06/07/2022 10:09 GMT+7

Bẫy 'việc nhẹ lương cao': Làm sao để tránh?

HOÀI ÂN
HOÀI ÂN

TTO - Khác với những chiêu trò yêu cầu người tìm việc phải ứng "lệ phí" (đã lỗi thời) như trước đây, "đơn vị" tuyển chọn còn chủ động gửi tặng lộ phí, trang phục nhằm tạo lòng tin. Và, nhiều người đã dính "bẫy"! Làm sao để tránh?

Bẫy việc nhẹ lương cao: Làm sao để tránh? - Ảnh 1.

Nhiều đường dây với những thủ đoạn tinh vi "gắn mác" tuyển dụng lao động, kèm lời chào mời hấp dẫn đã dần lộ diện. Nhưng danh sách người bị hại có thể chưa dừng lại.

Đánh đúng tâm lý của nhiều người muốn tìm việc làm ổn định, thu nhập tương đối, rất nhiều trang web "việc cần người" xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội. Thông tin phong phú, ngành nghề đa dạng, hầu như ai cũng dễ dàng tìm thấy công việc phù hợp với mình. 

Vướng vào dễ, thoát ra cực kỳ khó. Rất nhiều kiểu bẫy "việc nhẹ lương cao" giăng khắp nơi, thậm chí đưa người tìm việc ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, khiến nhiều nạn nhân rơi vào địa ngục trần gian.

Hoài Ân


Cũng không ai mạo hiểm chấp nhận sang bên kia biên giới làm việc. Chẳng qua họ tin vào "màn kịch" khá hoàn hảo do kẻ gian dựng nên. Lúc nhận ra được bản chất đã quá muộn, việc bỏ trốn là điều rất khó. 

Phần lớn nạn nhân ở độ tuổi thanh thiếu niên, sống tại các miền quê, nơi người nhiều việc ít bị lôi theo những thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng với những lời đường mật trong khi các em chưa thể phân biệt thật - giả. Đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến lựa chọn sai lầm.

Bẫy lừa đảo ngụy trang dưới lớp vỏ chiêu mộ nhân công, ít nhiều cho thấy dấu hiệu của nạn buôn bán người. Bảo vệ người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên không thể thiếu sự quan tâm tư vấn của người lớn, cộng đồng. 

Cần nhiều hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giúp nhận biết, loại bỏ thông tin thiếu cơ sở, cung cấp phương pháp thẩm định nguồn tin và địa chỉ trợ giúp khi cần. Cái thiếu lớn nhất chính là thiếu động tác xác minh. Thực tế, đã nhiều người cảnh giác, thoát hiểm "phút 89" cũng nhờ cập nhật tin tức thường xuyên.

Trường hợp trót rơi vào bẫy lừa đảo cần âm thầm thu thập chính xác vị trí hiện tại, kiên nhẫn chờ cơ hội gọi điện báo người thân. Rất nên thuộc lòng số điện thoại đường dây nóng của lực lượng chức năng, bởi lẽ trong hoàn cảnh ấy, không ai có thể cất giữ giấy tờ, vật dụng cá nhân được nữa. 

Với người thân của các nạn nhân, khi đối tượng yêu cầu đóng tiền chuộc, cần chủ động hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuyệt đối tránh im lặng đáp ứng đòi hỏi sai trái trên, vì sẽ vô tình thỏa hiệp, khiến tội phạm ngày càng lấn tới.

Giáo dục nâng cao nhận thức cho quần chúng có tác dụng phòng ngừa hậu quả. Sẽ không thể có công việc nhàn rỗi, ít đòi hỏi trình độ nhưng "lương cao". Bất cứ ai cũng phải trả cái giá rất đắt nếu "nhẹ dạ cả tin".

Ngoài việc giáo dục nâng cao nhận thức để tránh những hậu quả đáng tiếc, theo bạn, còn cách nào để ngăn chặn trong trứng nước những hành vi lừa đảo của các đường dây tuyển dụng?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected][email protected]. Cảm ơn bạn!

Lời kể của nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia: Bị còng tay, chân và chích điện Lời kể của nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia: Bị còng tay, chân và chích điện

TTO - Dù đã được giải cứu về Việt Nam hơn 4 ngày qua nhưng C. vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại những ngày kinh hoàng trên đất Campuchia.

HOÀI ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên