Phóng to |
Uống rượu bia quá độ là nguyên nhân của nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe - Ảnh: Thuận Thắng |
Cách đây một tháng, TS Lan tiếp nhận một bệnh nhân là nam giới, 38 tuổi, khi vào viện bệnh nhân đã gầy sút 5-6 kg so với nửa năm trước, người mệt, da vàng, mắt vàng, bụng to, ăn uống kém...
Hậu quả của “dzô 100%”
Các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân xét nghiệm thấy men gan tăng, nhưng tìm virút viêm gan B, C kết quả là âm tính, chứng tỏ tình trạng viêm gan không phải do virút. “Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy bệnh nhân uống rất nhiều rượu bia trong vòng năm năm gần đây, ngày nào cũng uống và thông thường là 10 ly bia và 300-400ml rượu/ngày” - TS Lan cho hay.
Điều trị cho bệnh nhân chi phí không lớn, chỉ cần dùng thuốc hỗ trợ gan và ngừng bia rượu, nhưng khó khăn là bệnh nhân tuân thủ rất kém, vẫn uống rượu hằng ngày nên bệnh còn nặng. “Trong khi nếu không tuân thủ điều trị, chỉ 1-2 năm nữa tình trạng bệnh sẽ tiến triển thành xơ gan nặng, song đáng tiếc là số bệnh nhân còn trẻ tuổi, mắc bệnh vì uống rượu ngày càng nhiều” - TS Lan nói.
Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm năm 2007-2012 có 36 vụ ngộ độc rượu lớn với 249 người mắc và 66 người trong số đó đã tử vong. TP.HCM và Gia Lai dẫn đầu về số ngộ độc rượu với năm vụ/địa phương, tiếp theo là các tỉnh Đồng Nai, Hà Giang, Sóc Trăng, Thừa Thiên - Huế có hai vụ ngộ độc/địa phương. Trên 86% người đi viện do ngộ độc rượu từ 15-49 tuổi, với các biểu hiện hay gặp nhất là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, khó thở, co giật, rối loạn ý thức, đau bụng, tím tái, mờ mắt, thậm chí có trường hợp liệt, giảm cảm giác, hôn mê.
Bác sĩ Bế Thị Hồng Thu (Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng những trường hợp hơi thở có mùi rượu, thay đổi tính tình, kích thích, thích gây gổ đã được coi là ngộ độc rượu mức độ nhẹ và trung bình; những trường hợp nặng như co giật, hôn mê nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng thần kinh không hồi phục. Tại Bệnh viện Bạch Mai, đã có những bệnh nhân sảng rượu (một kiểu ngộ độc rượu) mắt mở to nhưng không có tiếp xúc với người khác, không có tri giác... do uống rượu nhiều trong thời gian dài.
Cảnh giác rượu độc
Trong hội nghị mới đây của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm về phòng chống ngộ độc rượu, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên đã giới thiệu kinh nghiệm xử lý các vụ ngộ độc rượu tại Tây nguyên. Theo đó, từ năm 2010-2011 tại Tây nguyên đã có sáu vụ ngộ độc rượu, đặc biệt là Gia Lai có năm vụ với chín người tử vong. Những người tử vong, ngộ độc rượu đều là người uống rượu trắng thường xuyên, người tử vong có điểm chung là uống rượu số lượng lớn nên dễ bị tưởng nhầm là say rượu thông thường. Chỉ có hai trường hợp trong số này có biểu hiện lạ hơn là nhìn mờ, thậm chí mù do tổn thương gai thị và khó thở do suy hô hấp tế bào. Đây là hai triệu chứng khá đặc trưng ở người ngộ độc methanol, hiếm gặp ở người ngộ độc rượu thông thường và hay bị nhầm với tình trạng cảm gió do ngộ độc rượu.
Qua xét nghiệm, các mẫu rượu liên quan đến trường hợp tử vong do rượu đều có hàm lượng methanol rất cao, gấp 800-900 lần tiêu chuẩn cho phép. Để kiểm chứng, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên đã tiến hành thử nghiệm bằng cách mua năm mẫu, gồm ba mẫu rượu trắng, một mẫu cồn công nghiệp và một mẫu cồn thực phẩm tại cửa hàng tạp hóa. Kết quả cho thấy dù cồn công nghiệp có hàm lượng methanol rất cao so với tiêu chuẩn của rượu, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với hàm lượng methanol trong các mẫu rượu thu được trong vụ ngộ độc.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng khả năng dùng methanol nguyên chất loại dùng trong phòng thí nghiệm pha thẳng thành rượu giả là không khả thi vì giá thành rất cao (trên 20.000 đồng/lít), hơn nữa rượu pha thẳng kiểu này có mùi hắc, nặng, khó chịu. Từ thông tin thị trường, nhóm nghiên cứu xác định methanol nguyên thùng của Trung Quốc giá rất rẻ nên có khả năng rất cao dùng methanol thùng pha hàm lượng 10% vào rượu nhẹ để biến rượu nhẹ thành rượu nồng độ cao, trong khi giá thành chỉ tăng thêm 5.000 đồng/ lít. “Mỗi khi có tin nhà máy bia mới xây là tôi rất lo, nhìn thanh niên nhậu la liệt ngoài đường, uống “trăm phần trăm” một cách vui vẻ, tôi thấy lạ lùng. Uống rượu tốt nhất chỉ nên 40ml/ngày, bia tốt nhất không quá 3 lon/ngày, nhiều quá sẽ tổn thương gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan..., thế nhưng điều lạ lùng là ít có xứ nào nhậu nhiều như xứ ta” - TS Lan bộc bạch.
Viêm gan siêu vi B & C: bệnh nào nguy hiểm hơn? Nhiễm virút viêm gan B và C mãn tính đều có thể gây tử vong. Người ta đã so sánh các kết quả lâm sàng trên cơ sở dữ liệu của 7.000 bệnh nhân ở Mỹ. Sau thời gian theo dõi trung bình gần tám năm, tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân tương đồng ở cả hai nhóm viêm gan siêu vi B và C, nhưng tỉ lệ tử vong có liên quan đến gan của những người bị nhiễm virút viêm gan B mãn tính cao hơn đáng kể. Kết quả này đáng chú ý vì hiện nay do quảng cáo phát triển mạnh, nhiều người thường tập trung vào việc sàng lọc và điều trị viêm gan C. Dù đã có thuốc chủng ngừa nhưng bệnh viêm gan siêu vi B vẫn xuất hiện và việc điều trị hiệu quả có thể cứu sống được rất nhiều bệnh nhân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận