Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Nguồn: npr.org
Bệnh đái tháo đường là một bệnh rất phổ biến trên thế giới, mang tính xã hội, cộng đồng rõ rệt đặc biệt ở các nước công nghiệp phát triển. Bệnh có xu hướng tăng theo thời gian và sự phát triển của kinh tế. Đái tháo đường đang là đại dịch của các bệnh không lây nhiễm và được coi là "kẻ giết người thầm lặng".
Khái quát bệnh đái tháo đường
Theo Tổ chức Y tế thế giới, "đái tháo đường là một hội chứng có đặc tính biểu hiện bằng sự tăng đường máu do hậu quả của việc mất hoàn toàn insulin hoặc là do có liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết hoặc hoạt động của insulin".
Đái tháo đường týp 1 chiếm tỷ lệ khoảng 5 - 10% tổng số bệnh nhân đái tháo đường. Nguyên nhân do tế bào bê-ta bị phá hủy, gây nên sự thiếu hụt insulin tuyệt đối cho cơ thể (nồng độ insulin giảm thấp hoặc mất hoàn toàn). Đái tháo đường týp 1 phụ thuộc nhiều vào yếu tố gen và thường được phát hiện trước 40 tuổi.
Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên biểu hiện nhiễm toan ceton là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Đa số các trường hợp được chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 1 thường là người có thể trạng gầy, tuy nhiên người béo cũng không loại trừ. Người bệnh đái tháo đường týp 1 sẽ có đời sống phụ thuộc insulin hoàn toàn.
Đái tháo đường týp 2 chiếm tỷ lệ khoảng 70-80% bệnh đái tháo đường, thường gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi.
Nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo tuổi, do có sự thay đổi nhanh chóng về lối sống, về thói quen ăn uống, đái tháo đường týp 2 ở lứa tuổi trẻ đang có xu hướng phát triển nhanh.
Đặc trưng của đái tháo đường týp 2 là kháng insulin đi kèm với thiếu hụt tiết insulin tương đối. Đái tháo đường týp 2 thường được chẩn đoán rất muộn vì giai đoạn đầu tăng glucose máu tiến triển âm thầm không có triệu chứng.
Đặc điểm lớn nhất trong sinh lý bệnh của đái tháo đường týp 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường trong cơ chế bệnh sinh.
Người mắc bệnh đái tháo đường týp 2 có thể điều trị bằng cách thay đổi thói quen, kết hợp dùng thuốc để kiểm soát glucose máu, tuy nhiên nếu quá trình này thực hiện không tốt thì bệnh nhân cũng sẽ phải điều trị bằng cách dùng insulin.
Đái đường thai nghén thường gặp ở phụ nữ có thai, có glucose máu tăng, gặp khi có thai lần đầu. Sự tiến triển của đái tháo đường thai nghén sau đẻ theo 3 khả năng: Bị đái tháo đường, giảm dung nạp glucose, bình thường.
Các thể đái tháo đường khác (hiếm gặp), nguyên nhân liên quan đến một số bệnh, thuốc, hoá chất như: Khiếm khuyết chức năng tế bào bê-ta, khiếm khuyết gen hoạt động của insulin, bệnh tụy ngoại tiết (viêm tụy, chấn thương, carcinom tụy...), các bệnh nội tiết (hội chứng Cushing, cường năng tuyến giáp)...
Đái tháo đường nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ tiến triển nhanh chóng và xuất hiện các biến chứng cấp và mạn tính. Bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng này.
Ngày nay, tỷ lệ tử vong do những biến chứng cấp tính và mạn tính ở người bệnh đái tháo đường đã giảm đáng kể, chất lượng cuộc sống của người bệnh đã phần nào được nâng cao.
Đó là nhờ có những tiến bộ trong chẩn đoán, phát hiện sớm, đặc biệt áp dụng các biện pháp chăm sóc, điều trị tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh vẫn ngày càng tăng, không chỉ ở khu vực thành phố mà còn phát triển nhanh ở khu vực miền núi, nông thôn.
Một số yếu tố liên quan đến bệnh đái tháo đường
Liên quan đến bệnh đái tháo đường thường gặp các yếu tố sau:
- Tiền sử gia đình, tiền sử sản khoa: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tiền sử gia đình (quan hệ huyết thống) là một yếu tố nguy cơ thực sự của đái tháo đường týp 2.
- Tuổi: Tuổi càng tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường càng cao.
- Giới tính: Tỷ lệ mắc đái tháo đường ở hai giới nam và nữ thay đổi tùy thuộc vào các vùng dân cư khác nhau. Ảnh hưởng của giới tính đối với bệnh đái tháo đường không theo quy luật, nó tùy thuộc vào chủng tộc, độ tuổi, điều kiện sống và mức độ béo phì.
- Béo phì: Béo phì là trạng thái thừa mỡ của cơ thể. Theo các chuyên gia của WHO, béo phì là yếu tố nguy cơ mạnh mẽ nhất tác động lên khả năng mắc đái tháo đường týp 2. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng béo phì là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự kháng insulin.
- Rối loạn chuyển hoá lipid máu: Rối loạn lipid máu chiếm tỷ lệ 7% gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, tỷ lệ này có xu hướng giảm dần theo thời gian phát hiện bệnh.
- Thuốc lá và bia rượu: Thuốc lá và bia rượu là những chất gây hại cho cơ thể, làm nặng thêm các rối loạn chuyển hoá. Là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
- Tập thể dục, thể thao: Hoạt động thể lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong bệnh sinh của đái tháo đường. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc luyện tập thể lực thường xuyên có tác dụng làm giảm nhanh nồng độ đường máu, đồng thời giúp duy trì sự ổn định của lipid máu, huyết áp và giúp cải thiện tâm lý.
Sự phối hợp hoạt động thể lực thường xuyên và điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp làm giảm 58% tỷ lệ mắc mới đái tháo đường týp 2.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh dái tháo đường
Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường không có nghĩa là sống trong thiếu thốn, kiêng khem, cuộc sống luôn được đảm bảo.
Chế độ ăn với các thức ăn nhiều chất xơ và giải phóng đường chậm giúp giữ lượng đường huyết tăng chậm bởi vì chúng được tiêu hóa chậm hơn, do đó ngăn ngừa cơ thể sản xuất quá nhiều insulin. Đồng thời cung cấp năng lượng lâu dài và giúp no lâu hơn.
Khi chọn thực phẩm trước khi sử dụng chúng ta nên tìm hiểu chỉ số đường huyết các loại thực phẩm định dùng. Các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao mà người tiểu đường không nên sử dụng như: gạo trắng, bánh mỳ trắng, miến, các thức ăn chế biến sẵn, bánh kẹo, đồ uống soda...
Những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: bánh mỳ đen, các loại rau, hoa quả, trái cây khô, nước ép trái cây (nhưng không phải nước ép trái cây chế biến sẵn vì đây là đồ uống có soda sẽ gây tăng đường huyết rất nhanh).
Sau đây là 8 nguyên tắc ăn uống trong bệnh đái tháo đường:
1. Ăn nhiều rau không tinh bột. Ăn đậu và trái cây như: táo, lê, đào, chuối, đu đủ là các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.
2. Ăn các loại ngũ cốc tự nhiên ít chế biến sẵn. Hãy ăn uống khoa học và chế biến theo kiểu cổ truyền, không nên ăn đồ ăn chế biến sẵn.
3. Hạn chế khoai tây trắng và các sản phẩm ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng và mì sợi trắng.
4. Hạn chế đồ ngọt tập trung, bao gồm các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao như kem, nước ép trái cây (uống ít khoảng một ly một ngày). Không nên uống đồ uống có đường ngọt.
5. Nên ăn một loại protein ở hầu hết các bữa ăn, chẳng hạn như cá, đậu, hoặc thịt gà không da.
6. Chọn các loại thực phẩm với chất béo có lợi cho người bệnh đái tháo đường như dầu ô liu, bơ, dầu thực vật. Hạn chế chất béo bão hòa từ sữa và các sản phẩm khác từ động vật. Loại bỏ hoàn toàn các chất béo trong đồ ăn nhanh và chế biến sẵn.
7. Dùng ba bữa ăn chính và một hoặc hai bữa ăn nhẹ mỗi ngày, không nên bỏ bữa sáng.
8. Ăn chậm và dừng lại khi thấy vừa đủ theo cảm nhận cơ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận