Bệnh nhi N.T.T.T. (9 tuổi, ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP Cần Thơ) do nôn và đau bụng nhiều.
Theo thông tin từ gia đình, trước đó khoảng vài tháng, bé có than đau bụng quanh rốn sau đó tái đi tái lại nhiều lần; ăn uống kém…
Gia đình đã đưa đi điều trị tại bác sĩ tư ở địa phương, bác sĩ có siêu âm chẩn đoán sỏi mật và được điều trị ngoại trú, uống thuốc theo toa. Về nhà bé đau bụng nhiều, nôn ói nên gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Qua thăm khám, tình trạng bệnh đau bụng quanh rốn, bụng ấn đau quanh rốn, chướng hơi nhẹ. Chụp cắt lớp vi tính bụng thấy túi mật to, lòng có nhiều sỏi đường kính 5mm. Xét nghiệm máu và điện di, bé có bệnh lý Hemoglobin kèm theo.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có viêm túi mật cấp, nhiều sỏi túi mật. Trường hợp này rất hiếm gặp ở trẻ em, cần phát hiện xử lý sớm tránh tình trạng khi túi mật viêm, căng to lúc phẫu thuật hoặc khi sỏi rơi lọt vào đường mật gây ra tình trạng viêm và tắc nghẽn đường mật cấp tính.
Sau hội chẩn, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi, hướng xử trí nhanh tránh các biến chứng xảy ra. Sau đó bác sĩ lấy ra rất nhiều viên sỏi nhỏ trong túi mật của bệnh nhi. Sau phẫu thuật bé ăn uống tốt, hết đau bụng, không sốt.
Theo các bác sĩ, sỏi túi mật là bệnh lý ít gặp ở trẻ em. Đặc biệt, sỏi sắc tố mật thường xuất hiện ở những trẻ có bệnh lý tán huyết như Thalassemia, sỏi cholesterol thường gặp ở những trẻ béo phì.
Khi sỏi túi mật kẹt cổ túi mật sẽ dẫn đến ứ đọng dịch mật, kết hợp với tình trạng nhiễm khuẩn gây viêm túi mật cấp có thể dẫn đến áp xe túi mật, hoại tử túi mật hoặc vỡ gây viêm phúc mạc mật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận