Bệnh nhi K. bị chấn thương sọ não do lún xương sọ vùng đỉnh, chẩm phải - Ảnh - BVCC
Theo đó, bé gái N.P.N.K. (14 tháng, ngụ tại Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) trong lúc đang ngồi chơi với gia đình trước sân nhà, thì bị khỉ nhà hàng xóm xổng chuồng, chạy qua tấn công, cào mặt và cắn ngay đỉnh đầu bé. Vết thương khá sâu rộng, chảy máu nhiều.
Bé khóc thét kinh hoàng. Người nhà không kịp phản ứng, chỉ thảng thốt xua đuổi con khỉ.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã băng bó cho bé rồi nhanh chóng đưa bé đi Bệnh viện Nhi Đồng TP cấp cứu.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng TP, khi bé K. nhập viện, toàn bộ vùng tóc và da đầu bị lột hết ra, máu chảy nhiều, liên tục khóc rên. Qua kết quả thăm khám lâm sàng và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi K. bị chấn thương sọ não do lún xương sọ vùng đỉnh, chẩm phải.
Êkip mổ đã bóc tách tổ chức dưới da bộc lộ vùng lún, vết cắn dài khoảng 6cm, cắt xung quanh phần xương lún. Thám sát thấy vết thương sâu, chảy máu rỉ rả từ màng xương, êkip nhanh chóng cầm máu và đóng vết mổ.
Ca mổ diễn ra thành công. Bên cạnh đó, các bác sĩ đã áp dụng những biện pháp điều trị tích cực và phù hợp nhất trong việc chống nhiễm trùng và cầm máu cho bé.
Bệnh nhi tỉnh táo ngay sau mổ, đến nay sức khỏe ổn định. Tuy nhiên, bé vẫn còn trong tình trạng sợ hãi.
Cẩn trọng khi bị động vật lạ tấn công
Các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Đồng TP khuyên:
Hầu hết các loài động vật nếu bị nhiễm bệnh dại có thể truyền bệnh cho con người thông qua vết cắn. Do đó một con khỉ bị dại cắn người thì cần phải được xử trí như những trường hợp bị chó dại cắn. Đầu tiên, cần biết rõ là con khỉ đó ở đâu, trong rừng hay trong vườn thú hay ở nhà?
Bạn có khả năng theo dõi con khỉ đó hay không? Có bác sĩ thú y để giám sát con vật hay không?
- Nếu không có khả năng theo dõi con vật hoặc con vật trốn thoát thì bạn cần cho cháu đi tiêm phòng.
- Nếu có khả năng theo dõi con vật thì có 2 xu hướng:
Chưa tiêm phòng vắcxin, tiếp tục theo dõi con vật, nếu sau 10 ngày con vật không chết thì không cần phải tiêm phòng.
Tiêm phòng vắcxin ngay và kết hợp theo dõi con vật (thường thực hiện ở những địa phương có dịch bệnh dại lưu hành). Nếu sau 10 ngày con vật còn sống thì ngừng tiêm hoặc tiếp tục tiêm nhưng chuyển từ phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm thành phác đồ chủ động phòng bệnh dại trước khi phơi nhiễm, tức là chủ động tiêm phòng vắcxin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận