25/03/2019 13:02 GMT+7

Bê bối tuyển sinh ĐH ở Mỹ: ‘Hóa phép’ thành tài năng thể thao để vào ĐH

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Trong vụ bê bối Varsity Blues làm 50 người bị truy tố vì hối lộ, rửa tiền, dàn xếp cho con cái được trúng tuyển vào các ĐH danh tiếng của Mỹ, một trong những cách gian lận là ‘hóa phép' con thành một vận động viên thể thao học đường xuất chúng.

Bê bối tuyển sinh ĐH ở Mỹ: ‘Hóa phép’ thành tài năng thể thao để vào ĐH - Ảnh 1.

Ở Mỹ, thể thao đại học được coi trọng hơn nhiều quốc gia khác - Ảnh: THE TIME

Thậm chí, để hồ sơ thêm tin cậy, những ứng viên này còn làm giả hình ảnh đánh bóng bản thân đơn giản bằng photoshop hay chạy tiền mua thêm một số chứng nhận giải thưởng giả về một môn thể thao nào đó.

Ngôi sao học đường hàng triệu "fan"

Đây không phải là lần đầu tiên những kẻ trục lợi nhắm vào sức mạnh và sự hào phóng trong thể thao học đường Mỹ để "chạy" trường bởi nhìn trong số lượng những suất học bổng hay đặc cách vào ĐH Mỹ, những ứng viên có thành tích xuất sắc về thể thao luôn chiếm phần lớn.

Los Angles Times dẫn lại lời ông Jonathan R.Cole từ ĐH Columbia cho biết 20 thập kỷ qua, gần như cứ 5 sinh viên vào các ĐH danh tiếng thì có 1 em theo luyện tập tại các đội tuyển thể thao học đường. Hiện tại, tỉ lệ này đã giảm phần nào, tuy nhiên số lượng vẫn tăng theo các năm, và nếu so với số sinh viên được nhận vào trường vì thành tích học tập xuất sắc thì vẫn cao hơn rất nhiều.

Phải nói rằng, nhiều người nước ngoài ngạc nhiên khi biết người Mỹ "cuồng" thể thao bậc ĐH như thế nào. Chẳng hạn, đội trưởng một đội bóng ở chây Á hay thậm chí là châu Âu, tên tuổi sẽ chẳng là gì so với một thủ khoa khóa học. Tuy nhiên ở Mỹ, những cầu thủ thi đấu nổi bật trong màu áo đội tuyển ĐH có thể có hàng triệu người hâm mộ.

Thậm chí, nhiều giải đấu thể thao hàng đầu như giải bóng bầu dục quốc gia (NFL), giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA),… đều có những ngày thi đấu riêng dành cho sinh viên ĐH bên cạnh giải chuyên nghiệp thông thường. 

Về số lượng vận động viên, đội bóng bầu dục của ĐH Harvard danh giá thậm gấp đôi một đội bóng chuyên nghiệp đang đấu ở NFL.

Chính vì ảnh hưởng sâu rộng khiến nhiều trường sẵn sàng dành suất đặc cách cho những sinh viên có tiềm năng về thể thao, đây cũng là hướng đi rộng cửa cho những gia đình có điều kiện "chạy" trường cho con.

Photoshop từ... không thành có

Bê bối tuyển sinh ĐH ở Mỹ: ‘Hóa phép’ thành tài năng thể thao để vào ĐH - Ảnh 2.

Bức ảnh được cho là đã được photoshop để chứng tỏ khả năng nhảy sào của 1 ứng viên - Ảnh: KTXS

Bà Donna Lopiano - cựu giám đốc trung tâm thể thao cho sinh viên nữ ở ĐH Texas - chia sẻ trên CNN bà không hề ngạc nhiên với những bê bối liên quan đến những hồ sơ thể thao giả của sinh viên để được nhận vào ĐH.

"Nhiều huấn luyện viên vai trò chẳng khác nào như một trưởng phòng tuyển sinh. Nhiều trường hợp không biết vô tình hay cố ý lại cho vào nhập học mà không cần xác thực tài năng của một ứng viên" - bà Lopiano nói.

Cũng theo CNN, nhiều ĐH đã sa thải nhiều huấn luyện viên thể thao vì nhận đút lót để giúp đỡ sinh viên vào trường, nhất là sau vụ bê bối mới đây.

Chẳng hạn như trường hợp của Michael Center - cựu huấn luyện viên trường đội tennis trường ĐH Texas. Năm 2015, Center nhận 100.000 USD tiền hối lộ từ đại gia William Rick Singer - người đang sở hữu một công ty tư vấn giáo dục - để chứng nhận một ứng viên có thể vào được ĐH. 

Hồ sơ của thân chủ "chạy" trường ghi: cậu ấy từng là huấn luyện cho đội bóng rổ và bóng bầu dục ở trường phổ thông, nhưng thực chất không phải. Và riêng về tennis, cậu ấy hoàn toàn không có khả năng mà chỉ như dân mới tập chơi.

Sau đó, ứng viên này được trao học bổng vào ĐH trên và được khoác áo đội tuyển trường như một nhân tố sáng giá.

Một trường hợp khác trong đợt khởi tố lần này là việc một ứng viên được trịnh trọng mời nhập học và tham gia đội tuyển nhảy sào của trường, dù theo công tố liên bang, cậu ta chưa từng có bất kỳ thành tích gì về môn này khi còn học ở phổ thông. 

"Chỉ có hồ sơ, những số liệu kèm bức hình nhảy sào của một sinh viên, nhưng thật chất là ảnh của người khác rồi được chỉnh ảnh bằng photoshop để gian lận" - một công tố viên nói.

Hàng hàng lớp lớp kiểm tra

Bê bối tuyển sinh ĐH ở Mỹ: ‘Hóa phép’ thành tài năng thể thao để vào ĐH - Ảnh 3.

Rick Singer là đầu mối trong nhiều vụ hối lộ vào ĐH ở Mỹ, thông qua 2 con đường hoặc "chạy" điểm hoặc "chạy" thành tích thể thao - Ảnh: LA TIMES

Nhiều người bắt đầu lên tiếng về cơ chế ưu tiên xét tuyển dựa vào thành tích thể thao như hiện nay.

"Dễ thấy nhiều huấn luyện viên đang làm những điều họ không được phép làm, hoặc ít nhất họ phớt lờ một cách cố ý những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gian lận. Thật ra, không ai có thể chỉ vì một vị trí trong phòng tập thể thao của một người mà tước đi một suất học đại học của những người khác" - Peter Roby, một cựu HLV điền kinh ở ĐH Northeastern, Massachusetts (Mỹ) - "Xét một góc độ nào đó, cơ chế tuyển sinh này đã thất bại".

Trang Los Angles Times cho biết trong những năm gần đây, hơn 150 trường đã "xóa sổ" những câu lạc bộ bóng bầu dục, trong đó có đến 60 trường thuộc top đầu ở Mỹ như ĐH Boston hay ĐH New York,… mà không hề ảnh hưởng đến danh tiếng hoặc số lượng ứng viên đăng ký vào trường.

Một số trường từ bỏ cuộc chơi vì một số lý do như chi phí duy trì đội bóng cao nhưng lại không nhận được nhiều sự quan tâm. 

Hay năm 2000, Cao đẳng Swarthmore nổi tiếng đã cho giải tán đội bóng bầu dục chỉ vì không muốn tốn các suất học cho những vận động viên thể thao. Cụ thể, do quy mô nhỏ, nếu vẫn duy trì đội bóng thì trung bình trường phải dành 1/10 số suất nhập học chỉ để cung cấp nhân sự cho môn thể thao này.

Bê bối tuyển sinh ĐH ở Mỹ: ‘Hóa phép’ thành tài năng thể thao để vào ĐH - Ảnh 4.

Nhiều đội bóng bầu dục đã bị giải tán những năm gần đây vì nhiều lý do, trong đó có việc đội bóng như thế này đã lấy đi nhiều suất học ĐH của các sinh viên khác - Ảnh: CNN

Gần đây, ĐH Washington cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát chất lượng của những vận động viên sinh viên được tuyển thẳng vào trường. 

Theo đó, một đoàn thẩm định vận động viên gồm những nhà chuyên môn có kinh nghiệm, kết hợp thêm một đơn vị độc lập bên ngoài, sẽ tiến hành sàng lọc những ứng viên mà HLV đưa lên trước khi xem xét đến việc cho phép vào học. 

Trong thời gian xét duyệt, nhiều HLV cũng bị cấm liên hệ trực tiếp với văn phòng tuyển sinh để ngăn chặn những tác động có thể xảy đến.

Philip Ballinger, phó trưởng bộ phận tuyển sinh của ĐH Washington, cho biết ĐH này cũng sẽ bắt buộc sinh viên khi được nhận vào trường phải tham gia vào đội tuyển thể thao đã đăng ký ít nhất 1 năm, tránh trường hợp khi đã được nhận vào trường thì chối thi đấu chỉ trả lại khoản tiền học bổng là xong. Trong 1 năm đó, các vận động viên được giám sát nghiêm ngặt để xem có đúng với chất lượng hay không.

"Những diễn viên tồi rốt cuộc cũng là diễn viên tồi. Dù không thể đảm bảo chắc chắn sẽ tuyển được những vận động viên với chất lượng đúng như trong hồ sơ nhưng tôi nghĩ các nhà tuyển trạch của trường đủ tốt để giảm thiểu tối đa tiêu cực có thể đến" - Ballinger nói.

TTO - Thủ đoạn 'chạy trường' đại học của ông trùm William Rick Singer đơn giản đến bất ngờ nhưng đường dây này chỉ được phát hiện một cách tình cờ.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên