22/07/2015 06:20 GMT+7

Bê bối chấn động của bóng đá Lào

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Hãng tin BBC của Anh vừa phát hiện một nghi án về việc xuất khẩu cầu thủ trẻ trái phép từ châu Phi ra nước ngoài, cụ thể là ở Lào.

Vụ bê bối này được BBC đưa tin vào hôm 21-7. Trước đó, các phóng viên của BBC đã thực hiện một cuộc điều tra dài ngày về tình trạng nhập khẩu cầu thủ trẻ vị thành niên từ châu Phi sang Lào vào tháng 2 mới đây. Trong đó có 23 cầu thủ ở độ tuổi 14 - 15 được chuyển đến học viện trẻ của CLB Champasak United (hiện đang thi đấu ở Giải vô địch Lào) từ Tây Phi - nơi mang tên “Học viện bóng đá Á - Phi Champasak IDSEA”. BBC cáo buộc CLB này đã tìm cách nhập khẩu cầu thủ trẻ bất hợp pháp để bán kiếm lời trong tương lai.

Cầu thủ 14 tuổi người Liberia Kesselly Kamara, một trong nhóm 23 cầu thủ trẻ vị thành niên nói trên, cho biết anh bị ép buộc phải ký hợp đồng sáu năm để chơi cho đội hình chính của CLB Champasak. Trong bản hợp đồng này, các cầu thủ trẻ được cam kết sẽ được trả lương. Nhưng Kamara cho biết anh chưa từng được trả lương và phải ngủ trên sàn nhà bên trong sân vận động của đội bóng. “Thật sự rất tệ vì bạn không thể nào ngủ với 30 người chỉ trong một phòng được” - BBC dẫn lời Kamara sau khi anh trở về Liberia.

Người đã giới thiệu các cầu thủ trẻ từ Liberia đến đây là cựu cầu thủ Alex Karmo, từng khoác áo đội tuyển quốc gia Liberia và CLB Champasak (Karmo cũng từng sang thi đấu ở VN - trang Asia.Eurosport.com cho biết). Theo lời giới thiệu của ông “cò” này, các cầu thủ trẻ Liberia lập tức chấp nhận lời mời gia nhập Champasak với vẻ biết ơn bởi Liberia từ lâu đã thiếu vắng các học viện bóng đá. Nhưng rồi các cầu thủ trẻ nhanh chóng nhận ra những gì mà họ được hứa hẹn chỉ là sự giả tạo.

Nhà báo Wleh Bedell (người Liberia) nói: “Đây là một học viện giả tạo, thứ chưa từng tồn tại, một “học viện” với không HLV, không cả bác sĩ. Karmo là HLV, là người quản lý, là tất cả. Thật vớ vẩn hết sức”. Dưới sức ép từ Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp (FIFPro), 17 cầu thủ thuộc nhóm 23 người ban đầu bị CLB Champasak thải loại sau ba tháng, nhưng vẫn còn sáu cầu thủ trẻ tiếp tục gắn bó tại nơi đây. Phía FIFPro cho biết tất cả các cầu thủ này được đại diện bởi Karmo - người tự nhận là “quản lý các cầu thủ từ châu Phi ở CLB Champasak” và chủ tịch đội bóng là ông Phonesavanh Khieulavong.

Ông Khieulavong trả lời chất vấn của BBC: “Chúng tôi không ký hợp đồng chuyên nghiệp với những cầu thủ này, chỉ là hợp đồng cho họ các khoản tiền thưởng”. Cả Khieulavong lẫn Karmo đều không phủ nhận sự hiện diện của các cầu thủ trẻ vị thành niên trong học viện, dù Karmo khẳng định họ chỉ có một cầu thủ 16 tuổi người Guinea. Karmo còn khẳng định tất cả số cầu thủ này có giấy phép hợp lệ để sinh sống tại Lào nhưng thừa nhận phần đông không có giấy phép lao động.

Theo lời kể, các cầu thủ này đã phải sống nhiều tháng trời trong điều kiện bị mô tả là “lao động nô lệ” - bị bỏ đói, hiếm khi được trả công, không nhận được chăm sóc y tế bất kể bệnh tật, một cầu thủ trẻ cho biết sau khi trở về nước. “Thật khó khăn khi phải sống ở nơi không có cửa sổ, không có ổ khóa, không có gì cả” - Kamara kể. Sinh sống trong điều kiện như vậy nhưng không phải cầu thủ trẻ nào cũng được cha mẹ ủng hộ “đào thoát” khỏi Lào. Mẹ của một cầu thủ 17 tuổi hiện vẫn đang chơi cho Champasak nói: “Tôi không muốn nó trở lại Liberia cho đến khi nó hoàn thành được giấc mơ của mình”.

Vi phạm luật chuyển nhượng FIFA

Ông Stephane Burchkalter, một quan chức của FIFPro, cho biết: “Đây là một trường hợp rất nghiêm trọng. Thật sốc khi biết một CLB của Lào, vốn là một quốc gia có nền bóng đá kém phát triển, lại có thể thu hút cầu thủ từ Liberia mà không bị FIFA chú ý. Đây có lẽ cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng”.

 

Môi trường sinh sống thiếu thốn của các cầu thủ trẻ châu Phi tại CLB Champasak United - Ảnh: BBC

 

Theo luật của FIFA, mọi vụ chuyển nhượng quốc tế cầu thủ dưới 18 tuổi là bị cấm hoàn toàn, chỉ trừ ba trường hợp ngoại lệ sau đây: 1- Gia đình dời nơi ở vì lý do không liên quan bóng đá. 2- Chuyển nhượng chỉ trong phạm vi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoặc Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) nhưng cầu thủ phải trên 16 tuổi. 3- Nơi chuyển đến không xa hơn 50km so với lãnh thổ quốc gia cầu thủ sinh sống trước đó.

Các cầu thủ Liberia nói trên hoàn toàn không thuộc ba trường hợp này và phía FIFPro cho là CLB Champasak đã vi phạm luật FIFA nghiêm trọng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại chiều 21-7, anh Quang Long - hiện làm việc cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Lào - cho biết công bố của Hãng tin BBC sau cuộc điều tra đang gây xôn xao trong làng bóng đá Lào. Anh Long cho biết mình có cuộc trò chuyện với chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Lào (LFF) về vụ việc này, và được cho biết LFF cũng đang tìm hiểu để giải quyết sự việc.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên