Sản phụ là chị N.T.C.T. (32 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long), nhập viện chờ sinh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, thai 38 tuần tuổi và có dấu chuyển dạ sanh.
Qua thăm khám theo dõi thai, các bác sĩ đã chuyển sản phụ lên phòng sinh và sau khoảng 45 phút chuyển dạ, sản phụ sinh thường được một bé gái nặng 3,5kg.
Bé gái ra đời an toàn và khỏe mạnh. Tuy nhiên điều bất ngờ là các bác sĩ, điều dưỡng của ê kíp đỡ sinh phát hiện trong bánh nhau của người mẹ có chiếc vòng tránh thai.
Ê kíp đã lấy chiếc vòng tránh thai ra và đặt vào tay bé gái đang da kề da với mẹ để chụp ảnh làm kỷ niệm. Sau sinh, hiện tại sức khỏe của mẹ và bé ổn định nên đã được xuất viện.
Bác sĩ Đào Bích Chiền - khoa sản phụ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long - cho biết theo thống kê, việc phụ nữ đặt vòng tránh thai nhưng lại có con vẫn xảy ra nhưng khá hiếm, chỉ xuất hiện với tỉ lệ khoảng 2% trên thế giới.
Những trường hợp mang thai này, không phải trường hợp nào cũng đi đến kết cục thai kỳ an toàn, một số trường hợp có thể sẩy thai hoặc sanh non.
Riêng trường hợp sản phụ T., theo thông tin từ gia đình, sản phụ đặt vòng tránh thai tại một cơ sở y tế từ sau khi sinh con đầu lòng do phải tính toán thời gian để có đứa con tiếp theo.
Tuy nhiên chị bất ngờ mang thai dù vẫn đang đặt vòng, gia đình cũng hồi hộp nhưng vẫn quyết định giữ lại bé.
Khoảng 9 tháng trước, thấy bị chậm kinh nên chị đi khám, siêu âm phát hiện vòng tránh thai vẫn ở đúng vị trí nhưng thai vẫn làm tổ.
Chị T. và gia đình quyết định giữ thai lại và đăng ký theo dõi thai kỳ tại cơ sở y tế đến ngày sinh. Rất may mắn là dù không nằm "trong kế hoạch" nhưng bé chào đời khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.
Phương pháp tránh thai nào cũng có xác suất rủi ro, vì vậy khuyến cáo chị em phụ nữ sau khi đặt vòng tránh thai, phải tái khám sau 1 tháng để xác định lại vòng đã đặt đúng vị trí và khám định kỳ mỗi 6 tháng.
Trường hợp để vòng quá hạn hay vòng đi lạc chỗ sẽ có những nguy hiểm, biến chứng hay viêm nhiễm vùng chậu, theo bác sĩ Bích Chiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận