Một câu nói khắc họa đầy đủ nét đặc sắc của bóng đá cũng như bản sắc của huyền thoại bóng đá của Đức cũng như thế giới - ông Beckenbauer.
Khuya 8-1, Franz Beckenbauer đã qua đời ở tuổi 78, để lại một gia tài bóng đá trọn vẹn.
Tranh cãi về biệt danh
Thế giới bóng đá có bốn cựu danh thủ mà tài năng và sự nghiệp của họ vượt trội lên trên hết. Họ là "tứ đại tông sư" của làng bóng đá, bao gồm "vua bóng đá" Pele, "cậu bé vàng" Maradona, "thánh" Johan Cruyff và "hoàng đế" Beckenbauer.
Mỗi biệt danh kể trên đều đi kèm cả một loạt câu chuyện thú vị, những màn trình diễn để đời. Trong đó, truyền thông Đức từng nhiều lần tranh cãi về nguồn gốc biệt danh "hoàng đế" của Beckenbauer. Có thuyết kể rằng đó là do Beckenbauer từng được chụp hình với hoàng đế nước Áo Franz Joseph I. Có thuyết lại bảo rằng do Beckenbauer từng đánh bại Reinhard Libuda - người được mệnh danh là "vua", vì vậy truyền thông quyết định tìm cho ông một biệt danh còn oai hùng hơn cả vua - đó là der kaiser (hoàng đế, tiếng Đức).
Nhưng hầu hết những fan bóng đá đương đại đều đồng ý: Beckenbauer xứng đáng với biệt danh "hoàng đế" vì sự nghiệp quá trọn vẹn, quá hoàn hảo của ông. Nhìn nhận ở một số góc độ, Beckenbauer chính là người đặc biệt nhất trong bốn tông sư của làng bóng đá, vì ông là người duy nhất chơi ở hàng thủ. Cả Pele, Cruyff và Maradona đều là các siêu sao tấn công.
Cảm xúc thăng hoa từ những bàn thắng quyết định, những pha xử lý đẹp mắt, những khoảnh khắc vỡ òa là thứ Beckenbauer không thể nào so được với Pele, Cruyff hay Maradona. Nhưng ông lại có sự nghiệp đầy đặn hơn ba người kia khi thành công trong tư cách cầu thủ, HLV lẫn quan chức bóng đá.
Sự nghiệp che mờ bê bối
Đầu tiên, cùng với Didier Deschamp và Mario Zagallo, Beckenbauer là một trong ba người từng vô địch World Cup khi là cầu thủ cũng như HLV trưởng.
Năm 1974, đội trưởng Beckenbauer đã góp công lớn giúp tuyển Đức (khi đó còn là đội Tây Đức) vô địch World Cup sau khi đánh bại Hà Lan của Cruyff trong trận chung kết.
Tại Euro 1972, đội trưởng Beckenbauer cùng tuyển Tây Đức thắng Liên Xô trong trận chung kết. Beckenbauer cũng ba lần vô địch Champions League (khi đó mang tên European Cup) cùng Bayern Munich.
Chỉ chừng đó là đủ để Beckenbauer ngạo nghễ xếp trên Cruyff về mặt thành tích đời cầu thủ. Còn trong sự nghiệp HLV, Beckenbauer vượt qua Pele cũng như Maradona.
Chỉ với 12 năm làm HLV trưởng (tuyển Tây Đức, CLB Marseille và CLB Bayern Munich), "hoàng đế" lại giành thêm một World Cup cùng vài danh hiệu quốc nội.
Về sự nghiệp quan chức bóng đá, từ năm 1994 đến 2009, Beckenbauer giữ chức chủ tịch CLB Bayern Munich, nắm vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hình thái tổ chức đội bóng trong cuộc cách mạng vào năm 2002.
Năm 1998, ông kiêm thêm chức phó chủ tịch LĐBĐ Đức, trở thành người đứng đầu chiến dịch đăng cai World Cup 2006. Nhưng chính chiến dịch đăng cai World Cup 2006 đã tạo nên vết nhơ hiếm hoi trong sự nghiệp của Beckenbauer.
Năm 2014, trong cuộc tổng điều tra về tham nhũng của Ủy ban đạo đức FIFA, Beckenbauer bị nêu tên với nghi án hối lộ để Đức được trao quyền đăng cai World Cup. Dù cuộc điều tra này không đi đến đâu, nhưng Beckenbauer từng nhận án phạt và tổn hại ít nhiều về danh dự.
Tuy nhiên, không một huyền thoại bóng đá nào lại có hình ảnh hoàn hảo. Pele giữ được hình ảnh sạch sẽ về sự nghiệp nhưng lại có những người con tai tiếng và trải qua không ít ồn ào đời tư về việc có con riêng. Maradona sống phóng túng và trụy lạc. Cruyff thì thiếu thốn danh hiệu đời cầu thủ.
Điều đáng nể nhất ở Beckenbauer chính là cuộc đời bóng đá xuyên suốt của ông. Trước khi vướng vào những cuộc điều tra của FIFA vào năm 2014, "hoàng đế" đã gắn chặt cuộc đời mình với bóng đá đỉnh cao trong suốt 50 năm.
Không một phút nào ngơi nghỉ, ông hết chơi bóng lại làm HLV, rồi làm quản lý. Cứ mỗi khi nói đến mô hình vững mạnh của bóng đá Đức, người ta lại nghĩ ngay đến một Beckenbauer "văn võ song toàn".
Vĩnh biệt Beckenbauer - người luôn luôn là "kẻ mạnh" của làng bóng đá!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận