23/06/2006 17:31 GMT+7

"Bến không chồng"

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTCT - Đến nay, tại nhiều vùng quê ở miền Bắc vẫn còn tâm lý coi phụ nữ 20-25 tuổi chưa lấy chồng là “ế”. nhiều cô chịu bất công của tạo hóa về nhan sắc và sức khỏe hay trót lỡ thì... phải chịu một áp lực rất lớn.

ZqhaVaU0.jpgPhóng to
Con đê thơ mộng và bến vật liệu xây dựng sát sông Hồng - nơi được xem là “con đường tình yêu” của nhiều bà mẹ quá lứa ở An Hiệp
TTCT - Đến nay, tại nhiều vùng quê ở miền Bắc vẫn còn tâm lý coi phụ nữ 20-25 tuổi chưa lấy chồng là “ế”. nhiều cô chịu bất công của tạo hóa về nhan sắc và sức khỏe hay trót lỡ thì... phải chịu một áp lực rất lớn.

Lời tự sự

“Tôi sinh ra vào năm 1975. Lúc đó bố mẹ tôi mừng lắm vì nhà tôi đã có năm anh trai, toàn người nghịch ngợm. Trong một trò nghịch ác, anh thứ hai đã bỏ một viên đá dăm vào tai tôi, tôi bị lãng ngãng từ đó. Rồi cả làng biết tôi bị bệnh tim, làm gì cũng khó và dễ ngất. Nhà làm nông nghiệp nên công việc ngày nối ngày của tôi là dắt trâu ra bờ đê chăn. Tôi chưa hề được ai yêu, và cả những ánh mắt nhìn trộm cũng không. Nhưng tôi lại thích một anh đẹp trai nhất làng, tất nhiên là tôi không bao giờ dám thể hiện tình cảm của mình. 21 tuổi, tôi đã bị liệt vào dạng “đánh kẻng báo động”.

Dù được bố mẹ cắt một khoảnh đất làm cho một cái nhà riêng để “câu rể” nhưng vẫn không ai đến tìm tôi cả. 25 tuổi, tôi thuộc dạng “ế”. 28 tuổi, tôi quyết định xin con như nhiều chị trong xã đã làm. Một lần, người tôi thích nhất về làng ăn tết, tôi đón ở bờ đê và bóng gió muốn có đứa con. Anh ấy nửa đùa nửa thật: “Vậy tối anh đến nhé”. Tôi “ừ”.

Tối anh đến thật, ngó trong ngó ngoài rồi ôm tôi ngay. Anh ấy đưa tôi một viên thuốc bảo uống. Tôi không dám cãi, sau này mới biết đó là thuốc tránh thai khẩn cấp. Đương nhiên, tôi không thể có thai. Năm sau, tôi đánh tiếng: ai cho tôi xin đứa con tôi biếu 3 tạ thóc. Và đến nay tôi đã có đứa con trai - nhiều chị khác cùng cảnh với tôi cũng làm như vậy!...”.

Đây là câu chuyện xin con của một trong rất nhiều người phụ nữ không may mắn trên đường tình ở một xã được coi là trọng điểm có những người dám đứng lên giành quyền làm mẹ. Và họ đã chiến thắng quan niệm cũ. Ở xã An Hiệp này, người dân đều mừng ra mặt trước sự kiện một cô nào đó trong xã vừa xin được con. Những đứa trẻ ra đời dù không có bố cũng được yêu quí, đối xử công bằng như mọi đứa trẻ khác.

Các kiểu xin con

B8XoabnU.jpgPhóng to
Chị Bun hằng ngày rau cháo nuôi con với nỗi lo con mình sau này không có ai để nhờ cậy
Xã An Hiệp cách trung tâm của huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) không xa. Nằm ngay sát con sông Hồng, từ làng nhìn về hướng đông là con đê cao sừng sững và những khóm tre, bãi ngô rất thơ mộng trên khu đất bồi. Nhiều người trong xã kháo nhau rằng chính nhờ khu ngoài đê tĩnh mịch và đẹp như tranh ấy mà nhiều đứa trẻ khỏe mạnh cứ lặng lẽ ra đời trong những ngôi nhà vốn chỉ có độc một người phụ nữ.

Ở An Hiệp, lễ giáo phong kiến khắt khe không còn, cảnh cạo đầu bôi vôi những phụ nữ không chồng có con cũng không còn; duy chỉ có cái tuổi lấy chồng mới thay đổi tí chút. Vì thế mới có những cô gái “đầu 2 đít mênh mông” hoặc “đầu 3” đã bị coi là “ế”. Và họ hầu như không còn cơ hội để có một gia đình nếu không “tự thân vận động”. Một con số thống kê cho thấy ở An Hiệp cách đây mấy năm có 85 phụ nữ quá lứa thì 31 trường hợp đã đi “xin con trực hệ” để thoát khỏi cảnh trống trải. Và chỉ sau một đêm, họ cắt đứt hẳn quan hệ và không bao giờ để lộ tên người đàn ông.

Đa số phụ nữ đã xin được con ở An Hiệp đều trực tiếp chọn “đối tượng” rồi ngỏ ý thẳng thắn. Như chị Phan Thanh Bình (vì lý do tế nhị, tên các nhân vật trong bài viết này xin được gọi chệch đi), người ở xóm 5. Vì muốn có đứa con để bớt cô quạnh, năm hơn 40 tuổi, chị đã xin nghỉ công tác. Nhiều người trong hội thông cảm với hoàn cảnh của chị nên yêu cầu cứ ở lại ban chấp hành Hội Phụ nữ nhưng chị Bình kiên quyết: “Tôi như thế còn bảo được ai nữa”.

Và chị bắt quan hệ với anh Than, người đã có bốn con gái. Ban đầu, chị “mời anh Than vào uống nước”, mấy lần rồi chị “đề đạt” thẳng nguyện vọng. “Đối tượng” chẳng những đồng ý mà còn ngỏ ý muốn cưới chị làm lẽ, sự việc vì vậy mới đồn ra ngoài. Chị Bình khẳng khái: “Tôi không lấy lẽ. Tôi chỉ xin anh một đứa con, anh cho thì cho, không tôi xin người khác!...”. Cuối cùng, chị Bình cũng có thai, một số người khắc nghiệt nói chị “nghén lang” (ngôn từ chỉ người lang chạ) nhưng khi đứa con sinh ra thì mọi điều tiếng dần tắt hẳn. Ai cũng khen: “Thằng bé đẹp, giống anh Than như đúc”.

Ở thôn Nguyên Xá nhỏ bé, nơi có đến 14 phụ nữ xin con, chuyện mấy chị hỏi nhau khâu khó nhất: cách “bày tỏ nguyện vọng” đã thành “chuyện ngụ ngôn làng”. Nhưng thực tế xảy ra chẳng ai giống ai. Như chị Xay nhờ người lớn tuổi “hỏi hộ” một người nhưng cuối cùng lại được một người trẻ hơn tuổi mình cho con vì đối tượng nhắm ban đầu sợ “rắc rối về sau”. Chị Bun - một người rất kín đáo, năm 38 tuổi tự nhiên mang thai.

Người anh của chị bảo: “Nó ra dọn dẹp hộ một anh thủy thủ tàu chở than Quảng Ninh... Thế cũng may vì không sợ sau này bố con giáp mặt không dám nhận nhau...”. Còn cô giáo Mi đơn bóng một mình đã hơn 15 năm kể từ ngày người bạn gái cùng lứa cuối cùng lên xe hoa, nhiều lần thủ thỉ tâm sự với đồng nghiệp: “Mình cũng không thấy thích anh nào nhưng tuổi cao, ban đêm nằm một mình lạnh lẽo sợ ma lắm...”. Thế rồi chị đánh tiếng hẳn hoi: “Ai cho tôi một đứa con, nếu sinh ra là gái tôi biếu 3 tạ thóc, con trai thì biếu 4 tạ”.

Nghe quả lạ lẫm nhưng ở xã An Hiệp, từ lâu người ta đã cảm thấy bình thường với những lời đề nghị “sòng phẳng” như thế. Sở dĩ có chuyện con trai “trả công” cao hơn con gái bởi quan niệm trọng nam khinh nữ là một nhẽ, lý do khác theo các cụ bà thì những phụ nữ muộn mằn lo ngại con gái mình sau này sẽ lặp lại nỗi khổ của mẹ chúng. Việc trả thóc thường chỉ xảy ra khi đã có “kết quả”.

Thực tế, nhiều đàn ông không “lấy công”, một số có lấy thì sử dụng nó rất dấm dúi. Cũng bằng chiến thuật chủ động và thẳng thắn, nhiều chị em ở An Hiệp như chị Mùi tính tình lầm lì, chị Ổn nghèo chỉ có một mái nhà lụp xụp, chị May bị mù... đã xin được “thiên thần bé nhỏ” cho mình để sưởi ấm cuộc sống đã trải qua quá nhiều băng giá.

Tròng trành như nón không quai...

3jWmzaTx.jpgPhóng to

Có một điều mà người dân An Hiệp thường bàn tán, đó là hầu như tất cả những đứa trẻ “đi xin” đều có trạng thái thể lực và tinh thần đặc biệt tốt. Chúng lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn, đẹp đẽ và học giỏi.

Thái độ của dân An Hiệp đối với các đấng mày râu cho con cũng như người phụ nữ xin con cũng rất đặc biệt so với nhiều nơi khác. Các bà vợ thường truyền nhau câu chép miệng: “Đàn ông năm bảy lá gan/Lá ở cùng vợ lá toan cùng người”.

Còn người phụ nữ có chồng đi cho con, như trường hợp vợ anh Than, lúc đầu nghe tin chồng “lăng nhăng” thì đánh ghen nhưng khi nghe “tình địch” của mình đẻ con trai thì lại thay đổi hẳn thái độ. Vừa tuyên bố vẫn đẻ đến khi có con trai mới thôi nhưng mặt khác chị ta quay sang săn sóc cả hai mẹ con chị Bình, thậm chí tỏ ý sẵn sàng đón cháu về nuôi khi chị Bình có dấu hiệu bị bệnh nan y không qua khỏi. Trường hợp chị May bị mù đẻ đứa con trai kháu khỉnh cũng vậy. Chính “người cho” đã thú nhận và bên nội luôn chăm lo cho cháu dù chị May đã chối và “dứt quan hệ” ngay sau khi biết mình có “kết quả”.

Những người phụ nữ ở An Hiệp khi có “kết quả”, nỗi cô độc đúng là có bớt đi nhưng thường họ vẫn không thoát khỏi một nỗi ám ảnh nữa, đó là cái nghèo. Dân An Hiệp chủ yếu vẫn trông vào cây lúa, nhà có trụ cột còn khó khăn nói gì đến cảnh một mình nuôi con. Ở xóm Bến có nghề kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng công xá đội cát, xúc đá một ngày cũng chỉ 15.000-20.000 đồng mà chỉ người khỏe mới làm được. Như vậy, chính cái ước muốn rất bản năng của người phụ nữ là có đứa con do chính mình đẻ ra đã khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn, dù đó là cái khó trong hạnh phúc.

Đang ngồi kể chuyện với tôi trong căn nhà trống huơ trống hoác thì đứa con đi học về. Mặt trời trên đỉnh đầu đã gần lặn, nụ cười của người phụ nữ xin con tên Bun chợt đanh lại khi đứa nhỏ mải nghịch ngợm làm vỡ chiếc bát chè xanh. Năm nay, những đứa trẻ “xin” được ở An Hiệp mới chỉ khoảng 13-16 tuổi, trong khi những người mẹ của chúng đều đã bước sang phần xế của cuộc đời.

Chị Bun chép miệng: “Có ai hiểu được kiếp không chồng?”. Nỗi lo lớn nhất của chị Bun cũng như những người phụ nữ không chồng khác ở An Hiệp là không biết sẽ sống được với con bao lâu, khi mà tài sản lớn nhất của các chị không thể đủ đảm bảo một tương lai cho đứa con nhỏ dại. Không may người mẹ ngã xuống thì đứa nhỏ sẽ sống với ai. Nên dù được sự cảm thông chia sẻ trong “làng xin con”, nỗi lòng và sự hi vọng của những bà mẹ cô độc chỉ còn cách... hướng cả về phía mặt trời.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên