Phóng to |
Dự án được Ben tâm đắc và thực hiện dài lâu nhất chính là nghiên cứu và vẽ về cô Mía trên những xe bán mía ép dạo - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Năm 2013, cùng với sự hỗ trợ kinh phí một phần của Instatus Franc5ais - một quỹ hỗ trợ văn hóa của Pháp tại Việt Nam - và người bạn đồng hành Sautel Cago - một chàng trai cao lớn, xù xì người Pháp với mái tóc rậm rạp và sở thích vẽ nàng tiên cá, một họa sĩ đường phố của Việt Nam đã có cơ hội biến ước mơ được rong ruổi cùng những tuýp sơn từ Sa Pa đến mũi Cà Mau của mình thành sự thật.
Họa sĩ Ben (Phan Minh Tuấn) sẽ cùng với Trương Minh Quý điều hành những dự án nghệ thuật phi lợi nhuận của Ga 0 - Zero Station - Ảnh: Minh Quý |
Cùng với Trương Minh Quý, một nhà làm phim trẻ độc lập, Ben sẽ là người đồng tổ chức và điều hành những dự án nghệ thuật phi lợi nhuận dành cho những người trẻ trong không gian sáng tạo của Ga 0 - Zero Station tại TP.HCM. Trong những ngày này, Ben cùng những người bạn nghệ sĩ trong lẫn ngoài nước đang nai lưng sơn sửa, dọn dẹp để mang đến một không gian mới, một hơi thở mới cho Ga 0 tại khu đô thị Q.7. Vậy rốt cuộc Ben là ai?
Thật ra Ben là tên mà bạn bè hay gọi Phan Minh Tuấn - một họa sĩ trẻ sống tại TP.HCM. Chỉ có điều khác biệt là những bức vẽ của Ben được thực hiện trên một tấm toan rộng lớn hơn...
Ben kể lần đến Sa Pa là một kỷ niệm khó quên. Trong lúc lang thang ngoài chợ, Ben và Sautel Cago phát hiện một căn nhà trắng bỏ hoang cheo leo phía bên kia núi. Ý tưởng thoáng chốc vụt qua như điện xẹt: có lẽ mình cần đến đó để... vẽ. Họ không hề biết căn nhà hoang ấy nằm ngay trong khu vực bãi rác thành phố! Giữa một Sa Pa lúc nào cũng náo nhiệt khách du lịch, rộn ràng với những câu mời chào tiếng Anh thì phía này lại là một cuộc sống khác bình lặng hơn, ít rôm rả hơn của hai cán bộ môi trường người Kinh đã sống và làm việc ở đây từ khá lâu. Trong lúc vẽ, họ hỏi han nhau về cuộc sống, Ben kể cho họ nghe về chuyến đi đặc biệt này, và bằng một cách nào đó, những bức vẽ trong căn nhà hoang đã khiến người ở - người đi thấy vui và hiểu về nhau hơn một chút. Hay khi đến Huế, một TP khá khép kín và (có vẻ) như chẳng mấy mặn mà với bộ môn nghệ thuật đường phố này, thì sự hăng say, nhộn nhịp của những cô cậu họa sĩ trẻ đã làm “mủi lòng” từ bác xe ôm đến em bé nhỏ, tự nguyện vào... vẽ chung vì thích!
Có lẽ đó cũng là đáp án cho một trong những băn khoăn lớn nhất của Ben trước khi thực hiện chuyến hành trình: người dân sẽ đón nhận sự xuất hiện của những chàng họa sĩ lang thang này như thế nào? Một kết quả đầy khích lệ khác là khu chung cư 21 Trần Phú, Hải Phòng mà Ben và những người bạn họa sĩ rất dễ thương ở đây điểm tô đã trở thành một trong những địa điểm văn hóa mới và “chất” của những người trẻ sống ở TP hoa phượng đỏ. Những bức vẽ ở Đà Lạt, Cà Mau dù rất... vất vả để thực hiện nhưng xem lại những thước phim ghi hình trong cuộc triển lãm mang tên Việt Nam được tổ chức tháng 12-2013 tại Idecaf, ai nấy đều phải trầm trồ, thán phục sự lao động đầy nhọc nhằn nhưng rất có ý nghĩa của chàng họa sĩ trẻ này.
Yêu văn hóa theo một cách riêng
Mục đích của chuyến đi dài ngày qua các tỉnh thành: Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp... với hơn 150 bức vẽ chủ yếu để những họa sĩ trẻ trải nghiệm và làm việc theo một tinh thần “phong trần”, lang bạt đúng chất đường phố. Tất cả quá trình vẽ, di chuyển và hoàn thành tác phẩm đều được ghi hình lại để dựng thành những thước phim ngắn có độ dài 2-5 phút, được chụp lại theo phong cách ảnh panorama (chụp ảnh góc rộng) để trưng bày trong triển lãm thu hoạch sau đó. Thế nhưng chuyến đi không chỉ cho chàng họa sĩ trẻ những tư liệu quý giá về nghề, mà còn mang đến cho Ben những cảm xúc thực thụ từ cuộc sống, con người, tình bạn ở khắp nơi...
Ngoài vẽ vời, điều thứ nhì trong đời làm Ben sung sướng là mỗi lúc được thả bộ trên đường phố. Rất thong dong, Ben nói lúc đi bộ là khi ta được quan sát cuộc sống một cách thân mật nhất.
Dự án dài hơi được Ben ấp ủ mấy năm qua chính là nghiên cứu và tìm hiểu về xuất xứ, lai lịch của cô gái “bí ẩn” vẫn thường xuất hiện trên các xe bán nước mía dạo ở Việt Nam. Cô được Ben gọi mộc mạc là cô Mía.
Ben kể: “Ở những nơi tôi đã có dịp đến sống, làm việc từ Bắc, Trung đến Nam, đi đâu cũng thấy hình ảnh xe nước mía mưu sinh trên đường. Và trên chiếc xe đó lúc nào cũng là hình ảnh cô Mía với gương mặt đẹp, được trang điểm cầu kỳ cùng ly nước trên tay. Thế nhưng tùy theo từng vùng miền mà cô Mía mỗi nơi lại được vẽ theo một kiểu khác nhau. Lúc thấy cô mặc áo bà ba, khi thấy cô mặc áo dài. Thời cách đây vài chục năm, cô Mía được vẽ với mái tóc uốn bồng, tô son đỏ, càng về sau cô càng được “cải cách” tân thời hơn... Lúc đầu tôi nghĩ chỉ tìm hiểu cho vui, nhưng dần dần càng nghiên cứu càng thấy cuốn hút kỳ lạ. Tôi nghĩ một hình ảnh đơn giản, những bức vẽ đơn giản đôi khi cũng có thể là phương tiện để những người trẻ như mình tìm tòi về văn hóa lịch sử và đời sống của đất nước, bằng cách riêng của chính mình”.
Phóng to |
Một trong những tác phẩm khiến người đi đường rất thích thú do Ben vẽ tại số 15B Lê Thánh Tôn, Q.1 - Ảnh: nhân vật cung cấp |
“Thằng người biển báo”
Người đi ngang đoạn đường 15B Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM dạo gần đây rất lấy làm ngạc nhiên khi ở đoạn đường vắng bỗng xuất hiện một “thằng người biển báo” rất lạ trên tường cùng hình ảnh mô tả một vụ... giật đồ! Ai cũng nghĩ chắc có lẽ đây là “điểm nóng” của những tay côn đồ, và một họa sĩ tốt bụng nào đó đã “cảnh báo” với họ - thay vì bằng một tấm biển vô hồn - bằng một hình vẽ sống động, mang đậm hơi thở đời sống, và hơn cả, nó khiến mọi người thấy vui hơn!
Ben chỉ cười và gật đầu: “Ý tưởng của Ben trong mọi bức vẽ đều là... chẳng có ý tưởng gì cả! Tất cả đều là cảm xúc bột phát, mình muốn vẽ một cái gì đó thật hồn nhiên, thêm thắt một vài chi tiết cho tươi tắn, và khán giả sẽ tự hiểu bức vẽ theo cách mà họ muốn. Cuộc sống bây giờ cần có những điểm tô”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận