30/08/2023 12:05 GMT+7

Bẫy tuyển dụng online lừa đảo người tìm việc - Kỳ 2: Chiêu trò lừa đảo trên Telegram

Một công thức chung được các nạn nhân rút ra: không gọi video + tuyển dụng qua Zalo + tải app Telegram + bắt nộp tiền trước + mua hàng làm nhiệm vụ = lừa đảo. Nếu gặp như thế, nên ngừng giao dịch, cắt liên lạc để tránh bị lừa tiền.

Nạn nhân N.T.T. bị nhóm lừa đảo dọa tung hình ảnh  lên mạng - Ảnh: TÂM LÊ

Nạn nhân N.T.T. bị nhóm lừa đảo dọa tung hình ảnh lên mạng - Ảnh: TÂM LÊ

Dẫn dụ người lao động nạp tiền

Những nạn nhân của lừa đảo tuyển dụng việc làm chúng tôi gặp, hầu hết đều bị yêu cầu tải app Telegram. Trong app, nhóm nhân viên "rởm" sẽ thay nhau dẫn dắt người lao động nạp tiền để làm "các bước nhiệm vụ" mà thực tế là nạp tiền vào nhưng không thể lấy lại được.

Khi bị dẫn dụ vào nhóm Telegram, ứng viên bị yêu cầu thực hiện các bước nhiệm vụ 1, 2, 3 để hoàn thành khảo sát, với lời răn đe: "Làm nhiệm vụ là trách nhiệm của mỗi ứng viên, để đánh giá thái độ, sự nhiệt tình giúp công ty tạo ra giá trị".

Chúng hứa hẹn số tiền đóng sẽ được hoàn lại bằng mức hoa hồng hấp dẫn: "Mức đóng tiền lớn, số tiền hoàn lại càng cao". Khi hoàn thành nhiệm vụ 1, chúng tiếp tục yêu cầu làm nhiệm vụ 2 với số tiền lớn hơn nhiều. Ứng viên nghi ngờ, muốn rút lại tiền thì bị yêu cầu phải hoàn thành ba nhiệm vụ mới được rút.

Có ứng viên nạp xong lần ba với số tiền rất lớn cũng không thể lấy lại được tiền, lúc này chúng lại báo: "Vì bạn đã nạp sai lệnh, nên mất tiền và muốn lấy lại phải nạp thêm, nếu không sẽ mời ra khỏi nhóm". Nhiều ứng viên biết bị lừa, tâm lý muốn lấy lại tiền, nhưng càng nạp thì càng mất.

Theo nhận xét của các nạn nhân: "Tất cả thành viên trong app đều là người của chúng, chúng cài vào để mồi chài, bẫy người tham gia. Các lệnh trong lúc làm nhiệm vụ cũng là do chúng tạo ra và điều khiển, dù có làm đúng cũng báo sai".

Nạn nhân N.T.T., ở quận Tây Hồ, Hà Nội, khẳng định: "Đây là một kiểu lừa đảo chuyên nghiệp, có tổ chức và đánh vào tâm lý người tham gia". 

Ngoài trưởng nhóm, phó nhóm, kế toán, còn có nhân sự tự giới thiệu là người của công ty. Trong nhóm chát Telegram còn có các nick giả vờ làm thành viên đã lọt qua vòng khảo sát, thi thoảng nhắn tin cảm ơn đội ngũ hướng dẫn hoặc trấn an, động viên thành viên mới hoàn thành nhiệm vụ nạp tiền.

"Tớ đã nhận lại tiền, vừa nhận tháng lương đầu tiên, lương khá lắm", T. đọc tin một nick giả mạo nhắn tin trong nhóm khoe và chụp ảnh sao kê lương để chứng minh. 

Một nick khác nhắn riêng cho T. rằng: "Cứ yên tâm đi, chị nhà bác tớ đang làm cho công ty này. Chị ấy bảo cứ làm theo các anh ấy, không lo gì đâu. Có vấn đề gì chị ấy chịu trách nhiệm".

Nạn nhân N.T.H. cho biết các nick trong nhóm cũng chỉ là nick ảo. Chúng giả mạo họ tên, ảnh đại diện. 

"Hôm nay hình đại diện khác nhưng tên nick giống nhau, hôm sau nữa lại họ tên khác nhưng ảnh đại diện lại giống. Họ gọi điện nghe giọng thôi, không cho gọi video call, cũng không cho gọi lại. Các đoạn tin nhắn chát cũng là copy, nội dung giống nhau từng dấu phẩy", H. kể. 

Khi chát trực tiếp trong nhóm và đối chiếu tin nhắn của các nạn nhân trong nhóm "Chống lừa đảo online", cô mới nhận ra nhiều sự bất thường.

Lừa đảo tuyển CTV thu âm với thù lao lên đến 500.000 đồng mỗi trang đọc

Lừa đảo tuyển CTV thu âm với thù lao lên đến 500.000 đồng mỗi trang đọc

Tuyển giọng đọc ảo, lừa tiền thật

Gần đây, tuyển CTV thu âm giọng nói xuất hiện liên tục trên trang mạng xã hội Facebook, kênh YouTube, review phim. Lướt đâu cũng "đụng" tuyển giọng đọc, từ bản tin tới clip mời chào.

"Giọng nói hay là tiền về tay, thu nhập từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng một trang đọc thu âm, lồng tiếng. Ai quan tâm, inbox để được tư vấn nhanh chóng" - một trong số hàng trăm tin được rao trên trang chủ Facebook cá nhân.

Chúng tôi thử bấm vào đăng ký tuyển dụng, ngay lập tức có tin nhắn gửi vào hộp thoại. Nội dung gồm sáu yêu cầu cơ bản cho CTV thu âm, đọc văn bản, tiểu thuyết online tại nhà. Nếu đồng ý thì cung cấp thông tin cá nhân và nguyện vọng khi đến với công việc.

Sau khi đồng ý, tin nhắn gửi số Zalo, nhân viên tư vấn Mai Đào, mã ứng viên và yêu cầu chúng tôi kết bạn để được tư vấn chi tiết. Trong Zalo, Mai Đào gửi một đoạn văn bản, yêu cầu đọc ghi âm rồi gửi file để kiểm tra giọng. 

Kết luận giọng đọc đạt, Mai Đào yêu cầu cung cấp một loạt thông tin cá nhân: Họ tên, năm sinh, số điện thoại, nghề nghiệp, địa chỉ, tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng, chủ tài khoản và mã ứng viên, đồng thời thuyết phục "cung cấp thông tin để làm hồ sơ tuyển dụng và thanh toán lương mỗi ngày nếu sản phẩm được đăng tải".

Hỏi sản phẩm thu âm sẽ được đăng tải ở đâu, trên web hay mạng xã hội nào? Người này trả lời: "Sản phẩm sẽ được công ty giữ bí mật, sau khi duyệt mới đăng tải trên web công ty". 

Hỏi đường link web của công ty là gì, cô ta im lặng, vài ngày sau thì khóa tài khoản. Hộp thoại Facebook cũng được đổi tên thành "Tuyển giọng hát nhí" thay tên "Tuyển giọng đọc" trước đây.

Ngày 25-4-2023, nạn nhân Minh Tâm đăng cảnh báo lên trang "Chống lừa đảo online" cho biết đã bị lừa 50 triệu đồng khi đăng ký tuyển CTV thu âm, lồng tiếng tại nhà. Các bước mời chào, dẫn dụ nạn nhân y hệt như đã chúng tôi đã gặp, tin nhắn được copy không sai một chữ.

Từ mã số ứng viên, đoạn văn bản thử giọng, cung cấp thông tin cá nhân, tham gia nhóm Telegram đóng tiền mua đơn hàng, Tâm cũng rơi vào tình trạng bị thao túng tâm lý, đóng tiền nhưng không thể nào lấy lại.

Trước đó, nạn nhân N.T.N., ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã gửi đơn tố giác tội phạm đến các cơ quan chức năng báo mất 102 triệu đồng vì ứng tuyển làm thêm thu âm, lồng tiếng online.

Sau các bước bị dẫn dụ nạp tiền mua đơn hàng, nạp để lấy lại tiền, nạp để khắc phục sai sót mà không phải lỗi do mình, chị N. đã mất số tiền lớn mà chị phải vay bạn bè mới có được.

Tự dưng thêm nợ

Kẻ lừa đảo “cho vay tiền” sau khi chửi bậy đã thoát nick, đóng giao dịch - Ảnh TÂM LÊ

Kẻ lừa đảo “cho vay tiền” sau khi chửi bậy đã thoát nick, đóng giao dịch - Ảnh TÂM LÊ

Sau hai tháng bị lừa mất số tiền gần 100 triệu đồng, ngày 31-5-2023, N.T.T., ở quận Tây Hồ, Hà Nội, bỗng bị gọi điện đòi nợ 15 triệu đồng đã vay trong lúc làm nhiệm vụ. Chúng đe dọa, nếu cô không trả sẽ bị bóc phốt lên các trang mạng xã hội.

Vì quá lo lắng, cô nghĩ phải tìm cách vay tiền nạp tiếp để khỏi bị nhóm lừa đảo khủng bố tinh thần. Biết được tin, chúng tôi vội ngăn T. nạp tiền, để hỏi rõ khoản vay. 

Cô cho biết: "Ngày bị lừa nạp tiền làm nhiệm vụ, do không đủ tiền nạp nên một thành viên trong nhóm Telegram nhắn tin riêng cho tôi vay 15 triệu đồng. Vì tiền nạp vào không rút ra được, mất hết nên không còn tiền trả. Chúng nghĩ bây giờ tôi có tiền rồi nên lại gọi điện đòi tiếp".

Trường hợp của T. giống thông tin các nạn nhân đăng trên trang "Cảnh báo lừa đảo trên mạng". Chiêu trò cho nạn nhân vay để dẫn dụ nạp thêm tiền, ràng buộc khoản vay khiến nạn nhân nghĩ bị mắc nợ thật.

"Người cho vay thực ra là người của nhóm lừa đảo cài cắm trong Telegram, ai làm nhiệm vụ mà thiếu tiền chúng liền nhắn tin cho vay. Khi đồng ý vay, tiền không về tài khoản của mình mà chúng nạp luôn vào nhiệm vụ, chỉ gửi bưu chuyển khoản bắt mình phải trả lại sau đó", một nạn nhân đăng cảnh báo.

Tâm lý muốn nạp thêm để lấy lại tiền, nạn nhân càng tìm cách để vay nạp. Vay bạn bè, người thân, vay nặng lãi, và giờ có khoản vay sẵn ai lại từ chối? Đồng ý nạp, nạn nhân tiếp tục rơi vào bẫy mà không hay biết.

Chúng tôi khuyên T. nên nhắn tin với kẻ đòi nợ: "Tôi nghi ngờ anh chị cũng là thành viên của nhóm lừa đảo, cùng hội cùng thuyền, yêu cầu cùng ra công an giải quyết". Cô vừa gửi tin thì nhận được phản hồi, kẻ đòi nợ chửi tục rồi tự thoát nick, chặn cuộc gọi.

Một tháng trôi qua, T. không còn bị nhắn tin, gọi điện đòi nợ lần nào. Trường hợp của T. cũng giống như trường hợp nạn nhân T.H. ở Đắk Lắk. Nghe chúng tôi hướng dẫn, chị đã thoát khỏi khoản nợ 60 triệu đồng của nhóm lừa đảo cho vay vào chiều 2-8-2023.

Tại sao nhóm lừa đảo lại chọn Telegram?

Mới đây, Telegram vừa bị tạp chí bảo mật CPO magazine đánh giá là "một Dark Web kiểu mới" và là "một hệ sinh thái tội phạm mạng trên ứng dụng nhắn tin".

Vì các tính năng như độ tiếp cận rộng rãi người dùng phổ thông, sự ẩn danh và cơ chế phân tán dữ liệu, mã hóa đầu cuối khiến Telegram trở thành môi trường hoạt động yêu thích của tội phạm mạng.

*************

Biết nạn nhân muốn lấy lại tiền, kẻ lừa đảo lại giả danh Cục An ninh mạng, kỹ sư công nghệ cao để tiếp tục lừa đảo nạn nhân.

>> Kỳ tới: Bẫy lừa nạn nhân đã bị lừa đảo

Tuyển dụng online lừa đảo người tìm việc - Kỳ 1: Mất hơn trăm triệu vẫn không có việcTuyển dụng online lừa đảo người tìm việc - Kỳ 1: Mất hơn trăm triệu vẫn không có việc

Kinh tế suy thoái, nhiều người cần việc làm. Và hàng ngàn trang tuyển dụng làm việc full-time, part-time, làm tại nhà, làm ngay... trên mạng xã hội rầm rộ đăng tin tuyển dụng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên