Theo ông Đức, việc chuẩn bị cho trái dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ là một quá trình dài, đầy thử thách. Do đó khi đã được Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ thông qua và mở cửa thì cần tiếp tục tích cực thực hiện để việc xuất khẩu bền vững, hiệu quả.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đức cho biết trước mắt tỉnh Bến Tre sẽ đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu, đồng thời nâng cao chất lượng chuỗi liên kết sản xuất mà nền tảng là các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre sẽ tăng cường chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn, cập nhật thông tin cho người trồng dừa và doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy định về hàng xuất khẩu chính ngạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn, yêu cầu quản lý mã vùng trồng, cơ sở đóng gói… theo quy định.
Việt Nam có khoảng 200.000ha tập trung chủ yếu tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 7 thế giới về sản xuất dừa. Riêng tỉnh Bến Tre đến đầu năm 2023 tổng diện tích dừa của tỉnh đạt 78.000ha với tổng sản lượng là 870,6 triệu trái. Trong đó diện tích dừa hữu cơ hơn 17.000ha.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật cho biết Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa thông tin về việc Mỹ mở cửa thị trường đối với trái dừa tươi Việt Nam.
Hai bên đã khẳng định không có sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật đi theo hàng hóa và xác định dừa tươi non đã loại bỏ một phần vỏ (ít nhất 3/4 lớp vỏ xanh bên ngoài), với nguy cơ lây lan sinh vật gây hại là không đáng kể.
Như vậy, trái dừa Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ có thể ở dạng được loại bỏ hoàn toàn lớp vỏ ngoài và xơ dừa, hoặc dạng quả dừa non đã loại bỏ ít nhất 75% (3/4) lớp vỏ xanh bên ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận