18/07/2019 10:13 GMT+7

Bến Tre: Không chịu nổi ô nhiễm, người dân đào ống xả thải của trại vịt

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Những ngày qua, nhiều người dân tại ấp 7, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã tập trung tại trại chăn nuôi vịt để phản đối, thậm chí họ còn dùng cuốc đào ống xả thải của cơ sở này vì không chịu nổi tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài.

Bến Tre: Không chịu nổi ô nhiễm, người dân đào ống xả thải của trại vịt - Ảnh 1.

Người dân đào ống đất lên thì phát hiên một ống nhựa nối trực tiếp từ trại vịt ra ngoài kênh nội đồng - Ảnh: MÂU TRƯỜNG

Người dân khốn đốn đủ điều

Bà Lê Thị Tuyết Phượng (ngụ xã An Hiệp, huyện Ba Tri), cho biết gia đình bà trước nay sống bằng nghề đánh bắt cá dọc các kênh mương nhưng hơn 1 tháng qua phải bỏ nghề vì không còn cá.

"Nước kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc đến người cũng chết chứ đừng nói đến tôm cá. Những khó khăn của đợt hạn, mặn 2016 đến nay nợ còn chưa trả hết thì lại đến tình trạng ô nhiễm này.

Bến Tre: Không chịu nổi ô nhiễm, người dân đào ống xả thải của trại vịt - Ảnh 2.

Rất đông người dân kéo ra bao vây trại vịt vì họ không chịu nổi tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Đã có nhiều cuộc làm việc giữa người dân với chính quyền địa phương và chủ cơ sở chăn nuôi vịt. Họ hứa khắc phụ hoài, nhưng tình trạng xả thải ra môi trường vẫn tiếp diễn khiến chúng tôi không chịu nổi nữa", bà Phượng nói.

Cạnh nhà bà Phương, gia đình ông Nguyễn Văn Hải, cũng khốn đốn không kém. Nhà nằm cạnh con kênh nội đồng nên trước giờ ông sử dụng nước từ con kênh để sinh hoạt và cho đàn bò hơn 10 con uống.

"Nhưng kể từ khi nguồn nước kênh bị ô nhiễm, gia đình tôi phải mua nước từ nơi khác để sử dụng chứ không dám xài nước kênh, sợ bò bị bệnh", ông Hải nói.

Theo ghi nhận trong ngày 17-7, màu nước ở hầu hết các tuyến kênh xung quanh trại vịt đã bớt đen so với cách đây 1 tháng, tuy nhiên khi khuấy dưới đáy kênh thì màu nước chuyển đen ngòm và bốc mùi hôi rất khó chịu. Theo người dân địa phương, sở dĩ có tình trạng này là do chất thải từ trại vịt đã lắng đọng xuống phía dưới. Chỉ cần khuấy nhẹ bề mặt là nước chuyển đen và bốc mùi.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận xung quanh trại vịt, nước thải màu đen rỉ ra từ các vách tường và 2 ống cống được nối trực tiếp từ bên trong trại vịt ra ngoài kênh.

Dù được "ngụy trang" bằng một lớp đất dày, nhưng khi người dân dùng cuốc, xẻng đào lên thì thấy nước màu đèn chảy ra ngoài.

Ngoài tình trạng nguồn nước kênh bị ô nhiễm, theo anh Đỗ Quốc Hải, khoảng một tháng nay mùi hôi thối cũng bay vào nhà anh cách đó khoảng vài trăm mét khiến mọi người không chịu nổi.

"Tôi ở giữa đồng để trồng màu nên sử dụng nước mưa. Vậy nhưng thời gian gần đây lông vịt bay dính đầy mái nhà nên nguồn nước cũng bị ô nhiễm. Phải mưa thật lớn để trôi hết đám lông vịt trên mái nhà tôi mới dám hứng nước", ông Hải cho biết.

Bến Tre: Không chịu nổi ô nhiễm, người dân đào ống xả thải của trại vịt - Ảnh 3.

Theo chủ trại vịt, mỗi ngày trại vịt này thải ra khoảng 20m3 nước, trong khi hầm biogas có sức chứa 60-80m3 nên bị quá tải, nước thải tràn ra ngoài - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

 Do hầm bioga quá tải chứ không có xả thải?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Cẩm Linh - chủ trại vịt nói trên - cho biết trại vịt của bà hiện nuôi khoảng 18.000 con vịt, mỗi ngày thải ra khoảng 20m3 nước.

Phía sau trại vịt, bà Linh cho xây dựng hệ thống 6 hầm biogas có sức chứa 60 - 80m3 nước.

"Khi xây người ta cũng bảo đảm nước khi ra ao sẽ trong và sau đó xả thải ra môi trường được. Nhưng khi đưa vào sử dụng, xổ nước thải xuống hầm cả tháng mà thấy không phân hủy. Tôi có điện cho người làm hầm biogas để hỏi và đề nghị họ qua để khắc phục, nhưng họ chưa kịp qua thì nước thải tràn ra ngoài môi trường chứ tôi không xả một hột nước nào ra kênh hết. Do quá tải nên nó xì", bà Linh nói.

Ô nhiễm môi trường xung quanh trại vịt - Video: MẬU TRƯỜNG

Về chuyện người dân phản ảnh trại vịt của bà Linh thải nước thải ra môi trường thông qua hai ống nhựa phía sau trại, bà Linh khẳng định đây là ống thải nước mưa. Tuy nhiên, video người dân cung cấp cho báo Tuổi Trẻ lại thấy nước từ hai ống nhựa đó có màu đen kịt.

Theo bà Linh, hiện bà đã thuê một đơn vị từ TP.HCM làm hầm biogas lớn hơn, có sức chứa gần 1.600m3 nước thải để xử lý nguồn nước thải từ trại vịt, nhằm đảm bảo nguồn nước thải ra môi trường đảm bảo hợp vệ sinh.

Cùng ngày, ông Lê Văn Chiến - chủ tịch UBND xã An Hiệp - đã khảo sát hiện trường xung quanh trại vịt của bà Linh và yêu cầu phải tháo dỡ 2 ông thải mà bà Linh cho là ống thải nước mưa ngay trong ngày vì lý do "tôi thấy nước mưa nó không có trong mà nó đục và ô nhiễm".

Ông Lê Quang Hạnh - trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Ba Tri, cho biết trại vịt của bà Linh ban đầu chỉ xin xây dựng với quy mô khoảng hơn 900m2 nhưng sau đó tự ý xây dựng với quy mô lớn hơn, lên đến khoảng 4.500m2. Cơ quan chức năng huyện Ba Tri đã tiến hành nhắc nhở về hành vi này.

"Còn về tình trạng ô nhiễm môi trường, sau khi nhận được phản ảnh của người dân về tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và xác nhận thông tin người dân phản ảnh là đúng thực tế nên đã làm việc với bà Linh.

Ngoài việc xả nguồn nước bị ô nhiễm, hiện chúng tôi đã yêu cầu bà Linh phải tách nước mưa với nước thải để khi nguồn nước mưa xả ra đảm bảo không bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, đối với nước thải đang nằm trong hầm biogas hiện hữu và có nguy cơ bị tràn, cần phải bơm ra hệ thống xử lý.

Trong 10 ngày nữa, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và đo đạc, kiểm soát nguồn nước thải tại trại vịt này", ông Hạnh nói.

Bến Tre: Không chịu nổi ô nhiễm, người dân đào ống xả thải của trại vịt - Ảnh 5.

Ông Tạc, một người dân địa phương, cho biết từ khi nguồn nước kênh bị ô nhiễm, nguồn cá tôm cũng không còn khiến gia đình ông mất thu nhập - Ảnh: MẬU TRƯỜNG


Bến Tre: Không chịu nổi ô nhiễm, người dân đào ống xả thải của trại vịt - Ảnh 6.

Nhà cách trại vịt 200m, anh Đỗ Văn Hải cho biết thời gian gần đây ruồi nhặng xuất hiện rất nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG.


MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên