Sau thành công rực rỡ với Everything Everywhere All at Once (Cuộc chiến đa vũ trụ), Hãng phim A24 tiếp tục gây bão toàn cầu với loạt phim Beef (Bất hòa).
Phim được khán giả Việt quan tâm với sự hiện diện của diễn viên Hồng Đào trong vai người mẹ, và tô canh chua Việt trong một bữa cơm gia đình. Nhưng bên cạnh đó, Beef vẫn thu phục người xem, cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới, nhờ câu chuyện đầy sức mạnh.
BEEF | Official Trailer | Netflix
"Giấc mơ Mỹ" không phải thiên đường
Ra mắt ngày 6-4, Beef nhận nhiều lời khen từ khán giả và giới chuyên gia, thậm chí được gọi là “bộ phim truyền hình hay nhất năm nay”. Với 10 tập phim, Beef tường thuật một cách sâu sắc về góc khuất, tổn thương và văn hóa cộng đồng của những người gốc Á thế hệ thứ hai trên đất Mỹ.
Beef bắt đầu khi Danny Cho (Steven Yeun thủ vai), chủ một doanh nghiệp xây dựng nhỏ, lùi xe và đâm trúng xe của Amy Lau (Ali Wong), chủ một doanh nghiệp nhỏ đang trên đà thành công. Danny là người Mỹ gốc Hàn, còn Amy có bố mẹ người Việt - Hoa.
Từ đó cả hai luôn tìm cách để trả đũa nhau mọi nơi mọi lúc, như tiểu tiện khắp nơi hay vẽ bậy lên xe của nhau. Thậm chí, họ kéo theo cả gia đình của mình để cùng trả thù đối phương.
Với diễn xuất bùng nổ của dàn diễn viên gốc Á, Beef khắc họa thành công một cuộc khủng hoảng của những người Mỹ gốc Á trong xã hội đầy phức tạp trên đất Mỹ.
Cú va chạm tại bãi giữ xe tưởng chừng như rất nhỏ nhặt. Nhưng với những ai đang mắc kẹt trong khổ tâm và cô độc, nó là giọt nước tràn ly, làm bùng lên một cuộc trả thù đầy toan tính.
Một Danny thất bại trong công việc đối đầu với một Amy Lau đang nặng gánh làm mẹ, làm vợ. Điều này khiến cơn giận của hai con người xa lạ ngày càng leo thang.
Qua đó, nhiều khán giả không ngừng đặt câu hỏi: Liệu "giấc mơ Mỹ" - thiên đường mà những người châu Á vẫn luôn hết lòng ca ngợi và thần thánh hóa - có phải chỉ là một mớ hỗn độn bất tận?
Xã hội hỗn loạn hay con người?
Đạo diễn Lee Sung Jin khiến khán giả sửng sốt khi có thể tái hiện gần như toàn bộ những nét văn hóa cộng đồng của những người Mỹ gốc Á chỉ trong 10 tập phim.
Trong tập 3, phân cảnh Danny đến một nhà thờ của cộng đồng người gốc Hàn và bật khóc nức nở đã phản ánh chân thật sự hỗn loạn đến từ một nơi đáng lẽ ra phải yên bình nhất trong xã hội.
Nhận xét về những phân cảnh ở nhà thờ của Danny, một nhà nhân chủng học (chuyên nghiên cứu về các nhà thờ của người Hàn ở Mỹ) cho biết Beef đã lột tả được “tính hai mặt” của các nhà thờ người Hàn.
Bởi thực tế, nhiều người gốc Hàn và cả người dân Hàn Quốc tìm đến nhà thờ để giải tỏa những áp lực trong cuộc sống. Nhưng cũng từ nhà thờ, họ kiếm chác để phục vụ cho mục đích cá nhân.
Bên cạnh đó, tưởng chừng như nhà thờ là nơi những người con xa xứ yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau thì thực tế, đây lại là nơi các bà mẹ châu Á khoe khoang về con mình. Hóa ra tôn giáo cũng không thể bình ổn được sự hỗn loạn trong chính mỗi con người - những cá thể "tự hỗn loạn".
Yếu tố Việt trong bộ phim gây sốt toàn cầu
Khán giả ấn tượng với sự xuất hiện của diễn viên Hồng Đào trong vai Hanh Trinh, mẹ của nữ chính Amy Lau, và tô canh chua ở tập 8. Bà Hanh Trinh giúp con gái gỡ nút thắt khi cuộc hôn nhân của cô dần đi đến ngõ cụt.
Hồng Đào đã khắc họa hoàn chỉnh tâm tư, tình cảm của một người mẹ châu Á điển hình. Bà mẹ là người đáng tin cậy để con gái tìm về khi bế tắc trong chuyện chồng con.
Dù xuất hiện chỉ 5 phút nhưng diễn viên Hồng Đào khiến khán giả Việt tự hào. Bên cạnh chị, nữ chính Ali Wong cũng là một diễn viên gốc Việt thành tài trên đất Mỹ.
Trong Beef, diễn xuất bùng nổ của Ali Wong cũng được đánh giá rất cao và được xem như một trong những yếu tố giúp bộ phim hài - chính kịch này nhận được những lời tán dương từ các nhà phê bình.
Xuất thân từ một nghệ sĩ hài độc thoại đình đám của Hollywood nhưng Ali Wong đã trở thành đối thủ đáng gờm của các tên tuổi khác tại Hollywood với năng lực diễn xuất không hề kém cạnh bất kỳ diễn viên chuyên nghiệp nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận