Phóng to |
Nữ hoàng Anh Elizabeth (thứ hai từ phải qua) trong lần thăm trụ sở mới của BBC tại London hôm 7-6 - Ảnh: Reuters |
Có lẽ đến lúc đài BBC của Liên hiệp Anh phải cải tổ sâu rộng như các lãnh đạo đài này nói nhiều lần trong vài tháng qua. Từ đưa tin tức sai lạc, bê bối tình dục của các ngôi sao dẫn chương trình cho đến chi xài thả cửa tiền thuế của dân..., có lẽ BBC không thiếu gì cả.
Xài tiền như nước
Nói với báo giới Anh ngày 15-6, Lord Patten - chủ tịch BBC Trust, quỹ điều hành BBC - đã tỏ ra đầy giận dữ khi tố cáo ban lãnh đạo BBC sử dụng tiền phí truyền hình thu được “thoải mái như thể họ có máy in tiền”. Ông Patten dường như buộc phải công khai chỉ trích bộ máy lãnh đạo phía dưới sau khi BBC bị phát hiện đã trả “lương khủng” và chi tiền trợ cấp nghỉ việc lên đến sáu con số cho nhiều lãnh đạo cấp cao.
Theo báo Telegraph, cựu giám đốc George Entwistle, người đã phải rời BBC vào tháng 11-2012 sau vụ bê bối tình dục của cựu phát thanh viên Jimmy Savile, đã nhận được 450.000 bảng (14,8 tỉ đồng Việt Nam) tiền trợ cấp, nhiều gấp đôi con số thông thường được nhận. Chưa hết, cựu giám đốc điều hành Caroline Thompson cũng nhận được số tiền khổng lồ 670.000 bảng. Báo Daily Mail cũng cho biết giám đốc điều hành của BBC là ông Tony Hall đã đồng ý đặt giá trần cho tiền trợ cấp thôi việc là 150.000 bảng, mức mà ông Patten cho là hợp lý.
Báo Daily Mail dẫn lời ông Patten: “Phát hiện này đã làm giảm hơn nữa lòng tin của người dân Anh với BBC, vốn đã chao đảo sau nhiều vụ bê bối chi tiêu”. Vị chủ tịch BBC Trust ý muốn nhắc lại một kế hoạch tốn kém khác của BBC khi di dời nhân viên của hai kênh thể thao và trẻ em đến trụ sở mới ở Salford vào năm ngoái. “[Sau bê bối này] BBC sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách nữa vì tôn chỉ hoạt động của chúng ta là dựa vào lòng tin của dân chúng” - ông Patten kết luận.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, trong tài khóa 2011-2012, chi tiêu của BBC lên đến 4,8 tỉ bảng, trong đó riêng cho phần truyền hình là 2,3 tỉ bảng. Phần thu từ phí xem truyền hình trong dân chúng đem lại cho đài này 3,6 tỉ bảng; trợ cấp từ nhà nước, tiền thu quảng cáo và bán các sản phẩm có gắn tên BBC đem lại thêm 1,48 tỉ bảng.
Tờ Telegraph dẫn lời ông Patten phát biểu tại Westminster cho rằng không nên cắt giảm thêm tiền phí truyền hình trong thời gian tới, vốn vẫn giữ nguyên ở mức 145,5 bảng từ năm 2007. “Ban lãnh đạo BBC cần biết rằng không thể xem tiền thu được từ phí truyền hình là sẵn có từ máy ATM để họ có thể làm những gì mình muốn” - ông Patten cảnh báo.
Ban lãnh đạo không biết làm gì
Cuộc khủng hoảng của BBC lộ rõ là một cuộc khủng hoảng thượng tầng. Cách đây không lâu trên chương trình Radio 4, nhà báo kỳ cựu David Dimbleby, người dẫn chương trình BBC One’s Question Time, cũng nhận định: “Ban lãnh đạo của BBC có vẻ không biết phải làm gì. Quá nhiều lãnh đạo và lãnh đạo nói toàn điều vớ vẩn, còn các trưởng ban tin tức thì suốt ngày điền các mẫu đơn và trả lời những câu hỏi không cần thiết”.
Các chuyên gia bên ngoài cũng không thiếu những lời bình luận mổ xẻ chính xác cho căn bệnh của BBC. Trả lời kênh truyền hình Ả Rập Al-Jazeera, ông Sam Bowman - giám đốc chính sách của Viện nghiên cứu thị trường Adam Smith - bình luận: “Nếu một công ty bình thường gặp chuyện tương tự thì đã đóng cửa từ lâu rồi, chẳng hạn như đài truyền hình tư nhân Sky mà để xảy ra chuyện như vậy thì khán giả sẽ ầm ầm cắt hợp đồng thuê bao”. Còn chuyên gia Charlie Beckett từ tổ chức Polis chuyên nghiên cứu và truyền thông của Học viện Kinh tế chính trị London (LSE) nhận định: “Các lãnh đạo cao cấp của BBC dần tạo ra không khí lãnh đạm và mất kiểm soát chính mình”.
Tình cảnh của BBC hồi cuối năm ngoái từng được mô tả “như một hãng hàng không bị rơi liên tục ba chiếc máy bay trong vòng một tuần”. Dư âm chuyện ngôi sao truyền hình được yêu thích ở Anh là diễn viên Jimmy Savile - lừng danh qua các chương trình phát trên BBC - bị cáo buộc các tội lợi dụng, cưỡng bức và bạo hành nhiều người, trong đó có cả trẻ vị thành niên, chưa dứt thì đến vụ bê bối đăng tải tin tức sai lệch trên chương trình Newsnight cáo buộc sai một chính trị gia phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em (được cho là chính trị gia bảo thủ Alistair McAlpine).
Tổng giám đốc BBC George Entwistle vì thế phải từ chức đột ngột trong đêm 10-11-2012 để nhận trách nhiệm. Ông Entwistle, 50 tuổi, mới chỉ nắm ghế tổng giám đốc hồi tháng 9-2012, có 54 ngày tại vị. Sự ra đi khiến ông trở thành người nắm chiếc ghế tổng giám đốc ngắn nhất lịch sử BBC.
BBC nay đã có tổng giám đốc mới từ tháng 3-2013 nhưng các vấn đề của nó vẫn chưa thôi đeo bám đài truyền hình, truyền thanh lâu đời này. Ông Patten nêu rõ: “Nếu các bạn đặt ra câu hỏi rằng BBC có cần tiến hành một cuộc cải tổ cơ cấu toàn diện và sâu sắc không thì câu trả lời chắc chắn là có, và đó là điều quan trọng mà chúng tôi sẽ phải làm. Cơ sở cho vị trí của BBC tại Anh là niềm tin của mọi người dành cho tập đoàn. Nếu BBC đánh mất điều đó thì coi như mọi chuyện chấm dứt”.
BBC giờ đây đang phải theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng với yêu cầu cắt giảm chi phí 3% mỗi năm và lại “phải sản xuất nhiều chương trình tốt, cho người xem thấy rằng chúng ta đang sử dụng tiền phí của họ hợp lý”, tờ Daily Mail dẫn lời ông Patten.
Có vẻ đó vẫn là một thách thức quá lớn.
Di dời tốn kém Việc di chuyển nhân viên của hai kênh BBC Sport, BBC Breakfast và các chương trình thiếu nhi từ London đến trụ sở mới ở Salford của BBC vào tháng 4-2012 cũng bị chỉ trích vì chi phí tốn kém, theo báo cáo của Cơ quan Kiểm toán quốc gia Anh (NAO) công bố tháng 4-2013. Báo cáo của NAO cho rằng BBC đã “chi phóng tay” cho việc di dời này, với 894 nhân viên được nhận 23.000 bảng mỗi người để chuyển từ London sang Salford, một thành phố ở phía bắc, gần Manchester. Tổng cộng 175 nhân viên thậm chí được trợ cấp ưu ái hơn khi tiền thuê nhà và chi phí đi lại tại Salford được BBC chi trả, trong khi không phải bán nhà họ ở London. Mỗi nhân viên nhận được từ 1.900 bảng mỗi tháng mà không cần chứng minh bằng hóa đơn tiền điện nước hay vé tàu xe. Một số người được nhận đến 3.000 bảng chỉ để “mua thêm màn cửa và thảm lót sàn”, báo cáo của NAO viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận