Bệnh do thuốc ở da. Ảnh: dieuduongchuyennghiep.vn
Bệnh do thuốc là một rối loạn cơ năng hoặc thực thể trên bệnh nhân do quá trình điều trị y học gây ra (theo định nghĩa của từ điển y học Pháp là Maladie iatrogénique est une maladie iatrogénique est un trouble mental ou physique résultant d'un traitement médical).
Thuật ngữ tiếng Anh là Drug induced diseases hoặc tiếng Pháp là Maladie iatrogénique là những rối loạn có thể từ nhẹ đến nặng, nghiêm trọng dẫn đến tử vong do thuốc gây ra. Ngoài tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh hoặc đôi khi dùng thuốc để chẩn đoán bệnh, thuốc có thể gây ra bệnh, đặc biệt khi dùng thuốc lâu dài hoặc khi có tình trạng lạm dụng thuốc.
Bệnh do thuốc diễn tiến với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau ở tất cả cơ quan khác nhau trong cơ thể, đến độ được cho rằng bệnh này gây ra những rối loạn giống như những rối loạn của tất cả các loại bệnh mà con người từng mắc. Nguyên tắc chung trong điều trị bệnh do thuốc là ngừng ngay các thuốc đang điều trị đã gây ra bệnh do thuốc đó và sửa chữa các rối loạn. Chúng tôi giới thiệu với các bạn bệnh do thuốc ở bộ phận da niêm mạc, hệ cơ xương khớp, gan và hệ tiêu hóa.
Bệnh do thuốc ở bộ phận da niêm mạc (Dermatomucosal toxicity)
Bệnh lý da niêm mạc do thuốc gây ra chiếm khoảng 1/3 các trường hợp bị phản ứng có hại của thuốc; xảy ra và chấm dứt có thể cấp tính hoặc diễn tiến từ từ, tổn thương thường khu trú một vài chỗ hoặc toàn thân. Nguyên do có thể do dùng thuốc theo đường uống, nhưng nhiều nhất vẫn là do dùng thuốc đường ngoài da. Một số rối loạn đặc biệt hay gặp là:
- Trúng độc da do thuốc là biểu hiện thông thường chiếm 2-3% bệnh nhân nhập viện. Biểu hiện viêm da tróc vảy 4%, bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi, nhất là phụ nữ do chuyển hóa thuốc giảm, chậm đào thải. Đa số phản ứng nhẹ, thường kèm ngứa, triệu chứng giảm sau ngưng thuốc. Trường hợp nặng đe dọa tính mạng bệnh nhân và không tiên lượng được, dị ứng thuốc thường gây ra tai biến cấp nghiêm trọng.
- Đỏ da toàn thân (ĐDTT) do thuốc: ĐDTT do thuốc là một trong những biểu hiện lâm sàng của dị ứng nhiểm độc da (dị ứng nhiễm độc da có nhiều hình thể lâm sàng như hồng ban đa dạng, hội chứng Steven Johnson, hội chứng Lyell, hồng ban cố định nhiễm sắc). ĐDTT do thuốc được xem như một bệnh da cấp cứu. Do dùng dài ngày, liều cao, thường xuất hiện trong quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh, penicillin, streptomycin, sulfamide chậm, clorocid, kháng sốt rét (quinine), an thần (gardenan, barbiturate), thuốc hạ nhiệt, pyramidon, thủy ngân, asen, độc dược, mã tiền... các thuốc đông y khoảng 40%.
- Rụng tóc: do các thuốc methotrexate, thuốc ngừa thai dạng đường uống; rậm lông: Adrrogen, corticoides, phenyltoine.
- Quang cảm ứng: hay còn gọi là nhạy cảm với ánh sáng sau dùng thuốc, chia làm 2 loại: Có thể bị độc tính do ánh nắng (phototoxic) và bị dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn do ánh nắng (photoallergic reaction) như do dùng các thuốc lợi tiểu thiazides, kháng sinh acide nalidixic, sulfamide, allopurinol, phenobarbital, chloramphenicol, muối vàng,...
- Mụn trứng cá do thuốc không phải do dị ứng đối với thuốc, cũng không phải do biến thể của mụn trứng cá thông thường. Sau một thời gian sử dụng thuốc, bệnh xuất hiện, nổi trên da các mụn bị viêm với một ít có nhân mụn. Các mụn trứng cá do thuốc thường nổi ở ngực, lưng, vai và cánh tay. Người ta ghi nhận các thuốc dùng toàn thân (tức uống hoặc tiêm) kể sau đây có thể gây nổi mụn: Glucocorticoid, steroid tăng đồng hóa (anabolic steroid như durabolin), các vitamin nhóm B, thuốc chống động kinh, lithium, isoniazid, quinidin, azathioprin, cyclosporin, etretinat (thuốc trị bệnh vẩy nến)...
Cần phân biệt chẩn đoán mụn trứng cá do thuốc với mụn trứng cá thông thường, viêm nang lông hoặc ban clor... Để điều trị mụn trứng cá do thuốc, ngưng ngay thuốc nghi ngờ làm nổi mụn. Có thể dùng thuốc dạng kem hoặc thuốc mỡ chứa tetracyclin, tretinoin (nồng độ 0,025%) để trị liệu.
Bệnh do thuốc ở hệ cơ xương khớp (Skeletal toxicity)
- Ngộ độc thuốc khi điều trị các bệnh khớp có thể từ nhẹ đến nặng, phục hồi hoặc không phục hồi được. Thường những xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng sẽ giúp chúng ta phát hiện sớm các biểu hiện nhiễm độc như tăng huyết áp, loét và chảy máu đường tiêu hóa, hạ đường huyết, tổn thương hoàng điểm, tổn thương gan, thận, rối loạn về chuyển hóa và nội tiết, suy tủy dẫn đến giảm các tế bào máu... Bệnh nhân phải dừng thuốc ngay lập tức khi có các biểu hiện ngộ độc trên.
- Ngoài các biến chứng thông thường vừa kể, một số hội chứng không điển hình dưới đây cũng cần được chú ý khi điều trị viêm khớp:
+ Các biểu hiện viêm khớp gia tăng: bệnh nhân cảm thấy đau hơn, sưng hơn cùng với cứng khớp. Cần biết rằng ban đầu có thể xuất hiện các phản ứng theo xu hướng xấu do thuốc bắt đầu tác dụng. Nếu sau một ngày, các biểu hiện này không được cải thiện và tiếp tục phát triển thì rất có thể thuốc đã không có tác dụng, cần phải thay thế thuốc hoặc điều chỉnh lại liều dùng.
+ Tăng nhiệt độ: Nếu nhiệt độ tăng không đáng kể (dưới 380C), đó có thể là biểu hiện bình thường của phản ứng viêm khớp, nhưng nếu nhiệt độ tăng hơn nhiều (trên 380C), phải nghĩ đến khả năng về một bệnh nhiễm trùng. Nhiều thuốc trị viêm khớp đã làm suy giảm hệ miễn dịch cũng như giảm thiểu tuần hoàn và làm tăng một cách đáng kể nguy cơ bị các bệnh do vi trùng và siêu vi trùng. Các thuốc chính gây suy giảm hệ miễn dịch là: Methotrexat, immuran, remicad, infliximab, enbrel, cyclosporin, cytoxan. Phát hiện và điều trị kịp thời các biểu hiện nhiễm trùng sẽ giúp giảm bớt những biến chứng nặng nề có thể xảy ra.
+ Tê hoặc cảm giác kiến bò: các phản ứng này có thể xảy ra vì sự đè nén do phù và viêm vào các dây thần kinh. Một nguyên nhân khác là do thoái hóa dây thần kinh, do hiện tượng viêm và tổn thương mạch máu. Ngoài ra, độc tính của một số thuốc kháng viêm cũng như thuốc làm suy giảm miễn dịch có thể làm tổn hại hệ thần kinh ngoại vi và gây ra cảm giác tê hoặc kiến bò. Bệnh nhân cần phải thông báo ngay với bác sĩ những biểu hiện này để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
+ Mẩn đỏ: Rất hiếm khi do các bệnh khớp gây ra. Nguyên nhân của triệu chứng này thường là do các thuốc: Solganal, myochrysin, methoratrexat...
+ Đỏ mắt: Có thể do nhiễm trùng mắt. Nếu kèm theo đau nhức nặng cần phải nghĩ đến bệnh viêm các mạch máu.
+ Không phân biệt được màu đỏ và xanh lá cây: Thường do plaquenil làm tổn hại võng mạc gây ra. Bệnh nhân phải báo với bác sĩ và dừng thuốc ngay.
+ Buồn nôn: Hầu hết các thuốc trị viêm khớp đều có thể gây nên cảm giác rất khó chịu này, đặc biệt là ibuprofen, naproxen và một số thuốc kháng viêm giảm đau khác như azathiprin - (Immuran), prednisolon, methotrexat.
+ Ho và đau ngực: Viêm các khớp liên sườn có thể gây đau ngực. Tuy nhiên cũng cần được khám để loại trừ khả năng có bệnh về tim và phổi. Như đã trình bày, khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp do tác dụng giảm miễn dịch của thuốc điều trị viêm khớp có thể xảy ra và phải được điều trị bằng kháng sinh kịp thời. Methotrexat có thể gây viêm phổi do làm tổn thương mô và mạch máu, biểu hiện đầu tiên là ho kéo dài. Các thuốc kháng viêm cũng thường gây ợ chua và đau rát ở lồng ngực.
Bệnh do thuốc ở gan (Hepatoxicity)
Khoảng 800 thuốc ảnh hưởng đến gan, nhiều thuốc gây độc đối với tế bào gan như thuốc hạ sốt giảm đau loại paracetamol, methotrexate, thuốc lao INH, tetracycline, halothan và cơ chế gây tổn thương hoặc nặng hơn là hoại tử tế bào gan.
Bệnh do thuốc trên hệ gan mật có thể biểu hiện từ nhẹ (thay đổi men gan ALT, AST) đến nặng là suy tế bào gan. Các yếu tố nguy cơ có thể bệnh do thuốc lên cơ quan gan là tuổi lớn, trẻ em, nữ nhiều hơn nam, suy giảm miễn dịch, nghiện rượu, viêm gan virus, bênh lý nền mạn tính, tương tác thuốc (rượu, thuốc điều trị tâm thần kinh,...)
Bệnh do thuốc ở hệ tiêu hóa (Gastrointestinal toxicity)
- Chiếm khoảng 20-40% các trường hợp bị phản ứng có hại của thuốc, bệnh dễ xảy ra do đa số thuốc dùng bằng đường uống và nồng độ thuốc tập trung cao ở đường tiêu hóa.
- Bệnh có thể biểu hiện từ nhẹ (chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, táo bón, tiêu chảy) đến nặng (viêm tụy, xuất huyết tiêu hóa,...). Rối loạn vị giác cũng có thể gặp sau khi dùng một số thuốc như penicillamin, levodopa, lithicarbonate, metronidazole, captopril,...
- Một số rối loạn đặc biệt có thể gặp: Viêm loét tiêu hóa ở vùng dạ dày tá tràng (do thuốc corticoides, thuốc chống viêm không steroides), loét ruột non (viên KCl bao tan trong ruột); viêm đại tràng giả mạc (do thuốc lincomycine, clindamycine); viêm tụy (do thuốc azathioprine, furosemide, sulindac, acid anthrraquinon).
- Một số thuốc cũng có thể biến đổi màu sắc răng, viêm lợi răng, viêm lợi xuất huyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận