Tại buổi hội nghị, hầu hết doanh nghiệp vận tải có xe chạy tuyến từ TP.HCM đi miền Trung, miền Bắc (và ngược lại) đều cho biết đang gặp khó khăn tại Bến xe Miền Đông mới.
Hạ tầng giao thông quanh bến xe Miền Đông mới chưa hoàn thiện
Một số doanh nghiệp trăn trở bến xe Miền Đông mới đẹp nhưng quá đìu hiu. Theo thống kê, lượng khách đến bến xe mới rất ít, cho nên những nhà xe di dời về đây cũng chịu cảnh ế ẩm.
Thậm chí, có những xe xuất bến mà trên xe chỉ với 5-10 hành khách/chuyến là không đủ chi phí bù lỗ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do hạ tầng giao thông xung quanh bến xe mới chưa hoàn thiện. Cụ thể, tuyến metro số 1 chưa xong, một số dự án làm cầu đường kết nối vào chưa triển khai. Hành khách thì cho rằng bến xe mới quá xa, bất tiện nên họ chọn đi "xe dù, bến cóc" đưa rước tận nhà.
Bên cạnh đó, "xe dù, bến cóc" vẫn hoạt động quá rầm rộ trong trung tâm TP.HCM khiến nhà xe trong bến lao đao.
Đại diện nhà xe Hùng Nga chạy tuyến TP.HCM - tỉnh Bình Định cho biết doanh nghiệp này chấp thuận chủ trương của TP.HCM di dời ra bến xe mới từ tháng 10-2022.
Mục tiêu ban đầu để góp phần hút khách ra khu vực ngoại thành, giảm xe cá nhân và xe khách dồn vào trung tâm gây ùn tắc giao thông.
Thế nhưng, suốt thời gian qua, doanh nghiệp luôn phải gồng lỗ, nhà xe nào nhỏ quá thì đành phá sản, bán xe. Một số nhà xe khác thì rời bến ra ngoài "chạy dù" để duy trì hoạt động.
"Bến xe Miền Đông mới được xây dựng lại đang khai thác chưa đến 50% công suất. Do đó, tôi mong rằng chính quyền TP.HCM mạnh tay dẹp xe dù, bến cóc, tăng giải pháp hút khách về bến xe mới.
Đồng thời yêu cầu tất cả doanh nghiệp vận tải phải vào bến hoạt động, đóng thuế đúng quy định nhà nước đảm bảo sự cạnh tranh vận tải công bằng", đại diện nhà xe Hùng Nga nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Huy - tổng giám đốc bến xe Miền Đông mới - cho biết, đơn vị cũng đã tiếp nhận toàn bộ những kiến nghị của doanh nghiệp vận tải trong bến và có báo cáo Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Cần xử lý nghiêm xe dù, bến cóc
Trong đó đề xuất một số giải pháp dẹp "xe dù, bến cóc" như cấm xe khách giường nằm vào trung tâm TP.HCM 24/24 giờ, hoàn thiện đường sá, hạ tầng giao thông kết nối vào bến mới để thuận tiện cho người dân đi lại.
Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã có động thái quyết liệt "điểm mặt" những điểm nóng "xe dù, bến cóc" cần xử lý nghiêm. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chỉ đạo các đơn vị, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức vào cuộc đảm bảo trật tự hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn TP.HCM.
Đồng thời, ông Cường cũng khẳng định UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng đón, trả khách không đúng nơi quy định tại các bến bãi trên địa bàn do địa phương quản lý.
Trước đó, bến xe Miền Đông mới chính thức hoạt động từ tháng 10-2020 và đến tháng 10-2021 có 120 tuyến xe khách di dời về hoạt động tại đây.
Tiến độ loạt dự án giao thông quanh bến xe mới đến đâu?
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hiện các dự án hạ tầng quanh bến xe Miền Đông mới đang trong quá trình triển khai.
Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đạt 94% tổng khối lượng dự án, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2023.
Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 đoạn phía trước bến xe mới đang được các đơn vị thi công hoàn thành phần đường song hành bên phải (đường, thoát nước, vỉa hè).
Dự án xây dựng cầu vượt trước bến xe mới trên xa lộ Hà Nội do Ban Giao thông làm chủ đầu tư đang thi công hoàn thành cầu số 3 và đường chui nhánh phải. Các hạng mục còn lại, hiện chưa thi công do chưa được bàn giao mặt bằng trên địa bàn TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Dự án xây dựng đường Hoàng Hữu Nam (đoạn từ bến xe Miền Đông mới đến nút giao với xa lộ Hà Nội) được khởi công vào tháng 6-2015 đã thi công đạt khoảng 40% khối lượng, nhưng tạm ngưng thi công do chưa có mặt bằng.
UBND TP Thủ Đức đang trình Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thẩm định lại giá đất để tính bồi thường cho dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận