20/04/2018 18:56 GMT+7

BBC 'đính chính' không đăng video chiến tranh hạt nhân ở Baltic

THẢO NGUYÊN
THẢO NGUYÊN

TTO - Trong tuần qua, đoạn clip có đầy đủ logo của Đài BBC chiếu cảnh chiến tranh hạt nhân tại khu vực Baltic cũng như cảnh Hoàng gia Anh đang sơ tán được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.

Đoạn video clip được cho là của Đài BBC đưa tin về chiến tranh ở Baltic

Đoạn clip dài 3 phút, dường như được dựng trong phòng kỹ thuật của Đài BBC, có logo của đài này. Người dẫn chương trình nói giọng Anh, tuyên bố rằng chiến tranh đã nổ ra ở khu vực Baltic sau khi một máy bay Nga bị bắn rơi. 

Clip còn chiếu cảnh tàu Nga bắn tên lửa cũng như hình ảnh cột khói hình nấm của một quả bom nguyên tử và cảnh Hoàng gia Anh được sơ tán khỏi Điện Buckingham.

Đoạn clip này được đăng lên YouTube và chia sẻ nhiều nhất ở mạng xã hội WhatsApp.

Theo báo Telegraph, một tài khoản Facebook từ Nigeria chia sẻ đoạn clip với dòng viết: "Hãy tìm chỗ ẩn nấp an toàn, Thế chiến thứ 3 sắp xảy ra".

Một tài khoản khác từ New York viết "Nếu thật sự có điều này, chúng ta đang đối mặt cuộc chiến toàn cầu với Nga" và vài giờ sau thêm vào thông tin "Không có đài truyền hình quốc tế nào nói về sự kiện này. Vì vậy, tôi đồ rằng đây là tin giả".

BBC đính chính không đăng video chiến tranh hạt nhân ở Baltic - Ảnh 2.

Hình ảnh gia đình hoàng gia Anh được sơ tán khỏi Điện Buckingham trong clip - Ảnh chụp màn hình

Tờ Telegraph cho biết trong ngày 20-4, Đài BBC phải lên tiếng khẳng định rằng đây không phải là video clip của họ thực hiện và cũng không có cuộc chiến tranh hạt nhân nào đang diễn ra. BBC cho biết phải chính thức lên tiếng vì nhiều bạn đọc đã gọi điện hỏi "thật hư sự việc".

Thật ra đây là đoạn cắt ghép của một video dài gần 1 tiếng đã từng được đăng lên YouTube từ năm 2016 với chú thích "thảm họa hư cấu". 

Tổ chức thực hiện video này lên tiếng: "Đoạn video được cho rằng của Đài BBC thực hiện về NATO và Nga đã được chia sẻ rộng rãi. Chúng tôi muốn nói rõ ràng rằng đoạn clip là hư cấu và không phải do BBC thực hiện".

Mục đích ban đầu của Benchmarking Assessment Group - một công ty săn đầu người, khi thực hiện đoạn clip này là "thử nghiệm thần kinh" để coi "phản ứng của khách hàng trong bối cảnh thảm họa xảy ra".

Hãng này cũng cho biết thời điểm thực hiện clip vào tháng 9-2016 khi chưa tràn lan nạn tin giả nên hoàn toàn chưa lường trước được tình cảnh như hiện nay.

Clip

TTO - Hiện đang lan truyền một clip 'cựu tổng thống Barack Obama' nhận xét về bộ phim đình đám Black Panther và nói xấu đương kim tổng thống Donald Trump. Thực hư clip này ra sao?

THẢO NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên