Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu bế mạc 2019 - Ảnh: BTC
Sáng nay 14-5, Lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 - Vesak 2019 được tổ chức trọng thể tại hội trường chính của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, Hà Nam.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và phát biểu.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ lòng cảm ơn tới các đại biểu Phật giáo quốc tế đã đến Việt Nam dự Đại lễ Vesak 2019 - Ảnh: BTC
Mong tư tưởng tốt đẹp của Đại lễ Vesak 2019 sẽ được phát huy mạnh mẽ
Trong phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể các đại biểu về sự thành công rực rỡ của Đại lễ Vesak 2019 diễn ra tại Việt Nam trong ba ngày nay.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ niềm vui mừng với tư cách là lãnh đạo của nước chủ nhà khi những tinh hoa của tinh thần Phật giáo đã kết nối bạn bè khắp thế giới về Tam Chúc, tỉnh Hà Nam của Việt Nam.
Ông bày tỏ mong muốn Tuyên bố Vesak 2019 - Tuyên bố Hà Nam với sự đóng góp tích cực hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung, cùng những tư tưởng tốt đẹp của Đại lễ Vesak 2019 sẽ được phát huy mạnh mẽ và trong đời sống xã hội để góp phần vào xây dựng một tương lai tươi sáng của xã hội, cùng xây dựng một thế giới hòa bình và hạnh phúc.
Hòa thượng, Giáo sư Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc khẳng định Đại lễ Vesak 2019 đã rất thành công và ông gửi lời cảm ơn tới toàn thể nhân dân Việt Nam - Ảnh: BTC
Cảm ơn Việt Nam
Phát biểu tại lễ bế mạc Đại lễ Vesak 2019, Hòa thượng, Giáo sư Brahmapundit - Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc - khẳng định "Vesak lần này đã thật sự thành công lớn".
"Chúng tôi đã có một khoảng thời gian rất tuyệt vời bên nhau nhờ vào lòng mến khách và sự rộng lượng của Chính phủ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân dân Việt Nam", Hòa thượng, Giáo sư Brahmapundit bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới toàn thể nhân dân Việt Nam .
Nhìn về Đại lễ Vesak 2019 những ngày qua, ông cũng nhận thấy Việt Nam đã đặt ra tiêu chuẩn ngày một cao hơn cho Đại lễ Vesak và Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc hài hước nói ông "chân thành chấp nhận những tiêu chuẩn cao hơn này".
Ông chia sẻ nỗi vất vả của Ban tổ chức; ghi nhận sự hợp tác toàn diện giữa Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Chính phủ Việt Nam; và bày tỏ lòng cám ơn chân thành tới ban tổ chức Đại lễ Vesak 2019.
"Chúng tôi sẽ trở về nhà nhưng chúng tôi không trở về tay không mà chúng tôi mang theo rất nhiều những giá trị mà chúng tôi đã học hỏi được từ nhau; mang theo những tình bạn mới; những cam kết mới để xây dựng xã hội bền vững cùng nhau… góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc", Hòa thượng, Giáo sư Brahmapundit bày tỏ niềm xúc động.
Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc nói các đại biểu dự Vesak 2019 đã có một khoảng thời gian rất tuyệt vời bên nhau nhờ vào lòng mến khách và sự rộng lượng của Chính phủ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân dân Việt Nam - Ảnh: BTC
Ông hi vọng, sau Đại lễ Vesak 2019 rất thành công này, các đại biểu từ khắp thế giới sau đó sẽ tiếp tục liên hệ với nhau, ngồi lại với nhau để cùng thực hiện những dự án với mục đích sẻ chia, lên kế hoạch hành động để thực hiện thông điệp về hòa bình trong Tuyên bố Hà Nam.
Ông tin rằng, với những ký ức tuyệt vời về đất nước Việt Nam, thì hầu hết các đại biểu quốc tế tham gia Vesak 2019 sẽ mong muốn được trở lại Việt Nam để tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc lần thứ 4 tại đất nước Việt Nam xinh đẹp.
Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc cũng tiết lộ hiện có 3 nước đang xin đăng cai tổ chức Vesak 2020 nhưng Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc chưa quyết định sẽ tổ chức Vesak lần thứ 17 năm 2020 tại quốc gia nào.
Đại lễ được bắt đầu với phần nghi thức cung nghinh chư tôn thiền đức quang lâm thực hành nghi thức cầu nguyện - Ảnh: NAM TRẦN
Các cam kết đưa ra trong Tuyên bố chung Vesak 2019 - Tuyên bố Hà Nam:
1. Đảm nhận vai trò ngày càng tích cực, ở địa phương và trên toàn cầu; chia sẻ trách nhiệm mạnh mẽ hơn nữa với xã hội nhằm ủng hộ, xây dựng, duy trì và phát triển các xã hội bền vững trong bối cảnh khủng hoảng xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa ngày càng sâu sắc và phức tạp.
2. Tiếp sức sống với khái niệm "Phật giáo nhập thế" bằng cách hướng tới các hoạt động mang tính toàn cầu và tham gia tích cực hơn vào các tổ chức quốc tế.
3. Phê chuẩn cách tiếp cận của Phật giáo như mô hình toàn mãn nhằm đạt được lý tưởng hòa bình và hiểu rõ các giá trị phổ quát của nhân loại.
4. Thể hiện sự đồng tâm với các triết lý Phật giáo nhằm khám phá các đặc điểm và bối cảnh thay đổi trong việc theo đuổi giáo pháp của Đức Phật như sự hướng dẫn tinh thần cho nền quản trị toàn cầu.
5. Nhận diện khuôn khổ của hành động quốc tế dựa trên Phật giáo là giải pháp khả thi cho sự thịnh vượng, phát triển và tiến bộ của nhân loại trong tinh thần duyên sinh.
6. Thừa nhận sự vĩ đại của Phật giáo trong thời hiện đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận