Nhiều chuyến khởi hành "bay đúng giờ, bay an toàn" đã chở hàng chục ngàn lượt khách về quê đón Tết.
Khởi đầu đi lại dịp cao điểm Tết từ ngày 1 đến 3-2, cả hành khách và doanh nghiệp hàng không chứng kiến cảnh "vỡ trận" bị chậm chuyến (delay) do thời tiết.
Có chuyến bay delay từ sáng tới đêm, hàng ngàn người vạ vật ở sảnh chờ ra máy bay.
Từ Tân Sơn Nhất bay đi các tỉnh thành phía Bắc và địa phương khác đã dần ổn định
Theo Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, ba ngày đầu cao điểm Tết (1 đến 3-2), sân bay khai thác hơn 1.100 chuyến bay nhưng có đến 659 chuyến (hơn 50%) bị chậm giờ và 40 chuyến bị hủy mà nguyên nhân phần lớn do thời tiết xấu ảnh hưởng dây chuyền.
Bay đã ổn...
Đến chiều tối 3 và sáng 4-2, các hãng bay cho biết tình hình "bay ổn rồi". Bay ổn rồi, theo các hãng, là đã giải tỏa 100% khách với chuyến bay bị delay. Nhưng các chuyến bay khởi hành trong những ngày kế tiếp vẫn phải ngóng thời tiết để chủ động lịch khai thác.
Tại Tân Sơn Nhất ngày 4-2 có 893 chuyến bay với lượng khách 128.000 người, trong đó phần lớn là khách từ TP.HCM đi các tỉnh (60.571 lượt khách, tương ứng 303 chuyến bay).
Theo ghi nhận, xen lẫn chuyến delay đã có nhiều chuyến bay khởi hành đúng giờ, tỉ lệ delay giảm mạnh so với hai ngày trước. Từ khâu check-in, xếp hàng chờ an ninh thông thoáng, riêng khu vực chờ ra cửa máy bay vẫn còn khá đông khách.
Chị Liên, đội trưởng phục vụ hành khách của công ty dịch vụ mặt đất ở Tân Sơn Nhất, nhìn nhận thời tiết sương mù ở phía Bắc đã ảnh hưởng khá nặng nề dây chuyền các chuyến bay nhưng đây là tình thế bắt buộc, việc lùi chuyến là vì lý do an toàn cho hành khách.
Dù vậy, thời gian delay kéo dài đã gây không ít phiền toái cho khách hàng. Anh Tiến, hành khách đi Hải Phòng, chịu cảnh delay chuyến bay hơn 12 tiếng của một hãng bay.
Hãng đưa ra phương án đền bù thiệt hại, nhưng anh vẫn thấy băn khoăn: "Tại sao cùng giờ bay, có hãng bay được nhưng hãng lại delay buổi sáng tới tối khuya. Đùm đèo con nhỏ, không có phương án mới thay thế, khách khổ sở ở sân bay lắm".
Cũng than phiền khi bị delay nhưng chị Thu Hà (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng lý do thời tiết phải chấp nhận vì không ai có thể can thiệp được.
"Hồi mình bay từ Hà Nội vào TP.HCM, mưa tầm tã không hạ cánh được, máy bay bay vòng vèo trên trời mấy tiếng rồi hạ cánh ở sân bay khác" - chị Hà nhớ lại.
Theo chị, khi delay bực dọc cũng không giải quyết được gì mà còn gây thêm lộn xộn ở sân bay. Cách xả bớt bực dọc là ăn uống, mua sắm ở sân bay để chờ giờ khởi hành mới.
Nhiều khách cho rằng nhìn sang đường bộ kẹt xe vì lượng khách tăng bất thường, hàng không cũng không tránh khỏi.
Các hãng tăng nhiều chuyến bay dịp Tết, một mắt xích trong dây chuyền bay bị trục trặc dẫn tới loạt chuyến bay xếp hàng dài chờ cất hạ cánh. Mỗi khâu chậm vài chục phút là dẫn đến chậm dây chuyền, ảnh hưởng tới lịch bay.
...Vẫn lo ông trời
Ông Trần Doãn Mậu - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, giải thích thêm rằng lịch bay các hãng đã chốt, vé đã bán ra cho khách hàng nên việc điều chỉnh giảm chuyến rất khó.
Thay vào đó, cảng vụ đã tổ chức họp, trao đổi với các doanh nghiệp tăng cường công tác phục vụ, cơ động ứng phó khi xảy ra thời tiết bất thường ảnh hưởng delay chuyến bay. Theo các doanh nghiệp, hoạt động điều hành bay dù có hiện đại đến đâu thì cũng bó tay với thời tiết bất thường.
Trong những ngày qua, ông Bùi Đức Thanh, giám đốc Trung tâm Dịch vụ và khai thác sân bay (ASOC) của Vietnam Airlines, đã phải trực tiếp bay vào TP.HCM để kiểm tra công tác hỗ trợ khách chuyến bay bị ảnh hưởng delay do thời tiết.
Nói với Tuổi Trẻ, ông Thanh khẳng định tần suất chuyến bay, lượng khách đi lại dịp Tết vài ngày tới từ 4-2 (25 tháng chạp) trở đi vẫn trong khả năng phục vụ tốt. Vấn đề lo lắng nhất vẫn là thời tiết.
Theo dự báo, đến 29 tháng chạp sương mù vẫn có thể xảy ra ở các sân bay phía Bắc vào các thời điểm từ đêm đến đầu giờ sáng.
Do đó, trong công tác phục vụ Tết, ASOC rất chú trọng dự báo thời tiết để kịp thời điều chỉnh. Ví dụ, ngày 4-2 thời tiết ở TP.HCM tốt nhưng Đà Nẵng, Hải Phòng, Vân Đồn lại có mây mù, Thanh Hóa có trần mây thấp dưới chuẩn khai thác...
Đại diện một hãng hàng không cho biết nỗi lo nhất trong thời gian tới là việc thiếu tải thương mại do khối lượng hành lý ngày Tết tăng đột biến dẫn tới có khả năng phải giảm tải (offload) hành lý của khách chuyến bay kế tiếp sẽ tiếp tục diễn ra.
"Chúng tôi lên các phương án hỗ trợ khách một cách tốt nhất có thể, cả bằng tiền và phương tiện để giảm thiểu bất tiện không hài lòng của hành khách trong dịp phục vụ cao điểm Tết" - vị này nói.
Thông suốt ở khâu check-in, soi chiếu
Ghi nhận của Tuổi Trẻ nhiều ngày tại Tân Sơn Nhất, điều thay đổi rõ nét nhất so với mọi năm là cách tổ chức, vận hành dịp Tết khâu làm thủ tục check-in, an ninh soi chiếu.
Tại sảnh A ga nội địa (có các hãng bay Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco), các hãng đã phân luồng khách hiệu quả.
Khách đi chặng Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa hay chặng đi miền Trung như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế... đều có bảng hướng dẫn vào lối riêng.
Ở đây có nhân viên, tình nguyện viên hỏi thăm, hướng dẫn, thậm chí "la to" các chuyến bay đang sát giờ "đóng sổ" để khách hàng nhận biết kịp thời, tránh lỡ chuyến.
Một khâu thay đổi rõ nét là lối vào soi chiếu an ninh thông thoáng, chưa ghi nhận dấu hiệu ùn tắc. "Năm nay khách có nhiều thay đổi là làm thủ tục check-in thì lên ngay khu soi chiếu.
Tình trạng thiếu giấy tờ ít xảy ra hơn mọi năm, một phần nhờ app VNeID mức độ 2 tích hợp căn cước công dân thay vì mang giấy tờ vật lý. Có người quên mang, mở app lên là vẫn qua được, từ đó giảm tải rất nhiều" - một cán bộ an ninh giải thích.
Theo quan sát, ngay giữa sảnh soi chiếu có nhân viên an ninh trực tiếp tổ chức phân luồng khách, có thời điểm đông nhất khách di chuyển qua khâu an ninh là 15 phút, còn lại dưới 10 phút.
Trở lại vài năm trước, Tân Sơn Nhất vào dịp cao điểm lễ Tết khá căng thẳng, ngoài lý do đông khách còn có nguyên nhân tổ chức, vận hành chưa hợp lý, nhiều khâu quá tải khiến khách hàng lỡ chuyến.
Bên cạnh đó, nỗi ám ảnh kẹt xe trước làn thu phí sân bay Tân Sơn Nhất sắp được giải quyết khi thử nghiệm thu phí không dừng vào ngày 6-2 (27 tháng chạp).
Tân Sơn Nhất và Nội Bài là hai sân bay đầu tiên trong hệ thống 22 sân bay tại Việt Nam áp dụng công nghệ này. Đây là tin rất vui đối với những hành khách sử dụng xe cá nhân và tài xế taxi lưu thông nhanh hơn khi chở khách ra vào sân bay.
Giảm thời gian xuất, nhập cảnh
Các công ty lữ hành cho biết lượng khách đặt tour chơi Tết ở nước ngoài năm nay đông hẳn. Địa điểm chủ yếu đến châu Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản...
Dữ liệu 10 điểm đến ngoài nước được tìm kiếm nhiều nhất bởi du khách Việt Nam từ ngày 8 đến 14-2 của Booking cũng cho thấy du khách Việt ưu tiên những nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan.
Tại buổi giám sát ở sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 3-2, ông Lê Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - chỉ đạo quyết liệt lãnh đạo sân bay, cảng vụ hàng không miền Nam cùng các đơn vị liên quan phải giảm thời gian chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Ông Tuấn nói sắp tới du lịch quốc tế bùng nổ, đặc biệt khách quốc tế đến Việt Nam, khách Việt Nam đi chơi Tết ở nước ngoài... qua khâu xuất, nhập cảnh phải nhanh hơn.
Do đó, cần đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị công nghệ mới, tổ chức phân luồng khách hợp lý chứ thời gian qua khu vực này bị khách phàn nàn "qua ải" khá lâu.
Ông Phạm Quốc Hùng - phó trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho biết khách Việt đi chơi Tết dùng công nghệ Autogate (cổng làm thủ tục xuất, nhập cảnh tự động) từ 20 giây đến 1 phút là xong thủ tục, đỡ xếp hàng chờ lâu. Thống kê cho thấy mỗi ngày có 1.500 lượt khách sử dụng Autogate và tỉ lệ người dùng đang tăng dần.
Dịp Tết, gần 70% khách Việt xuất cảnh là đi du lịch nước ngoài, ông Hùng khuyến nghị khách nên sử dụng công nghệ này. Ngoài ra, công an cửa khẩu tăng cường thêm lực lượng hỗ trợ khách sát giờ bay ngay tại khu vực chờ làm thủ tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận