TTCT - Những thông điệp môi trường đã được chuyển tải sống động trong phim tài liệu Before the Flood của National Geographic mà Leonardo DiCaprio là người dẫn chuyện, đồng thời làm sản xuất... Điện ảnh 49 Trong bài phát biểu nhận giải Oscar đầu năm 2016, Leonardo DiCaprio đã mượn sân khấu của lễ trao giải thưởng điện ảnh lớn nhất thế giới này để truyền đi thông điệp về môi trường. Anh gọi biến đổi khí hậu là mối đe dọa ngay trước mắt mà loài người phải đối mặt và kêu gọi tìm cách ngăn chặn mối hiểm họa này ngay... Đó là một thông điệp có ý nghĩa về mặt chính trị hơn là điện ảnh, nơi mà Leo đã cống hiến trong suốt hai thập kỷ mới được viện hàn lâm công nhận. Nhưng nó cũng là tiếng nói lương tri xuất phát từ sự nồng nhiệt và trải nghiệm thực tế của chính anh, khi Leo đã bỏ ra hơn ba năm để đi khắp nơi trên thế giới, ghi lại những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra; gặp gỡ rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, chính trị gia, tổng thống Mỹ và cả Đức Giáo hoàng để tìm những giải pháp cho biến đổi khí hậu, điều mà anh từng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu COP21 ở Paris năm 2015: “Đây là hi vọng cuối cùng của Trái đất”... Xem trailer phim Before the flood: Trong vũ trụ, Trái đất chỉ là một con thuyền nhỏ Đây không phải là lần đầu tiên Leonardo DiCaprio bỏ tiền và tốn rất nhiều thời gian để sản xuất một bộ phim về môi trường. Năm 2007, sau khi được truyền cảm hứng từ Al Gore, cựu phó tổng thống Mỹ, từ bộ phim về môi trường gây tiếng vang lớn của ông An Inconvenient Truth (Một sự thật bất tiện) đoạt hai giải Oscar năm 2007, trong đó có Phim tài liệu hay nhất, Leo bắt đầu dành nhiều thời gian cho các vấn đề môi trường. Bộ phim tài liệu môi trường đầu tiên của anh là 11th Hour, phát hành năm 2007, đưa ra một cái nhìn về thực trạng của môi trường toàn cầu, bao gồm các giải pháp có tầm nhìn xa và thực tiễn cho việc khôi phục hệ sinh thái của hành tinh. Gần 10 năm sau, với Before the Flood, Leo đã có một bước tiến lớn về nhận thức cũng như có nhiều trải nghiệm thực tế hơn, khi anh được Liên Hiệp Quốc chọn là Đại sứ hòa bình về môi trường. Bộ phim này là một hành trình đáng kinh ngạc của Leo và đạo diễn Fisher Stevens, trong những chuyến đi khắp thế giới để ghi lại những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và đưa ra các giải pháp thiết thực nhất, điều mà Leo luôn đề cao trong hai bộ phim tài liệu của mình, để ngăn chặn những thảm họa thảm khốc sẽ diễn ra nếu con người vẫn tiếp tục hủy hoại môi trường sống. Poster phim Anh mở đầu phần dẫn chuyện với ký ức thời thơ ấu, khi bố anh, một nhà buôn tranh, treo lên đầu giường anh bức tranh khổ lớn Garden of earthly delights (Khu vườn của lạc thú trần tục) của họa sĩ Hyeronymus Bosch, được vẽ trong khoảng thời gian từ năm 1490-1510. Bức tranh gồm ba phần kết nối với nhau, tạo thành một câu chuyện. Phần đầu tiên là Adam và Eva trong vườn địa đàng. Phần thứ 2, là khi những tội lỗi trần thế bắt đầu tìm đường vào bức tranh, với sự bùng nổ dân số, lối sống trụy lạc, thừa mứa, hoang tàn... Và phần cuối cùng là cơn ác mộng kinh hoàng của tất cả loài người. Một thiên đường đã bị suy tàn và phá hủy hoàn toàn. Leo mượn ký ức về bức tranh đó để lý giải và là cảm hứng cho bộ phim: Trái đất đang đứng trước một cơn lũ lớn có thể nhấn chìm tất cả thiên đường mà Chúa tạo ra. Leo đưa người xem vào những hành trình thực tế. Anh đến Greenland để chứng kiến những tảng băng vỡ, những dòng suối tan ra từ băng chảy xiết như thác lũ. Tại Trung Quốc, Leo đã đưa ra một thực trạng đáng sợ về ô nhiễm môi trường ngay tại Bắc Kinh, sau 35 năm với tốc độ công nghiệp và đô thị hóa ồ ạt, người dân Bắc Kinh phải đeo mặt nạ chống độc mỗi khi ra đường. Các vấn đề về môi trường đang trở thành nguồn cơn của những cuộc biểu tình rộng khắp đất nước này. Với Ấn Độ, nước xả khí thải nhiều thứ ba thế giới, Leo đến tận những ngôi làng nghèo heo hút nhất, đưa ra con số gần 300 triệu người Ấn Độ vẫn thiếu năng lượng điện chiếu sáng. Và những thước phim về đại dương bị hủy hoại, những rặng san hô chết dần, những khu rừng ngày càng bị thu hẹp với số lượng động vật hoang dã bị tiêu diệt nhanh chóng, nhiều loài đã biến mất hoàn toàn. Leo và một nhà khoa học lặn xuống đại dương để khảo sát về những cánh rừng san hô bị chết -National Geographic Ở Indonesia, cánh rừng nhiệt đới lớn thứ ba thế giới (sau Amazon ở Nam Mỹ và rừng rậm Congo ở châu Phi), ngành công nghiệp dầu cọ đã lấy đi 80% diện tích rừng. Và nước Mỹ, một quốc gia “nghiện dầu mỏ”, tất nhiên là “tên tội phạm” của biến đổi khí hậu với lượng khí thải xả ra nhiều nhất trên thế giới. Biến đổi khí hậu và những tác động kinh hoàng của nó đến môi trường sống của con người là một vấn đề nóng bỏng từ hàng chục năm qua, nhưng đồng thời nó vẫn bị phớt lờ, thậm chí còn bị lôi ra giễu nhại. Leo chia sẻ: “Là một diễn viên, tôi được trả tiền để giả vờ, tôi đóng vai những nhân vật hư cấu. Và tôi cũng tin rằng số đông chúng ta nhìn nhận về biến đổi khí hậu toàn cầu cũng giống vậy”. Trong một cảnh phim ghi lại một bản tin tức phát trên truyền hình, một phát thanh viên nói: “Leo đã ngây thơ khi đưa chân vào vụ lừa đảo toàn cầu về biến đổi khí hậu vớ vẩn. Còn kẻ nào tốt hơn trong việc truyền cảm hứng và thậm chí giáo dục các nhà lãnh đạo về biến đổi khí hậu hư cấu này trong một cuộc khủng hoảng không hề có thật, hơn là một anh chàng diễn viên nổi tiếng từ Hollywood, không hề qua một khóa đào tạo nào về khoa học?”. Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng xuất hiện trong phim với cảnh ông ta phát biểu trước đám đông với phong cách quen thuộc: “Nhiệt độ đáng lẽ phải tăng lên 20 độ trong hôm nay. Ở đây đang lạnh kinh khủng. Họ đang nói về việc nóng lên toàn cầu à, chúng ta cần nó nóng hơn nữa”. Thật mỉa mai, mới đây Leo đã có cuộc gặp với Donald Trump để bàn về những vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, ngay sau khi bộ phim Before the Flood được phát sóng miễn phí trên Internet và đạt số lượng người xem kỷ lục. Hi vọng cuối cùng của Trái đất Dĩ nhiên, đó chỉ là những con số nhỏ so với những người ủng hộ và cùng ngồi xuống với Leo để đưa ra những cái nhìn chính xác nhất, khoa học nhất về tác động của biến đổi khí hậu và những giải pháp từ kinh nghiệm thực tế và sáng kiến của họ. Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon, khi Leo hỏi thông điệp nào về môi trường mà ông muốn nhấn mạnh, ông trả lời: “Trong hệ vũ trụ này, Trái đất chỉ là một con thuyền nhỏ. Nó không hề vững chắc như chúng ta tưởng. Và khi con thuyền này chìm đi, tất cả chúng ta sẽ chìm theo nó”. Trong cuộc gặp gỡ với tỉ phú Elon Musk, CEO của Công ty SpaceX & Tesla, Elon cho biết nhà máy Giga của ông đang sử dụng robot để giảm giá thành pin năng lượng mặt trời, giúp người dân có thể mua được. Elon Musk đưa ra các thuật toán giúp cho cả thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Ông cho biết chỉ cần 100 nhà máy như Giga thì sẽ có đủ năng lượng cho cả thế giới. Những thác nước chảy ra từ băng ở Greenland (trích từ phim)-National Geographic Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Kerry và rất nhiều chính khách, nhà khoa học đã cùng ngồi xuống để đưa ra các thông điệp và giải pháp của họ. Thậm chí là cả Đức Giáo hoàng Francis, một trong những nhà lãnh đạo tâm linh quan trọng nhất của thế giới. Trong cuộc gặp gỡ với Leo, ngài đưa ra lời kêu gọi những hành động thức thời cho việc biến đổi khí hậu và hãy lắng nghe những tiếng than khóc của người nghèo, những người đang mất nơi sinh sống của họ... Trong bài phát biểu tại COP21 năm 2015, Leo nói: “Chúng ta cần phải có một sự thay đổi theo diện rộng lúc này, thứ sẽ giúp dẫn đầu một ý thức hệ mới, một cuộc cách mạng đồng thuận của nhân loại. Chúng ta có thể chúc mừng nhau hôm nay với những thỏa thuận được ký kết, nhưng sẽ chẳng là gì khi chúng ta trở về nước và thất bại trong việc thực thi lời hứa của hiệp định lịch sử này. Những hành động của chúng ta sẽ được thế hệ sau ghi danh hoặc chê cười, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào quý vị. Đây là hi vọng cuối cùng của Trái đất”. Before the Flood được phát sóng miễn phí trên kênh National Geographic ở 171 quốc gia. Ở một vài nước, nó được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia. Ngoài tiếng Anh, bộ phim còn có 45 phụ đề ngôn ngữ khác để tiếp cận những khán giả không nói tiếng Anh. Hơn 2 triệu lượt người đã xem chỉ sau một ngày bộ phim được phát sóng. Tags: National GeographicLeonardo DiCaprioBefore the flood
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.