Tổng thống Barack Obama (thứ hai từ phải qua) chụp hình lưu niệm với lãnh đạo các nước ASEAN tại Hội nghị ASEAN - Mỹ ngày 8-9 - Ảnh:Reuters |
Nội dung về Biển Đông trong bản tuyên bố có thể hiểu dựa trên thực tế là rất ít người biết rõ chính sách đối ngoại của Lào, cũng như việc Lào tìm cách cân bằng giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc |
Ông Shahriman Lockman (chuyên gia phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia) |
Sau ba ngày với 11 cuộc họp cấp cao giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, Hội nghị cấp cao ASEAN lần 28-29 tại Vientiane, Lào đã bế mạc chiều 8-9.
Biển Đông, chủ đề vốn rất nóng ở những diễn đàn lần trước, tại hội nghị lần này bỗng dưng lắng dịu bất thường. Hội nghị tại Vientiane vẫn chưa đưa ra giải pháp rõ ràng và lâu dài cho việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan, bất chấp thực tế một số lãnh đạo ASEAN vẫn bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp gần đây trên thực địa.
Trung Quốc không dễ can thiệp...
Có vẻ như những khúc mắc, căng thẳng giữa các nước ASEAN xung quanh lập trường về tranh chấp ở Biển Đông đã được giải quyết ổn thỏa tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần 49 (AMM-49) diễn ra ở Vientiane cách đây gần hai tháng khi các bên ra tuyên bố chung, trong đó có một phần nói về Biển Đông.
Phần Biển Đông được nêu trong Tuyên bố chủ tịch của nước chủ nhà Lào chiều tối 7-9 về cơ bản vẫn không khác gì so với tuyên bố AMM-49. GS Zach Abuza, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Hoa Kỳ, bình luận với Tuổi Trẻ: “Nó không khác gì so với những gì họ đã nói trước đây. Không có gì mới trong bản tuyên bố”.
GS Abuza phân tích tuyên bố đề cập đến các hoạt động cải tạo đất, nhưng lại không chỉ rõ ai đã cải tạo. “Tuyên bố cũng kêu gọi tuân thủ Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), nhưng trong thời gian qua Trung Quốc là bên phớt lờ DOC khi liên tục gây ra các hành động leo thang căng thẳng. Tuyên bố cũng kêu gọi hoàn tất sớm Bộ quy tắc ứng xử (COC), nhưng Trung Quốc cũng tỏ dấu hiệu cho thấy nước này đang cản trở tiến trình COC” - GS Abuza nhận định.
Ngoài ra, theo GS Abuza, việc tuyên bố không đề cập đến phán quyết của Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông cũng cho thấy Bắc Kinh đã thành công trong việc vận động hành lang một số nước thành viên ASEAN không đưa chuyện tuân thủ phán quyết vào trong tuyên bố.
Ông Shahriman Lockman, chuyên gia phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia có trụ sở tại Kuala Lumpur, nói với Tuổi Trẻ rằng trước khi hội nghị diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng dưới sức ép của Trung Quốc, chủ nhà Lào sẽ hạn chế nội dung Biển Đông trong Tuyên bố chủ tịch. Tuy nhiên, ông Shahriman nhận định nội dung bản Tuyên bố chủ tịch của Lào tối 7-9 cho thấy Trung Quốc không dễ can thiệp vào chuyện nội bộ của ASEAN.
Căng thẳng Mỹ - Philippines
Trong ba ngày hội nghị, có lẽ sự kiện mà truyền thông quốc tế tác nghiệp tại Lào háo hức nhất chính là tổng thống hai nước Philippines và Mỹ sẽ đối mặt như thế nào khi trước đó tại một cuộc họp báo ở quê nhà, ông Duterte được cho là văng tục nhắm vào Tổng thống Mỹ Barack Obama. Sự kiện này gây căng thẳng ngoại giao đến mức Washington nhanh chóng quyết định hủy cuộc gặp song phương dự kiến với ông Duterte bên lề hội nghị tại Lào.
Việc Tổng thống Duterte vắng mặt trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ 4 tổ chức sáng 8-9 vì lý do sức khỏe cũng khiến không ít người đồn đoán là cách né tránh để đỡ phiền toái. Phía Philippines cho biết ông Duterte ủy quyền Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay thay mặt ông tham dự cuộc họp trên.
Tuy nhiên trong buổi họp báo trước khi rời Lào chiều tối 8-9, Tổng thống Barack Obama cho rằng ông không “để bụng” những bình luận của ông Duterte về cá nhân mình. Tổng thống Obama cho rằng mối quan hệ đối tác giữa hai nước nên nhất quán với việc tuân thủ pháp quyền và những chuẩn mực quốc tế.
Trước đó, tại hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ sáng 8-9, ông Obama tái khẳng định ASEAN đóng vai trò trọng tâm trong chính sách tái cân bằng của Mỹ sang châu Á và quan trọng hơn, “ASEAN chính là chìa khóa của một tương lai hòa bình và thịnh vượng của thế giới”. Và Mỹ tiếp tục thể hiện sự cam kết trong mối quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN.
Ông Obama cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. “Liên quan đến các vấn đề hàng hải, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác [với các nước ASEAN] để đảm bảo rằng các tranh chấp, bao gồm tranh chấp ở Biển Đông, được giải quyết một cách hòa bình. Phán quyết mang tính cột mốc của Tòa trọng tài vào tháng 7 có tính ràng buộc và giúp làm rõ các quyền hàng hải trong khu vực” - ông Obama nêu rõ quan điểm.
Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài gây căng thẳng trong khu vực, nhưng ông mong đợi thảo luận mang tính xây dựng để các bên cùng nhau giảm căng thẳng, thúc đẩy ngoại giao và ổn định trong khu vực.
Nhà Trắng cho biết Mỹ và các nước ASEAN đang hợp tác tăng cường nhận thức về các vấn đề hàng hải, ngăn chặn suy giảm môi trường, ủng hộ việc đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản trong khu vực ASEAN.
Trả lời báo chí về việc Philippines đã thảo luận vấn đề Biển Đông như thế nào tại Vientiane, người phát ngôn của Chính phủ Philippines Martin Andanar nói ngắn gọn rằng: “Quan điểm của Tổng thống Duterte rất rõ ràng. Philippines là bên thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài. Tổng thống Duterte muốn nói chuyện “hòa bình” với tất cả các bên, trong đó có Trung Quốc. Điều quan trọng chính là lợi ích chung của hai quốc gia”.
Trao đổi với báo giới khi đề cập đến Biển Đông, Thứ trưởng Lê Hoài Trung - trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) ASEAN của Việt Nam - cho biết những diễn biến gần đây ở Biển Đông được Liên Hiệp Quốc và hầu hết các nước quan tâm vì Biển Đông gắn với hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á. “Đối với những nước khẳng định không phải là một bên tranh chấp, họ cũng nêu rõ họ có lợi ích từ hòa bình, ổn định ở khu vực này, nhất là về bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, đúng theo luật pháp quốc tế. Cũng vì vậy mà đại đa số lãnh đạo đều mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý” - Thứ trưởng Lê Hoài Trung giải thích. |
Cuộc gặp ngắn gọn giữa tổng thống Mỹ và Philippines Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp ngắn gọn với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào tối 7-9. AFP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết cuộc chạm mặt giữa ông Obama và ông Duterte diễn ra trước bữa tiệc tối của các lãnh đạo trong khu vực đến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN. “Họ đã gặp nhau trong phòng chờ và là những người cuối cùng rời khỏi phòng. Tôi không thể nói họ gặp nhau trong bao lâu. Tôi rất vui vì chuyện này đã xảy ra” - Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, người cùng tham gia hội nghị với Tổng thống Duterte, kể lại với báo giới. Ông Yasay cố gắng mô tả cuộc gặp này là bằng chứng cho thấy một liên minh vững mạnh đủ để vượt qua những mâu thuẫn. “Thực tế cho thấy rằng mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ là vững chắc và mạnh mẽ” - Ngoại trưởng Yasay nhấn mạnh. Văn phòng của ông Duterte cũng tuyên bố rằng ông Duterte đã ngồi cạnh ông Obama trong bữa ăn tối với các lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao ASEAN. Trong một tuyên bố súc tích, Nhà Trắng chỉ nói rằng ông Obama “đã có một cuộc thảo luận ngắn gọn với Tổng thống Duterte trước bữa ăn tối của các lãnh đạo ASEAN”. Trước đó, giới truyền thông Âu - Mỹ đưa tin ông Duterte đã phỉ báng ông Obama bằng lời lẽ thô tục. Ban đầu, Tổng thống Obama phản ứng bằng cách gọi ông Duterte là một “kẻ màu mè”. Sau đó, ông Obama đã hủy cuộc gặp dự kiến với ông Duterte tại Lào, sau khi truyền thông đưa tin dày đặc về những lời thóa mạ của tổng thống Philippines dành cho ông. Phía Philippines đã nhanh chóng có họp báo bên lề bày tỏ sự hối tiếc của Tổng thống Duterte, cũng như nhấn mạnh về tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Philippines, ngay tại Vientiane. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận