, chừng 1-2 phút cơn co giật giảm dần rồi ngưng hẳn. Sau đó người bệnh mê đi, gọi một hồi sẽ dần dần tỉnh lại và không nhớ rằng mình đã té ngã như thế nào, trừ khi bị đau, chảy máu ở vùng nào đó rồi người nhà mô tả cho biết.
Vì thế bà con mình gọi là kinh phong, phong xù, kinh giật…. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng 80% các trường hợp bắt đầu lúc dưới 20 tuổi.
Gia đình bệnh nhân thường đặt câu hỏi “Liệu bệnh có khỏi được không, hay cứ uống thuốc dài dài?”. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa như sau “động kinh là bệnh mãn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà đặc trưng là những cơn co giật lặp đi lặp lại…”. Vậy thì câu trả lời là: không thể khỏi hoàn toàn được, và phải uống thuốc suốt đời.
Nguyên nhân động kinh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến động kinh, nhưng lại có thể tóm tắt trong một câu là : phải có một tổn thương giống như vết sẹo ở trên não. Chính vết sẹo này gây ra sự phóng điện quá mức của tế bào thần kinh, tạo ra các cơn co giật.
Nguyên nhân bẩm sinh thường do dị dạng mạch máu não. Còn lại hầu hết là do chấn thương hoặc nhiễm trùng. Chấn thương có thể xảy ra khi bà mẹ sinh khó, phải can thiệp bằng forcep, có người sinh dễ đến mức đẻ rơi, trẻ va đầu vào vật cứng. Còn lại là do va đập (tai nạn lao động té ngã, tai nạn giao thông), do bệnh lý như sau tai biến mạch não, viêm não, nhiễm ký sinh trùng (giun đũa chó). Tuy nhiên có những người tạm gọi là “tự gây bệnh” như ngộ độc rượu.
Ở ta bệnh động kinh chiếm 0,4-0,5% dân số làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh và là nỗi lo của mỗi gia đình.
Biểu hiện của động kinh
Cơn động kinh điển hình thường trải qua 3 giai đoạn: co cứng toàn thân(chừng 01 phút) có thể gây ngưng thở. Co giật cơ toàn thân, giật đều, trợn mắt, sùi bọt mép(chừng 01 phút). Cuối cùng là hôn mê, thở rống lên, tiểu tiện không tự chủ rồi từ từ tỉnh dậy.
Có thể chỉ là cơn “vắng ý thức” tức là não trống không, họ đờ đẫn, nhìn vô hồn, đang viết thì đánh rơi viết, cầm dụng cụ thì đánh rơi dụng cụ. Trường hợp này dù chỉ xảy ra trong ít giây nhưng nếu đang lái xe hay đang trèo cao thì dễ gây tai nạn.
Đôi khi tuỳ vị trí tổn thương có người chỉ bị co giật từng vùng, không té ngã gọi là động kinh cục bộ (Co giật ở tay, co giật ở mắt).
Hậu quả của động kinh
Nếu không được điều trị tích cực thì từ những rối loạn tâm thần trong cơn, cộng với việc người thân xa lánh, ghét bỏ, coi là “cục nợ”, người bệnh động kinh sẽ dần dần biến đổi tính tình: ích kỷ, độc ác, hay nổi nóng, dễ suy diễn theo kiểu chuyện bé xé ra to gây xáo trộn trong gia đình và làm phiền hà lối xóm.
Nếu không dùng thuốc chế ngự cơn động kinh dần dần người bệnh rơi vào tình trạng sa sút trí tuệ. Thường bị động kinh từ khi còn trẻ sẽ ảnh hưởng đến việc học, sẽ phải chọn lao động chân tay. Quá trình làm việc dễ gây tai nạn như phỏng, té ngã, dễ dẫn đến tử vong.
Chăm sóc bệnh nhân động kinh
Gia đình cần phát hiện sớm khi có cơn động kinh đầu tiên và đưa đến với bác sĩ tâm thần để được tư vấn, điều trị. Ở ta còn một vài địa phương cho là “ma làm” mất tiền mời thày pháp, thày cúng, thậm chí đánh người bệnh để “trục ma, trừ tà” sẽ rất nguy hiểm.
Không nên cho người bệnh làm việc hoặc chơi dưới nắng vì nhiệt độ cao dễ làm cơn động kinh xuất hiện. Cũng không nên cho đi câu cá, đi bơi hay điều khiển xe hơi, xe gắn máy.
Các thành viên trong gia đình nên coi người bệnh động kinh bị thiệt thòi nên cần yêu thương, động viên, khích lệ, tạo không khí vui vẻ, tránh chỉ trích hay xa lánh. Không nên cho người bệnh hút thuốc, uống rượu, cà phê…
Khi thấy xuất hiện cơn động kinh cần dùng những vật dụng như đũa, khăn gấp thành nhiều lớp đặt giữa hai hàm răng để tránh cắn vào lưỡi. Đặt người bệnh nằm đầu nghiêng sang phải để khí quản thẳng, nới lỏng quần áo. Theo dõi cơn, khi người bệnh tỉnh thì ân cần chăm sóc để tạo ra cảm giác an toàn.
Cần cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ để cơn không xuất hiện. Khi thấy bệnh nhân ổn định, cần hỏi ý kiến của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc.
Một câu hỏi đặt ra là :phụ nữ bị động kinh có nên mang thai? Không nên, vì thuốc chống động kinh là thuốc an thần kinh, nên có thể ảnh hưởng đến quá trình biệt hoá của thai nhi.
Có bạn gái băn khoăn:liệu bệnh động kinh có di truyền không? Các tác giả thống kê và công bố rằng :nguy cơ này chỉ chiếm từ 4-8% mà thôi. Hiện động kinh còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng, vì thế nếu yêu và chấp nhận, thì cần học cách chăm sóc người bệnh mới mong có hạnh phúc lâu bền được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận