
Các thùng quần áo xuất khẩu tại một nhà máy may mặc ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 1-4 - Ảnh: REUTERS
Hàng ngàn nhà máy nhỏ hướng đến xuất khẩu trong hoặc gần thành phố Quảng Châu, trung tâm thương mại của khu vực đông nam Trung Quốc, đã đóng vai trò trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế thần tốc của Trung Quốc suốt nửa thế kỷ qua.
Với khả năng cung ứng gần như bất kỳ mặt hàng sản xuất nào với chi phí thấp, các nhà máy này đang sử dụng hàng triệu lao động từ khắp nơi trên cả nước.
Theo báo New York Times, giờ đây với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan rất cao lên hàng Trung Quốc, nhiều nhà máy nhỏ trong số này đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn.
Các chủ xưởng may mặc lo lắng về việc hàng loạt đơn hàng từ các khách hàng Mỹ bị hủy vào phút chót, khiến họ gánh chịu thua lỗ.
Trong khi đó, các nhà quản lý cơ sở sản xuất máy móc tự hỏi liệu chi phí thấp có còn giúp họ trụ vững hay không, người lao động chỉ mong mình vẫn có việc làm trong những tuần và tháng tới.
Một số xưởng may chủ yếu cung cấp cho thị trường Mỹ đã tạm thời đóng cửa, khi các chủ sở hữu chờ đợi thêm thông tin rõ ràng về thuế quan. Nhiều quản lý nhà máy khác thì đang gấp rút tìm kiếm khách hàng ở các quốc gia khác hoặc chuyển hướng sang người tiêu dùng trong nước.
Ngay cả trước khi ông Trump bắt đầu siết chặt cửa vào thị trường Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc trong năm nay, Trung Quốc đã đối mặt với vấn đề dư thừa công suất nhà máy. Các khách hàng ở những thị trường khác thì ngày càng yêu cầu giảm giá sâu hơn.

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất mũ xuất khẩu sang Mỹ tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc hôm 7-4 - Ảnh: AFP
"Cuộc chiến thương mại gây tác động rất lớn, bởi nếu không thể xuất khẩu thì đơn hàng quần áo sẽ ít đi, và chúng tôi sẽ không còn việc để làm" - bà Ling Meilan, đồng sở hữu một xưởng may áo sơ mi, chia sẻ.
Tại đây, những công nhân ngồi khom người bên máy may, làm việc trên những chiếc bàn dài dưới ánh đèn huỳnh quang.
Bà Ling hiện tập trung vào thị trường nội địa Trung Quốc. Tuy nhiên, một số xưởng lân cận chủ yếu xuất hàng sang Mỹ đã tạm ngừng hoạt động.
Bà Yao, một quản lý nhà máy khác, nói rằng bà chủ yếu cung cấp hàng cho Amazon và đã thấy số lượng đơn hàng chậm lại. "Nếu thuế quan của Mỹ quá cao, chúng tôi không thể tiếp tục, và tôi chắc chắn sẽ phải chuyển sang các thị trường khác" - bà chia sẻ.
Trong khi đó, các quản lý tại 5 nhà máy ở Quảng Châu đều cho biết họ chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong những tuần gần đây cho thấy công nhân sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn.
Tỉ lệ sinh giảm kéo dài suốt nhiều thập niên ở Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong các nhà máy trên toàn quốc, đặc biệt là lao động trẻ.
Trong bối cảnh đó, nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế gần như liên tục vẫn khiến nhiều nhà sản xuất Trung Quốc tin rằng họ sẽ - bằng cách nào đó - vượt qua được những khó khăn hiện tại.
"Đất nước chúng tôi đang thực sự mạnh lên. Cá nhân tôi cảm thấy khá hài lòng và rất tin tưởng vào Trung Quốc" - bà Ling nói.
Ông Trump tiết lộ lý do đảo ngược thuế quan cho nhiều nước, trừ Trung Quốc - Nguồn: AFP
Theo Thời báo Hoàn Cầu, ngày 10-4, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh: "Lập trường của Trung Quốc rõ ràng và nhất quán. Nếu Mỹ muốn đàm phán, cánh cửa của chúng tôi vẫn mở, nhưng đối thoại phải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng.
Nếu Mỹ muốn đối đầu, phản ứng của chúng tôi sẽ tiếp tục đến cùng. Việc gây áp lực, đe dọa và ép buộc không phải là cách đúng đắn để đối xử với Trung Quốc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận