14/06/2021 06:19 GMT+7

Bé trai bị 'văng' khỏi bụng mẹ sau tai nạn giao thông giờ thế nào?

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - "Con nó hay bi bô nói mẹ lên trời ở rồi, dặn cha sống tốt đặng sau này lên trời gặp mẹ. Những lúc như thế tui chỉ ôm con thật chặt. Xót con thiếu tình mẹ, nhưng tui nghĩ lại cũng vui vì sự hồn nhiên của con".

Bé trai bị văng khỏi bụng mẹ sau tai nạn giao thông giờ thế nào? - Ảnh 1.

Quốc Huy quấn quýt bên cha sau những ngày cha làm ruộng xa - Ảnh: THÀNH NHƠN

Anh Nguyễn Văn Nam (39 tuổi, quê huyện Chợ Mới, An Giang) tâm sự về con thơ ra đời trong tai nạn giao thông kinh hoàng. Người mẹ trên đường đi sinh, bị xe trộn bêtông cán tử vong, nhưng thai nhi đã "văng" khỏi lòng mẹ và được cứu sống như phép mầu để có tuổi thơ vui ngày nay.

Hạnh phúc với tui giờ là được thấy con mạnh khỏe, lớn khôn vui vẻ mỗi ngày. Chỉ cần vậy thôi, tui vui lắm rồi, mà chắc mẹ nó ở trên trời cũng vui lắm.

Anh Nguyễn Văn Nam

Cha, con và những cái hôn yêu thương

Thấm thoắt gần 7 năm sau sự cố bé Nguyễn Quốc Huy, con anh Nam, ra đời trong nỗi đau. Giờ đây cuộc sống hai cha con đã trở lại bình thường. Dù mỗi người chỉ còn lại một chân sau tai nạn, nhưng niềm lạc quan luôn hiện diện trên gương mặt hai cha con.

"Anh thông cảm nha, hổm rày vô vụ lúa bận làm không kịp thở. Mần lúa không có lơ là được, chỉ bỏ ruộng ít ngày là thất liền. Mùa này sâu rầy nhiều nên đi vô trỏng liên tục, ít về nhà lắm. Nhớ con quá trời quá đất mà gắng ở lại mần việc cho xong mới an tâm về..." - anh Nam cười vui giải thích cho nhiều lần lỡ hẹn với tôi.

Chưa dứt lời, anh Nam ôm chầm con sau nhiều ngày xa cách. Quốc Huy cũng quấn quýt lấy cha, liên tục hôn nựng lên má anh Nam, rồi hối thúc cha ghé tiệm tạp hóa gần nhà để mua... súng nước đồ chơi. Cậu bé vượt qua lằn ranh sinh tử năm nào giờ đây đã khôn lớn, kháu khỉnh và rất hoạt bát. Lò cò với một chân cụt, nhưng cậu di chuyển vô cùng nhanh nhẹn.

Nhắc sự cố năm xưa, anh Nam vẫn bùi ngùi chùng giọng: "Lúc mẹ thằng Huy bị tai nạn chưa chết ngay, tui ngó sang kêu vợ niệm Phật. Còn con tui thì văng xa mấy mét, cảnh đó vẫn ám ảnh tui đến giờ. Nhưng nhớ lại không phải để dằn vặt, đau đớn, mà nhớ để quý cuộc sống hiện tại và càng thương con".

Ngày định mệnh kinh hoàng ấy, ngay sau tai nạn, bé Quốc Huy được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), trong khi anh Nam nằm lại bệnh viện địa phương rồi mới lên Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Gần cả tháng nằm viện, người nhà giấu nhẹm thông tin sức khỏe của Quốc Huy vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần anh. Đến ngày xuất viện, anh mới được tài xế xe cứu thương chở sang bệnh viện thăm con.

"Cô hộ lý mang xe lăn xuống đẩy tui lên thăm con. Nhìn con chỉ được vài phút ngắn ngủi nhưng cảm xúc hỗn độn lắm. Hồi hộp, mừng rỡ, buồn tủi, thương con" - anh Nam nhớ lại.

Tạm lành vết thương, anh Nam trở về quê nhà thắp nhang cho vợ rồi lên TP.HCM. Mất vợ, nỗi đau càng nhân lên gấp bội khi nhìn con thơ với một phần chân không lành lặn giống mình vì tai nạn giao thông. Dù vậy, anh dặn lòng phải nén nỗi đau lại để nuôi dạy con khôn lớn. Con người ta có cha có mẹ, con anh mồ côi mẹ ngay từ lúc chào đời nên anh hiểu mình phải làm cả cha lẫn mẹ cho con.

"Thời gian đầu tui mới què quặt nên cũng gặp nhiều khó khăn. Cực nhất là đưa con lên TP.HCM thăm khám định kỳ vì sức khỏe con yếu. Khoảng cách lúc đầu là một tuần rồi giãn ra hai tuần, một tháng, ba tháng. Từ khi dịch COVID-19 đến nay thì không lên Sài Gòn nữa" - anh Nam chia sẻ.

Quốc Huy đang quấn quýt chơi gần cha, nghe anh Nam nhắc đến COVID-19 cũng bi bô nheo nhẻo: "Con cô-dít, con 19 hả cha? Đừng đi cha ơi, ghê lắm á".

Khoảng thời gian khó khăn nhất với Quốc Huy là lúc tập đi với chân giả khi mới hơn 11 tháng tuổi. Chứng kiến cảnh con khó nhọc xoay xở với chân giả, khóc lóc khi tập đi khiến người đàn ông cứng cỏi như anh cũng rớt nước mắt theo. Đều đặn anh cùng con lên bệnh viện tái khám và tập đi. 

"Hơn 2 tuổi, con mới có thể đi đứng lẫm chẫm. Giờ thì chỉ đi học nó mới mang chân giả thôi, về nhà là tháo ra mà vẫn chạy khắp nhà. Tui tháo chân giả ra là xem như thua, không bằng một phần nó" - anh Nam cười yêu thương nhìn con.

Quốc Huy ngày nhỏ hay bệnh vặt. Nhiều đêm bên con bị sốt, anh nóng hết ruột gan, tức tốc chở con đi bác sĩ. "Hiện giờ ổn rồi, chỉ lâu lâu giả bệnh nhõng nhẽo đòi quà bánh, đồ chơi thôi" - anh Nam cười.

Anh kể sau sự cố năm nào, hai cha con được nhà hảo tâm ủng hộ một số tiền. Anh dùng số tiền đó dựng lại ngôi nhà, mua mấy mẫu đất ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) để mần lúa. 

"Cả cuộc đời tui chưa bao giờ có được số tiền lớn đến vậy. Nhiều đêm nghĩ về cuộc sống hiện tại và vợ đã mất mà ứa nước mắt thương vợ. Tui có thể đánh đổi tất cả để vợ còn sống, con tui còn có mẹ" - anh Nam bùi ngùi tâm sự.

Bé trai bị văng khỏi bụng mẹ sau tai nạn giao thông giờ thế nào? - Ảnh 3.

Bị mất một chân nhưng Quốc Huy vẫn di chuyển nhanh nhẹn kỳ lạ - Ảnh: THÀNH NHƠN

Mong con bình an, khôn lớn nên người

Bây giờ, anh Nam quanh quẩn suốt ngày với công việc đồng áng, hết sạ giống, giặm lúa, bơm nước rồi lại bỏ phân, thu hoạch để kiếm tiền nuôi con. Mỗi chuyến đi làm ruộng xa nhà của anh thường vài ngày. Xa con, anh nhớ đến quặn thắt lòng nên hễ lúc nào rảnh tay là anh lại chạy xe hơn 60km về nựng nịu con. 

Hôm tôi ghé thăm, lâu lâu anh lại ôm con vào lòng, hôn lên trán con như thể anh cố gắng bù đắp cho những ngày xa cách. "Nghỉ hè là đòi cha chở vào ruộng. Nó khoái đi bơi lắm, trưa nào cũng bắt tui dẫn ra kênh nước cho nó bơi. Mới mấy ngày mà đen thùi lùi như con cá lóc" - anh Nam cười kể.

Anh cho biết một năm mần hai vụ lúa, riêng mùa nước nổi anh được dành trọn vẹn thời gian bên con. "Cha con quây quần cùng nhau, thương lắm, tui tranh thủ dạy chữ cho nó" - anh Nam bộc bạch.

Quốc Huy đang học trường tiểu học gần nhà, mỗi sáng đến trường bằng chiếc xe hơi điện đồ chơi. Hình ảnh cậu bé mang chân giả đến trường bằng phương tiện "lạ" đã quá quen thuộc với người dân hai bên đường, thầy cô và bạn bè. 

"Ban đầu tui chở đến trường vì sợ con đi đứng khó khăn rồi xe cộ. Sợ nhiều thứ lắm, sợ cả việc con bị bạn bè ăn hiếp. Cũng may, nó hiền nên bạn bè, thầy cô, hàng xóm đều thương mến và giúp đỡ" - anh Nam thổ lộ.

Anh Nam kể bé Huy ngoan nhưng "học hơi chậm" hơn bạn bè. Dù vậy, anh luôn khuyến khích con và không bao giờ quở trách, bởi con đến với đời này quá đau thương, thiếu thốn so với bạn bè. Âu yếm nhìn cậu con trai kháu khỉnh, anh tâm sự: "Xưa tui cũng ham học dữ lắm mà nhà nghèo nên không có tiền đi học. Giờ phải lo cho con học hành đến chốn. Nhìn con tiến bộ, lòng tui vui sướng khó tả lắm".

Quốc Huy lại sà vào lòng, hôn lên má cha. Anh Nam cũng âu yếm nựng nịu con. Cơn mưa dông mù mịt đã tạnh, trời lại ửng sáng.

Phép mầu với "chú lính chì dũng cảm"

Ngày 25-10-2014, trong lúc anh Nam đưa vợ đi sinh bằng xe máy thì bị tai nạn giao thông với xe trộn bêtông ở TP Long Xuyên, An Giang. Vợ anh tử vong tại chỗ, thai nhi văng ra khỏi bụng mẹ với một chân đứt lìa trong khi anh Nam cũng bị cán nát bàn chân.

Được cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, suốt nhiều ngày bé hôn mê sâu, có những lúc tưởng chừng không qua khỏi. Toàn bộ phần dưới chân phải bé bị giập nát, bác sĩ buộc phải tháo khớp gối. Nhưng cuối cùng cậu bé đã vượt qua được dù thiếu vắng hơi ấm và sữa mẹ. Chặng đường giành giật sự sống của "chú lính chì dũng cảm" Quốc Huy như phép mầu với sự thương yêu, tận tâm của các bác sĩ.

Đau xé lòng sản phụ bị xe tông chết, thai nhi văng ra đường Đau xé lòng sản phụ bị xe tông chết, thai nhi văng ra đường

TT - Chiếc xe trộn bêtông đã cán qua hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Ngọc làm chị tử vong tại chỗ, thai nhi trong bụng chị văng ra ngoài, chồng chị bị gãy chân.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên