19/04/2017 15:46 GMT+7

​Bé gái 8 tuổi bị ngạt nước khi đang tắm bồn

L.ANH ghi
L.ANH ghi

TTO - Bệnh nhi 8 tuổi vào Bệnh viện E, sau đó chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 11-4 trong tình trạng suy hô hấp nặng, da môi tái, hôn mê sâu, đồng tử giãn, không có phản xạ ánh sáng, tiên lượng tử vong cao.

Theo TS Tạ Anh Tuấn - trưởng Khoa điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương - ngay lập tức bệnh nhi được điều trị tích cực, hồi sức hô hấp, tuần hoàn, chống phù não. Tuy nhiên sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, phản xạ ánh sáng yếu, rối loạn nước, điện giải...

“Chúng tôi đã tích cực cứu cháu, nhưng do tình trạng bệnh nặng, bệnh nhi đã tử vong” - TS Tuấn cho hay.

Theo lời kể của gia đình, trước đó bé gái được bố tắm cho, nhưng khi đang tắm bố cháu có việc phải ra ngoài, 30 phút sau quay lại thì thấy con nằm bất động trong bồn tắm.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy - phó trưởng Khoa cấp cứu và chống độc - đuối nước là tai nạn rất thường gặp ở trẻ em, tại VN tỷ lệ tử vong do đuối nước cao gấp 10 lần các nước phát triển, trên 50% xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, hồ và tắm biển.

Bác sĩ Duy cũng cảnh báo các dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước, bồn tắm... cũng có thể là mối hiểm họa tiềm tàng gây đuối nước cho trẻ.

Đuối nước thường xảy ra nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hoặc sống đời sống thực vật. Do đó các bậc phụ huynh phải nâng cao ý thức quản lý, giảm sát, không để trẻ tự do tắm sông, hồ, kể cả hồ bơi, bồn tắm mà không có người lớn trông nom.

Xử trí khi trẻ đuối nước như thế nào?

Theo bác sĩ Duy, điều quan trọng nhất là phòng chống đừng để những tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhưng nếu chẳng may xảy ra tai nạn, cần thực hiện các bước như sau:

1: Gọi người trợ giúp và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước, kiểm tra xem đường thở có thông thoáng hay không?

2: Kiểm tra xem bé còn thở hay không để tiến hành cấp cứu.

3: Nếu trẻ đã mất ý thức và không thở được, thực hiện cấp cứu cơ bản bằng ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo để khôi phục hơi thở cứu em bé, tiếp tục cấp cứu trong khi chờ đợi nhân viên y tế hoặc người cấp cứu chuyên nghiệp.

 

L.ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên