“Bé Nhỏ Trao Truyền Văn Hóa”

TTCT - Bảo tồn! Bảo tồn? Một trong những lý do đầu tiên: bảo tồn không phải là chăm chút giữ bức tường, mái nhà, gạch ngói, gốc cây, xe lửa... để chất dưới nhà kho viện bảo tàng mà là giữ mảnh đất gieo trồng hạt “giáo dục - nghệ thuật” nảy mầm.

Người Pháp gọi bảo tồn là “Les petits passeurs de culture/Người bé nhỏ trao truyền văn hóa”. Chuyện bỏ đi hay giữ lại dinh Thượng Thơ khiến nhớ lại huyền thoại lá Acanthus, một “bé nhỏ” suốt 2.500 năm nay.

Ngày nay thế giới phẳng đến nỗi nhân loại hớn hở yêu mến hết thảy. Tổng thống Obama qua Hà Nội ăn bún chả, người Mỹ ở California mê phở mê gỏi cuốn, người Việt du học du lịch cùng khắp... Nhưng kiến trúc Pháp tại Sài Gòn - Hà Nội đã và đang bên bờ định mệnh trước khi người Việt kịp hỏi chúng đến từ đâu? Tại sao giữ? Đẹp đẽ gì mà phải giữ?

Bài này chỉ nói thuần về họa tiết Rococo ở cánh cổng dinh Thượng Thơ (số 59-61 đường Lý Tự Trọng, TP.HCM, mà tên trước năm 1955 là rue du Gouverneur, rue de la Grandière; từ năm 1955-1975 là đường Gia Long). Có lẽ cái tên Gouverneur khiến người “đàng cựu” Nam Kỳ hiểu tương đương với chức quan lại bộ thượng thơ của triều đình Huế nên gọi “dinh Thượng Thơ”, đồng thời với Jardin de la Ville, người Nam cũng gọi là Vườn Ông Thượng, tức Vườn Bờ-Rô, tức Vườn Tao Đàn.


Trái tim nhà khoa học nên chuyện sông hồ

Hơn 2.500 năm trước, bụi cây Acanthus dụi mắt bật tung mầm lá non xuyên mũi tên vào giữa trái tim người nghệ sĩ. Truyền thuyết ghi rằng vào ngày xuân ở Corinth (78km cách Athenes, Hi Lạp), nhà điêu khắc kiêm kiến trúc sư nổi tiếng Callimachus dạo chơi thình lình gặp một giỏ đựng vài vật dụng sinh thời của một cô gái dưới mồ, trên giỏ dằn một hòn ngói.

Từ đáy giỏ, chùm Acanthus cố len lỏi mọc bao quanh giỏ, lá vươn lên tới hòn ngói cố hút lấy tia nắng ấm Địa Trung Hải. Chùm lá non xanh biếc vươn lên từ xác xuân thì tan rữa làm Callimachus động tâm lấy nguyên giỏ và chùm lá để trang trí đầu cột Ionic, mở đầu phong cách kiến trúc kinh điển cột Corinthian cho thủ đô Corinth mà người Hi Lạp rồi La Mã mang trải khắp thế giới. Callimachus và lá Acanthus không bao giờ ngờ mình là “Bé nhỏ trao truyền văn hóa” suốt 2.500 năm sau nữa.

Photo credit: Melanie
Photo credit: Melanie

 

Acanthus được nhắc tới trong Kinh Thánh và văn học sử châu Âu. Nhiều sử gia, họa sĩ, kiến trúc sư, văn thi sĩ ghi về Acanthus suốt 2.000 năm. Pliny (23-79 TCN) viết trong cuốn Natural History “trồng Acanthus ở vườn nhà”. Thi sĩ Edgar Allan Poe (1809-1849) nhắc “Giọt lệ trong mắt nàng êm dịu trong trẻo như lá Acanthus của Pliny”.

Một ngày đẹp trời ở Getty Villa, Los Angeles, nơi chứa một góc văn minh Hi Lạp, tôi sững người bắt gặp “Giọt lệ êm dịu” Acanthus xanh tươi mọc tựa bên tường bảo tàng, mừng quá chụp ngay một bức hình. Do sự ngông cuồng xa xỉ của tỉ phú - nghệ sĩ dầu hỏa J. Paul Getty, tất cả thảo mộc trồng tại Getty Museum và Getty Villa đều lấy giống từ vùng Địa Trung Hải dù California cũng có. Trang trí Getty đều từ thiên nhiên, nguyên dàn cột Corinthian lấy cảm hứng từ lá Acanthus.

Bụi cây Acanthus. Ảnh: Trần Thị Vĩnh-Tường
Bụi cây Acanthus. Ảnh: Trần Thị Vĩnh-Tường

Phong cách Pháp sang trọng cùng thời trang diễm lệ từ 1660-1800 quyến rũ cả châu Âu. Vua Louis XIV (1638-1718) còn được gọi là Vua Mặt trời ngự trên ngai vàng 72 năm, dài hơn bất kỳ triều đại nào khác của châu Âu, vung tay trải lên bầu trời một chùm sao nghệ thuật biến cung đình Versailles hào nhoáng bề ngoài thành nơi trí tuệ chuyện trò, gợi hứng cho Voltaire mở đầu thời kỳ Khai sáng. Hai vua Louis XV và Louis XVI đều yêu thiên nhiên và hết lòng bảo trợ cho nghệ thuật mới Rococo mà đặc trưng là hình uốn cong chữ S và C, đối xứng và dùng màu nhạt. Lá Acanthus thanh lịch và con sò là họa tiết cơ bản cho Rococo.

Đầu cột - Corinthian, Getty Villa, Los Angeles. Ảnh: Trần Thị Vĩnh-Tường
Đầu cột - Corinthian, Getty Villa, Los Angeles. Ảnh: Trần Thị Vĩnh-Tường

Rococo ban đầu do các nhà vẽ kiểu và thợ thủ công chớ hổng phải ngành kiến trúc. Nghệ sĩ và thợ khéo tay được triều đình và quý tộc chào mời không dứt. Trang trí màn cửa, bàn ghế, giá nến, khăn áo, đồ bạc, đồ gốm, đồng hồ... đều dựa vào Rococo mới được coi là đồ trân ngoạn.

Photo credit: Mohamed Talal
Photo credit: Mohamed Talal

 

Photo credit:  William J Jones
Photo credit: William J Jones


Giấc mơ Dương xỉ cong cong

Lá Acanthus và lá Dương xỉ được yêu chuộng điên cuồng, xuất hiện ở khắp châu Âu, từ ngai vàng đến chậu hoa cây cảnh, đối xứng hay không đối xứng miễn là cong, càng ít nghiêm khắc càng tốt. Khi cách mạng 1789 nổ ra ở Pháp, nghệ thuật Rococo chạy qua nước Anh được đón chào nồng nhiệt, đặc biệt ở cổng những tòa lâu đài, cầu thang, thư viện, đại học, rạp hát...

Photo credit:  Helen Allingham - July 1871

(Photo credit: Helen Allingham - July 1871 "Gathering Ferns”- Wiki)

Cũng từ nước Anh, lá Dương xỉ được tiểu thuyết hóa. Quý tộc hay dân gian đều tin tưởng không biết Dương xỉ là không đáng sống trên đời. Thần dân nữ hoàng Victoria lên cơn sốt cuồng nhiệt đâm đầu vào rừng, xông tận tới chốn chuông ao đi tìm nàng Dương xỉ. Những chuyến đi sặc mùi tiểu thuyết tình yêu mạo hiểm lãng mạn tội ác không khác gì phong trào tìm vàng của cao bồi Mỹ. Báo chí đồng loạt tặng cho Dương xỉ ý nghĩa “tái sinh, làm mới, hi vọng, Mẹ Đất khôn ngoan...” làm như trước nay Mẹ Đất không khôn lắm.

Quả là trời khéo tay sanh cọng Dương xỉ rất đẹp. Hôm tết rồi, tôi về Củ Chi, cô chủ nhà ân cần luộc Dương xỉ (dân gian gọi là đọt choại/trại) cho ăn, tôi tần ngần mãi sợ phí của trời. Ngọn Dương xỉ chấm nước mắm tỏi ớt thiệt tình ngon hơn nhiều món rau quảng cáo linh đình không biết mắc cỡ. Nếu có về đây lần nữa cũng chỉ vì chưa tan giấc mơ Dương xỉ.

Photo credit: Pommepal
Photo credit: Pommepal

 

Dương xỉ (la Fougère) được say mê tới nỗi năm 1882, nhà Houbigant chế nước hoa “Fougère Royale”. Ngày nay, chỉ cần sưu tầm được cái lọ không thời đó cũng là một niềm vui êm đềm. Tới giờ người ta vẫn yêu họa tiết mềm mại uốn lượn của Acanthus - Fougère. Du lịch châu Âu từ viện bảo tàng, khách sạn, công viên, thư viện, rạp hát, nhà ga, bến tàu... không nơi nào mà không thấy đường cong hai nàng bay lượn.

Người Pháp mang theo giấc mơ Acanthus - Fougère đến Sài Gòn

Nhưng dinh thự lâu đài thì phải viện đến ngành kiến trúc. Sau năm 1860, người Pháp ồ ạt vào Việt Nam. Khoảng năm 1875, xây Bureaux de la Direction de l'intérieur theo thiết kế của kiến trúc sư Pháp Marie-Alfred Foulhoux (1), sau đó được tu bổ lần lần. Theo trang Gallica (2) thì khi tòa nhà xây xong năm 1881, số tiền dư ra (so với dự kiến) là 18,691.58 (L'achèvement des bureaux de la Direction de l'intérieur donne lieu à la suppression du crédit prévu en 1881 – 18.691,58) , năm 1882 sửa chữa lớn cần khoản chi 3.738 piastres 32 cents. (piastres: đồng tiền Đông Dương). 

Cổng dinh Thượng Thơ hiện nay. Ảnh: KTS Đỗ Phú Hưng chụp tháng 5-2018
Cổng dinh Thượng Thơ hiện nay. Ảnh: KTS Đỗ Phú Hưng chụp tháng 5-2018

Đi bộ ngoài đường bây giờ cũng có thể quan sát hai cánh cổng của dinh bằng sắt uốn, đôi chỗ bị hoen gỉ, mối hàn rất khéo, được tán đinh và bắt vít, có thể so sánh với cửa Bảo tàng Mỹ thuật. Cánh cổng chính giờ vẫn giữ nguyên, đường nét Rococo thanh lịch lừng danh từ thời Louis XIV Khai sáng. Thảm đá lót cũng còn nguyên, lá vẫn lòa xòa trên nóc ngói mới đỏ au, nhân viên ra vào mỗi ngày quả là những người hạnh phúc.

Có cả thảy 6 lá Acanthus trên nền cong Dương xỉ. Chúng tôi ngờ chữ D và chữ I chính giữa là viết tắt của Direction de l'intérieur. Chữ D theo mẫu Acanthus y hệt loại chữ châu Âu thời những năm 1420-1430 dùng in bìa sách hay Kinh Thánh.

a
Chữ D theo mẫu Acanthus y hệt loại chữ châu Âu thời những năm 1420-1430 dùng in bìa sách hay Kinh Thánh.

 

Không rõ hai cánh cổng dinh nhập nguyên từ Pháp hay nhập từng phần rồi hàn ở Sài Gòn. Cũng cần nhắc là sắt uốn ở cầu thang thương xá Tax (1921-1924) tuy xây 40 năm sau cũng có lác đác lá Acanthus nhưng đường nét đơn giản hơn nhiều, do ảnh hưởng của Art Nouveau?

Họa tiết sắt uốn ở cầu thang thương xá Tax. Ảnh: KTS Đỗ Phú Hưng chụp năm 2014
Họa tiết sắt uốn ở cầu thang thương xá Tax. Ảnh: KTS Đỗ Phú Hưng chụp năm 2014

Khắp châu Âu, các cổng sắt hầu như làm theo họa tiết Rococo, nhưng không bao giờ có hai cổng y hệt nhau. Cổng dưới đây ở Anh rất giống cổng Dinh Thượng Thơ.

Photo credit: Glenda Curdy
Photo credit: Glenda Curdy

Cận cảnh hoa văn trên cổng Dinh Thượng Thơ Sài Gòn:

Cận cảnh hoa văn trên cổng. -Ảnh: KTS Đỗ Phú Hưng
Cận cảnh hoa văn trên cổng dinh Thượng Thơ. -Ảnh: KTS Đỗ Phú Hưng

Từ năm 1954, người Pháp khăn gói quẩy tay nải sụt sùi ra đi không mang được theo “Hà Nội - Paris thu nhỏ” hay “Sài Gòn - ngọc trai Viễn Đông”. Muốn gọi di sản di tích gì thì gọi, Hà Nội, Sài Gòn và cả dải giang sơn là của người Việt. Người Việt đã chịu đựng gần trăm năm thuộc địa, nhận một góc văn minh châu Âu gồm cả chữ a b c, tân nhạc, từ bánh mì đến phin cà phê, từ cuốn Tâm hồn cao thượng, sách toán lý hóa vạn vật đến từ điển dày cộp... tất cả đều đã Việt Nam hóa và quốc tế hóa.

Nhân cuộc thảo luận đang diễn ra về việc nên phá hủy hay giữ lại dinh Thượng Thơ Sài Gòn, cũng cần nhắc nhau rằng di tích là cửa sổ mở vào trí nhớ tập thể cả thế giới, từ Địa Trung Hải đến xứ này. Dinh chỉ đơn thuần là bốn bức tường và nóc nhà, phá dễ ợt, xây cũng dễ ợt, nhưng phá hủy dinh là tự hủy sự có mặt của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới, trong lòng lịch sử thế giới.

Khoảng tháng 10-2014, khi thương xá Tax sắp bị giật sập, có một tiếng kêu than trên Facebook, có thể của người ngày mai phải tự tay cầm búa phá bỏ thương xá này: “Chẳng lẽ tôi là kẻ tội đồ giật sập thành phố của mình ư?”. Không, bạn ạ, dù bạn phải góp tay giật sập vì cơm ăn áo mặc thì chỉ bằng một tiếng kêu, bạn đã là người “trao truyền văn hóa”. Cũng như độc giả đang đọc bài này, nhíu mày thương tiếc hay không thương tiếc cũng là “Bé nhỏ trao truyền văn hóa” dù có chút khác nhau. Nói chi đến những lặng lẽ, rất lặng lẽ, giữ gìn cái đẹp của một góc nhân loại.

Từ xa, xin cảm ơn tất cả.■

Chú thích:

1. Tim Doling, Exploring Ho Chi Minh City, NXB Thế Giới 2014 http://www.historicvietnam.com/foulhouxs-saigon/

2.http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5448893z/f42.image.r=Saigon%22Direction%20de%20l'Int%C3%A9rieur%22

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận