24/06/2024 15:40 GMT+7

Bẫy lừa việc nhẹ lương cao, làm sao chấm dứt?

Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội đầy rẫy những nội dung lừa tuyển dụng "việc nhẹ lương cao" nên dù đã có nhiều lời cảnh tỉnh nhưng vẫn có người bị lừa.

Ảnh minh họa bằng công nghệ AI - Thực hiện: T.ĐẠT

Ảnh minh họa bằng công nghệ AI - Thực hiện: T.ĐẠT

Liên quan câu chuyện "nam sinh viên mất tích, gia đình phải chuộc 150 triệu", rất nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: sinh viên năm 2 sao mà sao dễ tin quá? Vì sao đã có nhiều lời cảnh tỉnh về việc nhẹ lương cao nhưng vẫn bị lừa?

Tuổi Trẻ Online giới thiệu chia sẻ của bạn đọc Bích Ngọc xung quanh vấn đề này.

Đủ kiểu lừa

Không còn là những tờ rơi tuyển dụng "việc nhẹ lương cao", hiện nay trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội cho đến các công cụ tìm kiếm cũng đầy rẫy nội dung lừa tuyển dụng, việc làm dành cho sinh viên, học sinh.

Ví dụ, chỉ cần gõ tìm kiếm "việc làm thêm cho sinh viên", "kiếm thêm thu nhập cho sinh viên"… thì sẽ ra hàng loạt kết quả.

Vì được chạy quảng cáo nên họ tận dụng để đưa ra những lời quảng cáo có cánh kiểu: "tận dụng thời gian rảnh rỗi kiếm kha khá vào cuối tháng", "nộp hồ sơ để làm việc ngay lập tức", "làm thêm 2-3h/ngày, trả lương theo tuần"…

Những người đủ tỉnh táo thì đều biết đây là các trang web lừa đảo mà nếu bấm chuột, đăng ký tìm việc làm sẽ vướng vào vô số hệ lụy.

Tuy nhiên, với những sinh viên năm nhất, năm hai và từ quê lên thành phố học thì không phải ai cũng có đủ kỹ năng nhận diện các bẫy lừa tinh vi này.

Không dừng lại ở đó, trên mạng xã hội cũng có vô số bẫy lừa tuyển dụng dưới nhiều dạng: bài viết, clip, đồ họa…

Điều đáng nói, tất cả những bài viết lừa đảo này đều được "chi tiền" quảng cáo tiếp cận người dùng thật.

Hoặc gần đây, các tổ chức lừa đảo "việc nhẹ lương cao" còn sử dụng dịch vụ seeding (dịch vụ tiếp thị cung cấp bình luận giả để thu hút người dùng thật).

Ví dụ, ở một bài viết tuyển sinh viên làm thêm tại nhà trên mạng xã hội có đến hàng chục bình luận làm "mồi nhử" người dùng kiểu: "check inbox ạ", "cho em đăng ký làm thêm với", "xin job ạ"…

Đó là chưa kể hàng loạt chiêu trò lừa đảo tuyển dụng khác như: thuê đăng bài, chèn thông tin vào ảnh/clip trên mạng xã hội, đặt câu hỏi/bài viết gây kích thích người dùng bình luận rồi chủ động liên hệ…

Như bản thân tôi là admin của một nhóm mạng xã hội, mỗi ngày đều nhận được các lời mời chào "thuê nhóm đăng bài tuyển dụng". Điều đáng đề cập là những người thuê nhóm này sẵn sàng trả phí cao và "tiền tươi thóc thật" để được đăng tuyển - nhằm mục đích "câu" người cần việc.

Điều đáng buồn, tôi thấy rất nhiều admin nhóm khác lại đang nhận lời để các đối tượng lừa đảo tuyển dụng đăng bài lừa người dùng.

Cứ thế, các bẫy lừa đảo việc làm được giăng khắp cõi mạng. Và để đòi hỏi người dùng thực sự tỉnh táo, biết phân biệt trắng đen thì e rằng không hề dễ dàng.

Tăng "sức đề kháng" và xử lý nặng hành vi lừa đảo

Từ thực tế trên, tôi nghĩ rằng sau chuyện "nam sinh viên mất tích, gia đình phải chuộc 150 triệu", chúng ta cần hỗ trợ sinh viên và người dân nói chung nhiều hơn.

Vì họ rất dễ trở thành nạn nhân khi các bẫy lừa được giăng khắp nơi và ngày một tinh vi. Đặc biệt, khi những kẻ xấu lợi dụng trí tuệ nhân tạo, deepfake để lừa đảo thì càng cần có những biện pháp thiết thực để giúp họ tăng "sức đề kháng".

Ví dụ, ở các trường học thì nên có những chương trình giúp học sinh, sinh viên nhận diện bẫy tuyển dụng ảo. Nhất là với các đối tượng sinh viên năm nhất, năm hai hoặc các em sinh viên ở quê lên vốn không có điều kiện tiếp xúc, nhận diện lừa đảo.

Bên cạnh đó, để chống lại những bẫy lừa đảo việc làm tinh vi, các bộ ngành cần có cách làm chuyên nghiệp hơn.

Hiện tại chúng ta vẫn mang nặng tính chất tuyên truyền, nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức nên chưa đủ tăng "sức đề kháng" trước "dịch lừa đảo".

Như vào năm 2021, báo chí từng lên tiếng về các trang quảng cáo khám chữa bệnh trái phép kiểu "nhà tôi ba đời chữa sỏi thận", "tôi cam kết chữa khỏi 100%".

Sau đó cơ quan chức năng đã phối hợp cùng Google đi đến giải pháp là phát triển một thuật toán chặn lọc. Kết quả đáng mừng, chúng ta đã chặn được cơ bản các quảng cáo này, không còn xuất hiện trên YouTube.

Có lẽ bây giờ cơ quan chức năng cũng nên tiếp tục vào cuộc, làm việc với các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm để phát triển một thuật toán chặn lọc các quảng cáo lừa đảo tuyển dụng như trên?

Hoặc các nhà sáng tạo nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội cũng nên từ chối các lời mời chào đăng tin tuyển dụng không rõ nguồn gốc.

Bởi việc nhận tiền, cho những kẻ xấu đăng tin tuyển dụng ảo chính là tiếp tay cho nạn lừa đảo vốn rất nhức nhối hiện nay.

Có như thế mới hy vọng sinh viên, người dân không lo chuyện lừa đảo nối tiếp lừa đảo.

Lừa đảo qua mạng: Vẫn đủ chiêu Lừa đảo qua mạng: Vẫn đủ chiêu 'việc nhẹ lương cao'

Chỉ cần cú nhấp chuột tham gia vào một vài hội, nhóm "việc nhẹ lương cao" trên mạng xã hội, lập tức xuất hiện vô số lời mời chào kèm những hứa hẹn hấp dẫn từ phía những kẻ lừa đảo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên