Có khá nhiều nội dung bổ ích có thể ứng dụng. Ví dụ như có chị tư vấn, con càng ngày càng lớn, cha mẹ phải tâm lý, đừng có la rầy nặng lời với con.
"Hãy nói cho con hiểu vấn đề một cách logic, việc đó làm thì sẽ đem lại kết quả như thế, còn việc kia đem tới hậu quả gì. Từ đó trẻ sẽ lựa chọn con đường, cách ứng xử phù hợp, còn khi mình cấm thì trẻ sẽ càng tò mò, càng muốn làm. Mình càng la mắng, trách phạt trẻ sẽ càng ương bướng".
Một phụ huynh khác nghe vậy cũng góp thêm vào: "Tôi cũng nghĩ vậy, trẻ như một cái cây vậy đó, uốn từ từ thì sẽ dẻo dai, còn căng quá sẽ gãy. Ngày xưa mình cũng đâu có thích bố mẹ la mắng hay trách phạt nhiều đâu".
Trong nhiều trao đổi, có những phụ huynh còn viết cả "tâm thư". "Chúng ta, những bố mẹ thời AI - trí tuệ nhân tạo - nên cần phải học hỏi thật nhiều ạ.
Khi ChatGPT ra đời và trở thành mối quan tâm toàn cầu, tôi loay hoay, nhưng rồi cũng phải tìm hiểu để xem nó là cái gì, có tác dụng hay tác hại thế nào để hiểu và có chia sẻ lại với con mình.
Nếu chúng ta không hiểu con, không cập nhật những cái mới ngay thời đại mình sống thì mình sẽ càng xa cách con. Hiểu thì mới đồng hành cùng con được".
Hàng trăm trái tim đã được thả cho chị T. vì những chia sẻ ấy. Có thể thấy câu chuyện rôm rả suốt những ngày qua đó là ChatGPT.
Thời của chúng ta và ông bà mình làm gì hình dung nổi, sẽ có một ngày người ở cách nhau nửa vòng trái đất có thể trò chuyện, thấy được nhau qua chiếc màn hình điện thoại. Thế giới thật phẳng và chúng ta phải vận động để có thể thích nghi.
Có mấy điều mà tôi thấy qua các chia sẻ đó chính là phụ huynh cũng phải học, không ngừng. Và phụ huynh phải đồng hành với con trên những bước đường con đi. Dõi theo chứ không phải theo dõi. Không lo lắng, sợ hãi trước công nghệ cũng như những thay đổi, phản ứng của con.
Bầu không khí của cuộc trò chuyện có vẻ lạc quan hơn khi những người giỏi công nghệ trong nhóm hứa rằng sẽ luôn có những cập nhật để các bố các mẹ quan tâm nắm bắt.
Trong nhiều cuộc trò chuyện, TS xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, cũng nhấn mạnh việc đồng hành với con, "làm bạn" với con.
Khi trở thành người bạn lớn (cả tuổi tác lẫn kinh nghiệm), phụ huynh sẽ khiến trẻ tin tưởng, noi theo các giá trị mà mình đã chắt chiu.
"Ừ, nếu có sai thì làm lại, nếu có đổ vỡ thì tiếp tục xây, nếu có thất bại thì đứng lên… Chúng ta có thể nói với con điều ấy, cũng là nói với chính mình để cùng nhau hoàn thiện, đơn giản từ việc học, việc đồng hành cùng con", chị T. ở Hà Nội nói.
Khi cha mẹ có kiến thức thì sẽ dễ tiếp cận, tạo niềm tin cho trẻ. Muốn vậy, cha mẹ cũng phải học từ công nghệ, ngôn ngữ đến các ứng xử cần thiết trong đời sống hằng ngày.
Học, cũng có thể bắt đầu từ sự chỉ dẫn của chính con mình. "Con chỉ giúp ba/ giúp mẹ cái này với". Thông qua các buổi học cùng con ấy, phụ huynh và con có gắn kết, chia sẻ qua lại các giá trị. Tôi nghĩ đó cũng là cách đồng hành chứ không phải chỉ khi mình giỏi hơn con mới theo con được.
ThS giáo dục LÊ TRƯỜNG AN (nghiên cứu sinh Đại học Kỹ thuật Suranaree, Thái Lan)
TẤN KHÔI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận