TTCT - Sự ra đời của vắc xin phòng bệnh và chiến dịch tiêm chủng đã giúp ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu. Tuy nhiên tại nhiều nơi, cơn ác mộng này vẫn chưa có hồi kết. Trong lịch sử, bệnh bạch hầu từng là nỗi ám ảnh với tỉ lệ tử vong lên tới 50% trong các đợt dịch và vẫn duy trì 5-10% ngay cả khi dùng thuốc giải độc tố. Sự ra đời của vắc xin phòng bệnh và chiến dịch tiêm chủng đã giúp ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên tại nhiều nơi, cơn ác mộng này vẫn chưa có hồi kết.Bang Alaska (Mỹ), được mệnh danh là "thiên đường băng", nổi tiếng với cuộc đua chó kéo xe trượt tuyết Iditarod Trail, được tổ chức vào tháng 3 hằng năm kể từ năm 1973. Cuộc đua này được cho là lấy cảm hứng - và cũng là để vinh danh - chuyến xe chó kéo đã chở thuốc huyết thanh cứu hàng trăm người mắc bệnh bạch hầu cách đây gần một thế kỷ, năm 1925.Vào thời điểm đó, thị trấn Nome (Alaska) xa xôi bị dịch bạch hầu hoành hành. Thiếu huyết thanh kháng độc tố, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 100%, đặc biệt là trẻ em. Không có phương tiện vận chuyển khả thi trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không gì cũng bó tay, chính quyền đã sử dụng các đội chó kéo xe để vận chuyển thuốc. Chú chó Balto cùng với 12 "đồng đội" chia làm nhiều chặng, kéo xe ngày đêm, vượt qua bão tuyết trên hơn 1.000 cây số để đưa thuốc đến Nome kịp thời.Tượng đài chú chó Balto đã được dựng tại Công viên trung tâm New York. Công trình không chỉ ca ngợi sự dũng cảm của những chú chó mà còn nhắc nhở về sự nguy hiểm, khốc liệt của bệnh bạch hầu trong lịch sử.Căn bệnh nguy hiểmKhi khoa học chưa tìm ra thủ phạm gây bệnh, bạch hầu là nỗi kinh hoàng của con người.Những ca bệnh đầu tiên được Hippocrates mô tả vào năm 500 trước Công nguyên và liên tiếp gây nhiều đợt bùng phát tại châu Âu khiến hàng nghìn người tử vong. Bệnh được gọi bằng nhiều tên khác nhau như "bệnh treo cổ" theo tiếng Tây Ban Nha), "bệnh họng" theo tiếng Ý và năm 1821 được bác sĩ người Pháp Pierre Bretonneau (1778-1862) đặt tên là diphtérite. Bác sĩ Pierre đi từ chữ diphthera trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "da", mô tả một lớp phủ (tức là màng giả) xuất hiện ở cổ họng, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn hoặc bị tắc nghẽn. Trẻ em có đường thở nhỏ, hẹp dễ bị tổn thương và nguy cơ hít phải màng giả, gây tắc nghẽn hô hấp và tử vong. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp.El Garrotillo (Bạch hầu). Tranh của Francisco de Goya và Lucientes (1808–1812). Ảnh: WikimediaBệnh bạch hầu gieo rắc kinh hoàng cho mọi tầng lớp xã hội, kể cả những người giàu và những gia đình nổi tiếng. Nữ hoàng Anh Victoria mất con gái, và có đến ba tổng thống Mỹ có con chết vì bệnh bạch hầu ngay cả khi đã có thuốc giải độc tố. "Đó thực sự như dịch hạch ở trẻ em. Nhiều gia đình đã mất ba trong số bốn đứa con, nhiều nhà mất tất cả" - học giả Noah Webster (1758-1843) chép lại trong quyển A Brief History of Epidemic and Pestilential Diseases (tạm dịch: Lược sử các bệnh dịch và sâu bệnh, 1799).Đáng tiếc hơn nữa là con của Abraham Jacobi (1830-1919), người được xem là cha đẻ của ngành nhi khoa Mỹ, cũng bị bệnh này cướp đi sinh mạng. Trong thập niên 1860, Abraham đã phát hiện hơn 120 trẻ mắc bệnh bạch hầu tại phòng khám, nỗ lực cứu chữa và có nhiều kinh nghiệm điều trị. Tuy nhiên việc chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh khiến điều trị bệnh không hiệu quả. Hai con của ông đều mắc bệnh và người con trai đã tử vong. Nguyên nhân mắc bệnh được phỏng đoán có thể do chính ông đã mang mầm bệnh từ phòng khám về nhà trong lúc nỗ lực cứu những đứa trẻ khác.Bệnh bạch hầu đã khiến các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đoàn kết và "chạy đua" để tìm nguyên nhân và phương pháp điều trị.Độc tố và thuốc giảiMuốn trị bệnh cần tìm ra "thủ phạm". Cột mốc là năm 1883, Edwin Klebs đã xác định được vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae ẩn núp trong màng giả. Sau đó các bác sĩ tại Viện Pasteur Paris đã tìm ra một chất do vi khuẩn này tiết ra - độc tố bạch hầu, gây ức chế tổng hợp protein và làm chết tế bào.Độc tố có thể gây tử vong cho con người ở liều dưới 0,1μg/kg trọng lượng cơ thể. Các triệu chứng ban đầu có thể sốt, đau họng, nổi hạch và có mảng bám ở hầu họng hoặc loét da. Nếu không được điều trị, độc tố sẽ xâm nhập vào tuần hoàn máu và gây tổn thương toàn thân. Điển hình tại tim, gây viêm cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim và tử vong; tại hệ thần kinh, độc tố gây viêm dây thần kinh ngoại biên khiến yếu cơ, viêm dây thần kinh kiểm soát đường thở, có thể gây suy hô hấp và phải thở máy…Sau khi khỏi, người bệnh vẫn gặp nhiều biến chứng tại tim và hệ thần kinh. Với tính chất nguy hiểm trên, các nhà nghiên cứu cấp thiết phải tìm ra thuốc giải độc tố.Năm 1890, các nhà nghiên cứu đã tìm ra thuốc kháng độc tố và liệu pháp điều trị huyết thanh dựa vào nguyên lý: tiêm cho ngựa độc tố bạch hầu đã được làm yếu, sau đó đợi ngựa sản xuất ra kháng thể đáp ứng, lấy máu, tách lấy huyết thanh và tiêm cho người mắc bệnh.Năm 1894 tại Bệnh viện Nhi Malades (Pháp), các nhà nghiên cứu đã tiêm huyết thanh ngựa có chứa kháng độc tố cho 448 trẻ em mắc bệnh bạch hầu. Chỉ có 109 trẻ tử vong, chiếm 24,3% so với 60% ở nhóm trẻ không sử dụng huyết thanh.Kết quả này được công bố tạo ra sự phấn khích và hy vọng tại thời điểm đó. Hàng nghìn liều thuốc kháng độc tố được sản xuất và vận chuyển đi khắp nơi cứu người bệnh, như câu chuyện về những chú chó vận chuyển tại vùng Alaska kể trên.Le Tubage (Đặt ống thông khí quản), cảnh bác sĩ điều trị cho một em bé mắc bệnh bạch hầu. Tranh Georges Chicotot vẽ năm 1904. Nguồn: Musee de l’Assistance Publique, ParisTuy nhiên, thuốc không thể cứu được tất cả mọi người, bởi nó không thúc đẩy cơ thể sinh kháng thể và người bệnh có thể tái mắc. Do vậy, vắc xin phòng bệnh bạch hầu ra đời, gồm hai thành phần: chất kháng độc tố bạch hầu, có thể chống lại nhiễm trùng đang hoạt động và độc tố bạch hầu bất hoạt giúp kích thích cơ thể sản sinh kháng thể. Đặc biệt, có thể kết hợp độc tố bất hoạt của bạch hầu, ho gà, uốn ván trong một sản phẩm (DPT) mà tạo ra các phản ứng miễn dịch bảo vệ chống lại cả ba bệnh.Vắc xin phòng bệnh hiệu quả cùng với chiến dịch tiêm chủng thành công đã đẩy lùi bệnh bạch hầu. Tại Mỹ, bệnh gần như hoàn toàn biến mất.Cơn ác mộng chưa chấm dứtBất chấp những tiến bộ đã đạt được, bệnh bạch hầu vẫn chưa được xóa sổ và bùng phát nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại các vùng bất ổn do di cư và xung đột chính trị.Theo báo cáo tình hình khẩn cấp về sức khỏe khu vực châu Phi của Tồ chức Y tế thế giới (WHO), cập nhật tháng 5-2024, có khoảng 41.000 người nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và hơn 1.174 người chết. Trong đó, Nigeria chiếm 78% số ca mắc bệnh và 70% số ca tử vong. Nguyên nhân là do tỉ lệ tiêm chủng thấp, chỉ từ 29-62% trong giai đoạn 2000-2022, thấp hơn nhiều mục tiêu bao phủ 90%.Theo nghiên cứu công bố tháng 11-2023 của Đại học Ilorin (Nigeria), tỉ lệ bao phủ thấp là do nguồn cung không đủ, hệ thống chuỗi lạnh không hiệu quả và tỉ lệ tiếp nhận thấp do hiểu biết kém về sức khỏe và tín ngưỡng xã hội - văn hóa và tôn giáo tiêu cực.Một thực tế khác là kho dự trữ thuốc giải độc tố đang cạn kiệt. Khi đã có vắc xin giúp ngăn ngừa bệnh hiệu quả, nhu cầu về thuốc giải độc tố bắt đầu giảm dần, dẫn đến số lượng công ty sẵn sàng sản xuất và phân phối thuốc giảm mạnh, không kịp cung cấp cho những khu vực cần sử dụng.Ngoài ra còn có sự thay đổi trong nhóm đối tượng mắc bệnh. Trước đây bệnh bạch hầu thường xảy ra ở trẻ em (dưới 12 tuổi). Gần đây bệnh đã xuất hiện nhiều hơn ở nhóm thanh thiếu niên và người lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng tiêm chủng không đầy đủ, bao gồm chưa bao giờ được tiêm chủng, phản ứng với vắc xin không hiệu quả và không được tiêm nhắc lại sau lần tiêm vắc xin trước.Theo các nghiên cứu miễn dịch học, một người phải có nồng độ kháng độc tố lớn hơn 0,1 IU/mL để có khả năng miễn dịch đầy đủ. Ngoài ra, thanh thiếu niên và người lớn có thể biểu hiện bệnh không điển hình, do đó có khả năng làm lu mờ chẩn đoán.Đặc biệt, các nhà nghiên cứu tại Anh và Ấn Độ phát hiện cấu trúc di truyền của độc tố bạch hầu cũng "tiến hóa", khiến vắc xin có thể không hiệu quả. Theo kết quả công bố trên tập san Natura Communications hồi tháng 3-2021, độc tố bạch hầu được mã hóa bởi gene tox; các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng 18 biến thể khác nhau của gene tox, trong đó một số có khả năng thay đổi cấu trúc từ trung bình đến cao của độc tố."Vắc xin bạch hầu được thiết kế để trung hòa độc tố, vì vậy bất kỳ biến thể di truyền nào làm thay đổi cấu trúc của độc tố đều có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin" - giáo sư Gordon Dougan từ Viện Miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm Cambridge cho biết.Erythromycin và penicillin là hai trong số các loại kháng sinh được khuyến cáo để điều trị các trường hợp mắc bệnh bạch hầu giai đoạn đầu. Nhóm nghiên cứu phát hiện các biến thể gene tox kháng tới sáu loại kháng sinh, tính cả hai loại kể trên, dựa trên các vi khuẩn phân lập từ các ca nhiễm trong thập niên 2010 - nhiều hơn bất kỳ thập niên nào khác.Sự thành công của vắc xin phòng bệnh, thuốc giải độc tố và chiến dịch tiêm chủng đã giúp con người ngăn chặn được bệnh bạch hầu. Tuy nhiên "chúng ta không được lơ là với bệnh bạch hầu, nếu không căn bệnh này có nguy cơ lại trở thành mối đe dọa lớn toàn cầu, bởi chúng có khả năng ở dạng đã được cải tiến và thích nghi tốt hơn" - tiến sĩ Ankur Mutreja, trưởng nhóm y tế toàn cầu (bệnh truyền nhiễm) tại Đại học Cambridge, cảnh báo. Trong tương lai, công nghệ kháng thể đơn dòng (MAb) có thể cung cấp giải pháp thay thế an toàn hơn thuốc giải độc tố (vì phản ứng quá mẫn với kháng thể ở người ít phổ biến hơn), hiệu quả tương đương và có thể sản xuất số lượng lớn. Tất nhiên, cần có nguồn lực tài trợ từ các quốc gia và đầu tư tư nhân. Rõ ràng là thế giới cần những phương tiện mới để phát triển thuốc cho các bệnh truyền nhiễm. Tags: Bệnh bạch hầuBạch hầuVaccineSức khỏe
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.