09/07/2024 18:14 GMT+7

Bệnh bạch hầu có vắc xin phòng nhưng vì sao chưa thanh toán được?

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, năm 2024 ghi nhận 5 ca mắc bạch hầu tại Hà Giang (3 ca vào các tháng 1, 2 và 4); Nghệ An (1 ca, tháng 6-2024, người bệnh đã tử vong) và Bắc Giang (1 ca, tháng 7-2024).

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa điều trị cho các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu cao - Ảnh: HIỆP HÒA

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa điều trị cho các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu cao - Ảnh: HIỆP HÒA

Tính chung từ 2020 đến nay, đã có ít nhất 4 vụ dịch bạch hầu có người tử vong. Trong đó tháng 7-2020 tại Tây Nguyên, năm 2023 có 2 vụ dịch tại tỉnh Hà Giang và Điện Biên, và vụ dịch hiện nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về lý do năm nào cũng xảy ra dịch, trong khi bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng, một chuyên gia có trách nhiệm của Bộ Y tế cho rằng không có chuyện thanh toán được bệnh bạch hầu. Một bệnh chỉ có khả năng thanh toán khi có "vũ khí" đặc hiệu; xác định được tác nhân và có biện pháp khống chế, ngăn lây nhiễm.

Với bệnh bạch hầu, vắc xin hiện nay là ngăn độc tố của tác nhân gây bệnh, không phải là vũ khí để thanh toán bệnh.

"Vì thế không đặt ra vấn đề thanh toán bạch hầu, cũng như bệnh sởi cũng không đặt ra thanh toán bệnh sởi mà chỉ là loại trừ" - chuyên gia này nói.

Với dịch bạch hầu trong thời điểm hiện nay, có cần phải tiêm phòng bạch hầu ngay cả ở vùng chưa ghi nhận ca bệnh? Chuyên gia này cho rằng các biện pháp phòng chống sẽ bao gồm dự phòng, quản lý ca bệnh và điều trị. Việc triển khai tiêm vét, tiêm ngừa cho người chưa tiêm hoặc tiêm thiếu mũi chỉ nên thực hiện ở các vùng có dịch, không triển khai rộng rãi.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong những năm gần đây số mắc giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 ca mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 - 50 ca mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004 - 2019).

Sau đó số mắc có tăng trở lại vào năm 2020 (226 trường hợp mắc chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị) và giảm trong các năm 2021 (có 6 ca mắc) và năm 2022 (có 2 ca mắc).

Năm 2023 cả nước ghi nhận 57 ca mắc bệnh bạch hầu (có kết quả xét nghiệm PCR dương tính và nuôi cấy) tại 3 tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, số mắc tập trung vào 5 tháng cuối năm (55 ca mắc), trong đó 7 ca tử vong.

Năm 2024 tính đến nay ghi nhận 5 ca mắc, trong đó 1 ca tử vong: tỉnh Hà Giang 3 ca mắc trong các tháng 1, 2 và 4 tại các ổ dịch cũ (huyện Mèo Vạc, huyện Đồng Văn, huyện Yên Minh); tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) 1 trường hợp mắc và tử vong (tháng 6-2024); tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) 1 ca tháng 7-2024, có tiếp xúc gần với ca tử vong của tỉnh Nghệ An.

Tình trạng sức khỏe nữ sinh mắc bệnh bạch hầu ra sao?Tình trạng sức khỏe nữ sinh mắc bệnh bạch hầu ra sao?

Cô gái ở Nghệ An mắc bệnh bạch hầu điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã ổn định, được chuyển về địa phương tiếp tục cách ly, theo dõi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên