Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội - Ảnh: Việt Dũng |
Theo chương trình, vào đầu buổi làm việc sáng nay (11-11), Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó có nội dung về việc tăng lương.
Về nội dung này, Ông Bùi Sĩ Lợi thông tin: “Để tăng 5%, tương đương 60 ngàn đồng, từ mức 1.150.000 đồng lên 1.210.000 cho cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang thì mỗi năm cần đến 11 ngàn tỷ đồng. Việc này được đề xuất sau khi Chính phủ cân đối lại các nguồn chi thì thấy rằng có thể sắp xếp được”.
* Vì sao trước đây có thông tin là sẽ không tăng lương trong năm 2016, nhưng nay lại có đề xuất tăng, thưa ông?
- Việc này kết hợp từ 2 vấn đề, xuất phát từ tình hình thực tiễn cán bộ công chức viên chức cũng có khó khăn, mức lương cơ sở quá thấp.
Thứ hai là vì năm trước đã điều chỉnh cho bộ phân lương thấp rồi, bây giờ phải đến người đang làm việc, lương tuy có cao hơn một chút nhưng bản chất đời sống vẫn khó khăn. Cho nên nâng lương lúc này cũng là phải đạo và cũng cân bằng, đảm bảo đời sống cho cán bộ, viên chức.
Cũng có nguyên nhân nữa từ việc Chính phủ sắp xếp cân đối lại, tiết kiệm một số khoản chi, dành ra được nguồn thì mới nâng được mức lương cơ sở này được.
* Ông đánh giá thế nào về mức tăng lương 5% lần này?
Thực chất thì tăng 60.000 là quá thấp nhưng còn được nhân hệ số nữa nên cũng cải thiện một phần, trung bình mỗi người cũng tăng khoảng vài trăm nghìn một tháng.
Thực tế tăng như vậy cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, phải khẳng định là như vậy. Nhưng đây cũng là một sự cố gắng của Chính phủ, chi thêm 11 nghìn tỷ là không đơn giản chút nào.
Tăng lương lần này cũng sẽ ảnh hưởng đến các khoản chi khác. Vì nếu không vì tăng lương thì sẽ được chi cho đầu tư phát triển tăng lên, đây cũng là một vấn đề.
Cũng nói rõ là không phải Chính phủ lúc bảo không tăng lương, lúc lại bảo tăng mà thực tế ngay từ đầu Chính phủ đã dự kiến là tăng đến hơn 8% nhưng vì không đảm bảo được nguồn nên phải xếp lại. Nhưng bây giờ đời sống cán bộ thực sự khó khăn nên Chính phủ quyết định như vậy.
Với dự kiến ban đầu tăng hơn 8% thì mức tăng sẽ là 100 ngàn đồng, hết khoảng 29 ngàn tỷ đồng, cộng thêm tăng cho một số đối tượng khác nữa khoảng 35 ngàn tỷ đồng. Bây giờ tăng mức 60 ngàn, hết 11.000 tỷ đồng cũng là cố gắng lắm rồi. Lúc đầu định tính toán như thế nhưng cũng phải “liệu cơm gắp mắm”.
* Việc tăng lương đã giải quyết một phần khó khăn trước mắt, còn về lâu dài ông khuyến nghị gì về vấn đề này?
- Cùng với giải pháp tăng lương thì tôi cho rằng cần có khuyến nghị với Chính phủ phải tiếp tục các giải pháp kiềm chế lạm phát. Vì không kiềm chế được lạm phát thì cứ tăng một chút là lại ảnh hưởng.
Thứ hai là Chính phủ là phải sắp xếp bộ máy hành chính gọn lại, cải cách hành chính, tinh giản biên chế để cải cách tiền lương một cách căn cơ.
Cải cách tiền lương thì không chỉ có tăng mức lương cơ sở, mà phải cải cách lại cả hệ thống thang lương bảng lương, các loại phụ cấp lương. Làm sao cho tiền lương đúng là lương, phần cứng phải hơn phần mềm. Thứ hai là tiền lương phải là đòn bẩy để tăng năng suất lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận