Ảnh minh họa. Nguồn: pinterest.fr
Trong vòng 4-6 tháng đầu đời, bé sử dụng lượng sắt dự trữ trong cơ thể từ khi bé còn là bào thai. Bé cũng hấp thụ sắt từ sữa mẹ và sữa công thức. Khi bé càng lớn lên thì lượng sắt dự trữ càng giảm đi. Điều này có nghĩa là con cần bổ sung sắt và các dưỡng chất khác từ thức ăn đặc cũng như từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Giúp bé làm quen với thức ăn đặc là bước rất quan trọng để dạy bé học ăn, mang lại cho bé những trải nghiệm thú vị về những hương vị mới, các loại thức ăn đa dạng, giúp răng và hàm của bé phát triển. Mặt khác, quá trình này còn giúp hình thành các kỹ năng khác mà sau này bé cần để phát triển ngôn ngữ.
Dấu hiệu bé đã sẵn sàng làm quen với thức ăn đặc
Sự phát triển của và các hành vi của bé sẽ giúp bạn nhận biết thời điểm nào thì thích hợp cho bé ăn thức ăn đặc.
Những dấu hiệu sau đây cho thấy bé đã sẵn sàng cho thức ăn đặc:
- Đầu và cổ cứng cáp, có thể ngồi thẳng người khi được hỗ trợ.
- Tỏ ra hứng thú với đồ ăn, ví dụ nhìn chăm chú vào đĩa của bạn.
- Qườ tay vào đồ ăn.
- Há miệng khi được cho ăn bằng thìa.
Tùy vào mỗi em bé mà các dấu hiệu này xuất hiện ở những thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết là khoảng thời gian 6 tháng tuổi.
Bé bị dị ứng thức ăn
Các bé mắc bệnh chàm hoặc có tiền sử dị ứng trong gia đình có nguy cơ dị ứng hoặc không dung nạp thức ăn cao hơn. Tuy nhiên, trẻ không có tiền sử dị ứng cũng có thể bị dị ứng thức ăn.
Cho bé ăn thức ăn đặc quá sớm, ví dụ, trước bốn tháng hoặc quá muộn, đều làm tăng nguy cơ bé bị dị ứng thực phẩm.
Nếu bé đã bị dị ứng thức ăn và nếu gia đình bạn có tiền sử dị ứng thức ăn thì cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.
Tập cho bé ăn như thế nào?
Khi lần đầu tiên tập cho bé ăn, việc tạo ra tâm lý vui vẻ thoải mái cho cả mẹ và con là điều vô cùng quan trọng . Bé có thể sẽ thích ăn các đồ ăn thêm sau khi bú mẹ hoặc sữa công thức. Đó là bởi vì khi bé đang thực sự đói bụng, bé sẽ thích bú mẹ hoặc sữa công thức-những món thỏa mãn cơn đói của bé đầu tiên. Dạ dày bé vẫn có chỗ để thử thức ăn mới sau khi đã bú mẹ hoặc bú bình.
Dần dần, bạn sẽ học được cách nhận biết khi nào con đói hoặc no, hứng thú hay mệt mỏi.
Dấu hiệu cho thấy bé đang đói:
- Tỏ ra phấn khích khi nhìn thấy đồ ăn.
- Nhoài người về phía mẹ khi ngồi trên ghế.
- Há miệng to khi được xúc cho ăn.
Dấu hiệu cho thấy bé không còn hứng thú:
- Quay đầu đi chỗ khác.
- Bị phân tán chú ý.
- Đẩy thìa ra.
- Mím chặt môi.
Tập cho bé ăn như thế nào: Dạng thức ăn
Thức ăn dặm đầu tiên có thể là thực phẩm nghiền, xay hay thức ăn mềm cắt khúc.
Mặc dù bạn không cần xay những thức ăn đầu tiên của bé, nhưng một số thực phẩm, chẳng hạn như thịt, cần được xay nhỏ để bé ăn dễ dàng.
Nếu bắt đầu bằng thức ăn xay mịn, bạn nên tăng dần độ nhám, chuyển sang thức ăn nghiền hay những mẩu thức ăn mềm cắt nhỏ trong vòng vài tuần.
Mẹ nên cố gắng thay đổi độ nhám của thức ăn để phù hợp với khẩu vị của bé. Khi bé đã quen với độ mịn nhất định, hãy chuyển sang loại thực phẩm có nhiều cục hơn. Đa dạng các loại thức ăn sẽ giúp bé nhai và phát triển cơ miệng để phục vụ cho kỹ năng nói của bé sau này.
Tất cả các món mới đều hấp dẫn đối với bé, vì thế mẹ không cần phải chuẩn bị loại đồ ăn đặc biệt nào cả. Mẹ có thể tập cho bé ăn đồ ăn theo bất cứ thứ tự nào, tuy nhiên, tốt nhất là bắt đầu với loại thực phẩm giàu sắt. Ví dụ ngũ cốc dành cho trẻ nhỏ, rau nấu chín, thịt lợn hay gà băm, cá nghiền, đậu, hạt đậu nghiền…
Mẹ cũng có thể kết hợp các loại thức ăn cùng nhau, không nhất thiết phải mỗi lúc tập cho bé ăn từng thứ một. Tuy nhiên, nếu gia đình có tiền sử bị dị ứng thì có thể tập từng loại đồ ăn. Như vậy, mẹ có thể biết bé dị ứng với loại thực phẩm nào hãy cho bé ăn các thực phẩm đa dạng chế biến tại nhà, chẳng hạn như:
- Các loại rau như khoai tây, cà rốt, đậu; hoa quả như chuối, táo, dưa hấu, bơ.
- Lúa mì, yến mạch, bánh mì, mì sợi.
- Thức ăn có bơ sữa như sữa chua và phô mai giàu chất béo.
- Trứng nấu kỹ nhưng không phải trứng sống hay lòng đào.
Hãy bảo đảm rằng bạn chuẩn bị nhiều loại đồ ăn để bé có thể cầm tay. Hãy cho bé tập ăn rau củ nấu chín cắt thành miếng nhỏ hoặc các mẩu bánh mì mềm, bánh mỳ nướng... để khuyến khích bé nhai và tự bốc ăn.
Có thể tập cho bé ăn các thực phẩm này khi được 8 tháng.
Bé vẫn cần được duy trì bú mẹ hoặc sữa công thức cho đến khi ít nhất 12 tháng tuổi.
Cách tiếp cận để rèn bé ăn
Giờ ăn
- Chọn một thời điểm khi bạn và bé cảm thấy thoải mái nhất.
- Lựa chọn thức ăn mềm hay nghiền phụ thuộc vào bạn, nhưng không nhất thiết phải nghiền tất cả các loại thức ăn. Nếu mẹ bắt đầu với thức ăn mềm, hãy nhanh chóng tăng độ nhám, chuyển sang các món nghiền hay rau củ mềm cắt nhỏ trong vòng vài tuần tiếp theo.
- Để bé ngồi ghế cao, cho bé ăn bằng thìa.
- Quan sát dấu hiệu bé không hứng thú hay đã no bụng dựa vào đó bạn sẽ biết bé đã ăn đủ no.
- Trong thời kỳ trước 12 tháng tuổi, bé cần được uống nước đun sôi kỹ để nguội đựng trong cốc, đặc biệt khi trời nóng. Sau thời gian này, mẹ có thể cho bé uống nước sạch hoặc sữa nguyên kem, không cho bé uống các loại nước khác.
- Đưa cho bé cái thìa để bé tự xúc ăn.
- Trò chuyện với con về đồ ăn bé ăn, ví dụ món ăn gì, màu sắc, mùi vị, được chế biến như thế nào.
- Cho bé thử món bạn đang ăn để giới thiệu cho bé hương vị của món nấu tại nhà và hãy đảm bảo rằng những đồ bạn cho bé ăn là đồ ăn an toàn.
- Theo dõi sự yêu thích và mức độ ngon miệng của bé.
Bé nên ăn gì khi được 12 tháng tuổi
- Ở giai đoạn 12 tháng tuổi, bé có thể ăn hầu hết các loại thực phẩm lành mạnh giống như các thành viên khác trong gia đình, ví dụ như hoa quả, rau, ngũ cốc, cá, thịt gà, trứng, đậu, đậu lăng, mì sợ, cơm và bánh mì.
- Với đồ uống, ở giai đoạn này bé có thể uống sữa bò nguyên kem. Cố gắng cho bé uống mỗi ngày 2 cốc sữa hoặc các chế phẩm sữa như phô mai, sữa chua.
- Đồ ăn của bé không cần bổ sung thêm muối và đường. Nếu bạn loại bỏ tất cả muối và đường, bạn sẽ không làm bé chán với đĩa thức ăn nhạt hoặc tạo cho bé thói quen phải bỏ thêm gia vị vào đồ ăn.
"Bãi chiến trường" trong khi ăn
- Đó là bởi vì ăn cũng là một kỹ năng mà các bé phải học bao gồm cả việc đưa thức ăn vào miệng.
- Đó cũng là bởi vì các bé khám phá bằng cách chạm vào thức ăn. Mẹ nên khuyến khích điều này bởi nó tạo ra tạo ra không gian cho bé phát triển.
- Nếu bé đang ngồi ở ghế cao, bé học được cách nhận biết độ cao, độ sâu khi làm rơi đồ vật từ chiếc ghế xuống sàn. Tuy nhiên, nếu bé ném hết đồ ăn, thì có lẽ là do bé không đói. Vậy thì đó là thời điểm cho các hoạt động khác.
- Bữa ăn là khoảng thời gian cả gia đình cùng chia sẻ. Nếu bạn có thể giữ bình tĩnh và kiên nhẫn với sự bày bừa của con, bạn sẽ cảm thấy khoảng thời gian này dễ chịu hơn. Bí kíp: Bạn có thể lau dọn dễ dàng hơn nếu trải 1 tờ báo hoặc tấm nilon ở dưới ghế ăn của bé và chuẩn bị một mảnh khăn lau chùi.
Đề phòng hóc, sặc thức ăn
- Luôn giám sát khi bé hoặc trẻ nhỏ ăn các thức ăn cứng.
- Ngồi cạnh bé trong khi bé ăn không chỉ giúp cha mẹ ứng phó với hiện tượng sặc thức ăn mà còn tạo ra sự giao tiếp 2 chiều giữa cha mẹ và con cái. Không để con ăn những thức ăn cứng như mẩu cà rốt sống, các loại hạt, thịt hoặc cá có nhiều xương răm cho đến khi bé ít nhất 3 tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận