Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, cháu C. nhập viện trong tình trạng tổn thương nội sọ, gãy xương cẳng tay, gãy xương đùi, gãy xương cẳng chân, suy gan.
Bé gái 3 tháng bị hành hạ gãy tay chân ở Đà Lạt, khởi tố bị can tội giết người
Đây là vụ bạo hành trẻ em đau lòng mới nhất liên quan các vụ ly hôn, xảy ra liên tiếp thời gian qua.
Các chuyên gia cho rằng ngày nay, trẻ bị cha dượng, mẹ ghẻ, thậm chí là người tình của cha hoặc mẹ bạo hành sau các vụ ly hôn xảy ra khá nhiều. Hậu quả để lại cho trẻ bị bạo hành rất nặng nề, dai dẳng về cả thể chất, tâm lý và hành vi. Vậy các bậc cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con trẻ hậu ly hôn?
Trẻ chịu tổn thương lớn nhất
Bác sĩ Hoàng Thị Dạ Thảo - trưởng khoa nhi của bệnh viện - cho biết: "Cháu C. được chăm sóc cùng những bệnh nhi sinh non trong phòng chăm sóc đặc biệt. Tình trạng sức khỏe của cháu được theo dõi sát từng phút".
Theo bác sĩ Thảo, khi nhập viện bệnh nhi C. sinh hiệu rất kém, bệnh viện phải đặt nội khí quản, cho thở máy liên tục. Đến nay vẫn chưa thể cai thở máy cho cháu bé.
Tứ chi của cháu đều đã bị gãy từ nhiều ngày trước. Dựa vào phim X-quang có thể thấy dấu vết gãy đã hơn 30 ngày. Đến chiều 22-5, chấn thương nội sọ được điều trị đã ổn định, nhưng do bé bị tổn thương không được điều trị trong thời gian dài nên rất khó tiên lượng.
Liên quan vấn đề này, là một người có nhiều năm hỗ trợ trẻ em bị bạo hành, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) đánh giá rằng chuyện trẻ bị cha dượng, mẹ kế, thậm chí là người tình của cha mẹ hành hạ, xâm hại trên thực tế xảy ra rất nhiều.
Căn nguyên của những vụ án này thường xuất phát từ ma túy, do thù tức ghen tuông và lòng ích kỷ của cá nhân mình. Khi thấy người tình đánh, hành hạ, xâm hại con mình nhưng người cha, người mẹ bỏ mặc hoặc không có biện pháp để bảo vệ con. Theo bà Nữ, những hành vi như vậy phải được xem là đồng phạm, tiếp tay cho tội phạm.
Bởi đứa trẻ là người đã phải chịu tổn thương lớn nhất trong cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ. Chúng còn non nớt, dễ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là trẻ còn lệ thuộc vào người đang nuôi dưỡng, không thể tự bảo vệ hay phản kháng.
Và bổn phận của người làm cha, làm mẹ là phải có trách nhiệm nuôi và dưỡng. Chính vì vậy hành vi không làm tròn trách nhiệm nuôi dưỡng, bỏ mặc cho người khác bạo hành, xâm phạm con là hành vi đồng phạm ở hình thức không hành động.
Nhiều người làm cha, mẹ sau khi ly hôn lại vì tình cảm cá nhân hoặc phụ thuộc vào một mối quan hệ nào đó mà bỏ mặc trẻ, thậm chí để con bị hành hạ trong khi trách nhiệm của họ là phải bảo vệ, cho con cuộc sống tốt.
Ngoài ra, thái độ của cha, mẹ đối với chính con ruột của mình ảnh hưởng rất nhiều đến cách đối xử của cha dượng, mẹ kế đối với trẻ. Nếu cha mẹ ruột bảo vệ, chăm sóc con chu đáo thì phần lớn cha dượng, mẹ kế cũng không dám đối xử không tốt với con riêng.
Hậu quả nặng nề, dai dẳng
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công - Trường đại học Nguyễn Huệ (Biên Hòa, Đồng Nai), thực tế chuyện trẻ trong gia đình có cha mẹ ly hôn xảy ra rất nhiều, với những nguyên nhân khác nhau, nhưng có một vấn đề rất nghiêm trọng là hậu quả của bạo hành để lại rất lâu dài.
Thứ nhất, về thể chất, đứa trẻ bị bạo hành có biểu hiện rõ nhất là tình trạng chậm phát triển, thường còi cọc, khả năng vận động kém, thể hiện ngôn ngữ chậm, bị thương tật về cơ thể, thậm chí là tử vong.
Thứ hai, về tâm lý, trẻ thường xuyên bị đánh đập, bạo hành sẽ luôn sống trong trạng thái nghi ngờ, không tin tưởng vào bản thân, người khác và môi trường xung quanh.
Điều này dẫn đến tâm lý chỉ làm những gì nếu thấy sẽ được đền đáp, mất khả năng chia sẻ cảm xúc của mình với người khác, mức độ thấu cảm kém, tâm trạng thất thường hay thảng thốt.
Trẻ thường sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin và dễ thất vọng. Sự rối nhiễu tâm lý và trầm cảm của trẻ em cũng có nguyên nhân từ bạo lực gia đình như buồn rầu, chán nản, và tự đổ lỗi cho bản thân rằng mình không đáng sống.
Một số trẻ thay đổi tâm tính và có thể luôn nghĩ rằng xã hội toàn là bạo lực và xung đột, nhìn nhận bản thân mình và mọi người đều không có gì tốt đẹp. Trẻ em bị bạo lực gia đình bị ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, kỹ năng xử lý, giải quyết vấn đề.
Bạo lực gia đình nghiêm trọng và xảy ra thường xuyên có thể dẫn tới các hiện tượng bất ổn tinh thần sau chấn thương như tê liệt cảm giác, hoặc bị ám ảnh bởi những hành vi bạo lực mà trẻ em là nạn nhân hoặc được chứng kiến.
Thứ ba, về hành vi, trẻ trở thành thụ động, tránh né mọi khả năng phải đối đầu, hoàn toàn phục tùng lời của người khác, lựa chọn thái độ quá cẩn trọng trong mọi việc, luôn tỏ ra cần sự bảo vệ để tránh mọi rắc rối.
Trẻ thường thiếu tính tự nhiên, chủ động, ít giao tiếp với người xung quanh, tỏ ra tùy tiện vô nguyên tắc...
Có trẻ trở nên rất hiếu chiến và bùng phát ra hành vi bên ngoài (hành vi tập tính từ cha mẹ), có xu hướng trở thành kẻ bắt nạt bạn, hung hăng, chơi trội, thủ lĩnh của các nhóm tiêu cực. Thậm chí, có trẻ có các hành vi tự tổn thương, hủy hoại bản thân coi đó là một cách để trẻ thoát khỏi cảm giác tồi tệ về bản thân.
Cũng có trường hợp do bị bạo hành nên tâm lý của các em luôn gắn liền với mối đe dọa, sự sợ hãi, hoặc xen lẫn tâm lý bắt chước các hành vi bạo hành của người lớn để hành xử với người khác.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, không ai có thể ngăn cản việc cha, mẹ sau khi ly hôn có quan hệ tình cảm với một người khác.
Tuy nhiên, trước khi bước vào mối quan hệ mới, họ nên suy nghĩ, tìm hiểu thật kỹ xem người này có yêu thương, đối xử tốt với con mình hay không. Hoặc chọn cách tránh va chạm giữa con riêng và người mới như sống khác nhà, gửi con cho ông bà khi cả hai cần không gian riêng tư...
Thậm chí nếu cảm thấy bản thân không thể nuôi con thì có thể gửi con cho chồng cũ hoặc vợ cũ nuôi để tránh những hậu quả đáng tiếc như những vụ việc xảy ra gần đây.
Con bị hành hạ trước mặt mẹ
Tối 21-5, sau 24 giờ điều tra Công an Đà Lạt đã bắt Trần Hoài Thương (33 tuổi, phường 2, Đà Lạt). Thương khai nhận có quan hệ tình cảm với Nguyễn Phúc Hồng Ân (22 tuổi, mẹ cháu bé) và thường xuyên đến ở cùng phòng trọ.
Thấy cháu C. thường quấy khóc nên Thương bực tức, nhiều lần dùng tay đánh, tát mạnh vào mặt, dán băng keo quanh miệng để cháu C. không khóc.
Đến 17h ngày 20-5, cho cháu C. uống sữa nhưng cháu không uống nên Thương đã tát vào đầu, mặt làm cháu bị khó thở ọc sữa ra ngoài.
Thương lắc cháu C. thật mạnh, sau đó mới đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu. Thương cũng khai rằng khi đánh cháu C. thì Ân cũng chứng kiến.
Cháu C. là con của Ân và N.Đ.T.N. (trú tại phường 7, Đà Lạt). Ân dù chưa ly hôn với N. nhưng đã sống riêng từ tháng 2-2023.
Đại tá Trần Vĩnh Phú, trưởng Công an Đà Lạt, nhận định Nguyễn Phúc Hồng Ân không vô can trong vụ việc nghiêm trọng này. Tuy nhiên, vì bé còn nhỏ, đang cấp cứu và có thể cần mẹ nên cơ quan điều tra cho tại ngoại.
Từ khi nhập viện cho đến chiều 22-5, ngoài các ban ngành, đoàn thể đến thăm và gửi tiền để các bác sĩ tự lo chi phí thuốc thang cho cháu C., bệnh viện chưa thấy thân nhân đến thăm hoặc chăm sóc cháu. Cháu C. được các nhân viên y tế chăm sóc từ khi nhập viện đến nay.
Ông TRƯƠNG MINH HUY (chuyên gia tâm lý):
Kêu gọi tình thương chưa đủ
Bất cứ cặp vợ chồng nào khi chuẩn bị ly hôn và khi ký vào tờ giấy chia tay cũng đều nghĩ về những đứa con. Nhưng hậu ly hôn, những chuyện xảy ra không như kế hoạch.
Mọi việc bắt đầu từ việc thăm con cuối tuần, tiền nong chu cấp cho con, việc chăm sóc con... Khi những mâu thuẫn của vợ chồng không giải quyết được thì những mâu thuẫn hậu ly hôn rất khó giải quyết, và những mâu thuẫn đó ảnh hưởng đến những đứa con là điều tất yếu. Tối thiểu nhất là những đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý và tinh thần khi chứng kiến những mâu thuẫn đó.
Đa số các vụ thượng cẳng chân hạ cẳng tay là xảy ra với con trẻ khi sống trong "gia đình mới", tức với cha/mẹ và cha dượng/mẹ kế. Những đứa con không do họ sinh ra có thể trở thành cái gai, hoặc ít nhất là nơi để họ đổ lên những mâu thuẫn trong cuộc hôn nhân mới.
Rất cần phải bảo vệ những đứa trẻ hậu ly hôn. Ngoài trách nhiệm của cha mẹ, cần có những quy định để ngăn ngừa những hành vi độc ác có thể xảy ra.
Theo tôi biết ở nước ngoài, trong những cuộc thăm viếng con hậu ly hôn hay trong những cuộc hôn nhân mới, bắt buộc phải có người giám hộ hay cha mẹ phải báo cáo định kỳ tình trạng của con trẻ ra sao, đó là chưa kể việc viếng thăm bất ngờ của cơ quan hữu trách để kiểm tra xem việc báo cáo đó đúng hay không. Và việc giám hộ này cũng như việc báo cáo phải được làm nghiêm túc.
Chúng ta kêu gọi tình thương với con trẻ, nhưng tình thương chưa đủ, phải có những ràng buộc về pháp lý để ngăn ngừa những hành vi độc ác có thể xảy ra.
Và hẳn nhiên với hành vi bạo hành trẻ em, đó là tội ác phải xử với hình phạt nặng để có thể răn đe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận