Ngày 18-6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết đơn vị vừa tiếp nhận một bé trai tên Đ.S.H. (7 tuổi, ở xã Thành Long, huyện Hàm Yên) nhập viện với biểu hiện mắc bệnh dại.
Theo đó, ngày 15-6, bé trai nhập viện trong tình trạng mệt, nôn ra máu tươi, da tím tái, trẻ kích thích vật vã, mắt mở to, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, nằm co, sùi bọt mép.
Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi bệnh dại.
Gia đình bệnh nhi cho biết trước đó khoảng một tháng, bệnh nhi có bị chó cắn, sau khi cắn bé trai chó đã chết, trẻ cũng chưa được tiêm phòng bệnh dại.
Chiều cùng ngày, bệnh nhân diễn biến nặng, tiên lượng tử vong cao, người nhà bệnh nhân được các bác sĩ khoa nhi tư vấn, giải thích về tình trạng bệnh, gia đình xin cho trẻ về nhà.
Thông tin với Tuổi Trẻ Online sáng 18-6, lãnh đạo UBND xã Thành Long (huyện Hàm Yên) cho biết sau khi gia đình xin về nhà điều trị, bé trai đã tử vong chiều 15-6.
"Bé bị chó nhà nuôi cắn, gia đình có biết nhưng chủ quan không đưa bé đi tiêm phòng dại nên dẫn đến sự việc thương tâm" - lãnh đạo xã Thành Long nói thêm.
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đơn vị này cũng vừa tiếp nhận một cụ bà 72 tuổi (ở Hòa Bình) trong tình trạng an thần, thở máy. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi dại, uốn ván, sốc nhiễm khuẩn.
Theo người nhà bệnh nhân kể lại, đầu tháng 4 bệnh nhân bị chó cắn vào chân (chó con mới đẻ được 3 tháng, chưa được tiêm phòng dại).
Ngay khi cắn, con chó đã bị đập chết. Khi các vết thương chảy máu, bệnh nhân tự sát khuẩn bằng cồn tại nhà. Vì chủ quan, bệnh nhân không đi tiêm phòng dại.
Khoảng 4 ngày nay, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, cảm giác sợ nước, sợ gió, co cứng tay chân.
Bệnh nhân được chuyển đến cơ sở y tế điều trị trong tình trạng thở co kéo cơ hô hấp. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng kháng sinh, vận mạch, an thần…
Khi làm xét nghiệm PCR nước bọt, dịch não tủy có kết quả dương tính với vi rút dại.
Bệnh nhân được bác sĩ giải thích tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong, gia đình xin về chăm sóc tại nhà.
Bác sĩ Trần Quang Đại - phòng tiêm chủng vắc xin (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) - cho biết bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dại gây nên.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.
Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
44 người chết do bệnh dại trong nửa đầu năm
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận 44 người tử vong do bệnh dại tại 23 tỉnh, thành phố.
Ghi nhận 96.561 trường hợp người bị chó, mèo mắc dại, nghi dại cắn, cào phải điều trị dự phòng. So với cùng kỳ năm 2023, số ca tử vong trên người tăng 30%.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay có 146 ổ dịch bệnh dại tại 34 tỉnh, thành phố, tổng số chó, mèo tiêu hủy là 395 con. Hiện nay có 19 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 10 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Một số nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh dại gia tăng là do tổng đàn chó, mèo của cả nước là hơn 5,7 triệu con, trong khi tỉ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình chưa cao, đạt 48,35% tổng đàn.
Chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vắc xin dại.
Công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lỏng lẻo và hầu hết các địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông.
Hơn nữa người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó. Tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội.
Chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin dại cho chó theo quy định...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận