"Bảy kẻ khùng điên": Bay qua đỉnh tỉnh táo

NGUYỄN VŨ HIỆP 25/02/2025 10:44 GMT+7

TTCT - Tiểu thuyết kinh điển của Roberto Arlt, người tự học viết trên đường phố Argentina, đã tiên đoán và lý giải cơn điên của nhân loại trong Thế chiến II, khi xã hội hiện đại tưởng như đã leo đến đỉnh cao của lý trí.

Cuốn "Bảy kẻ khùng điên": Bay qua đỉnh tỉnh táo - Ảnh 1.

Sinh năm 1900 trong một khu ổ chuột bên rìa thủ đô Buenos Aires của Argentina, Roberto Arlt có lai lịch không hứa hẹn sự nghiệp văn chương vĩ đại. Là con của hai người nhập cư đến từ châu Âu, ông không dùng thạo cả tiếng Đức của cha, tiếng Ý của mẹ, lẫn tiếng Tây Ban Nha của quê hương mới. 

Tám tuổi, ông bị đuổi học, bị người cha vũ phu ném ra đường, và phải mưu sinh bằng mọi công việc tình cờ vớ được: phu bến tàu, thợ thiếc, thợ máy, thợ hàn, thợ sơn, quản đốc, nhân viên hiệu sách…, cho đến khi yên vị với nghề phóng viên.

Ông ngưỡng mộ James Joyce, nhưng chỉ được đọc Joyce qua hai bản dịch tiếng Tây Ban Nha chất lượng thấp. Ông muốn viết những tiểu thuyết bao quát toàn cảnh như Flaubert, nhưng không có thời gian. Khi bị chỉ trích vì viết sai tiếng lóng của Buenos Aires trong tiểu thuyết, ông hồi âm nửa đùa nửa thật: "Tôi sinh ra trên đường phố, nên không có thời gian để học ngôn ngữ đường phố sao cho chuẩn". 

Nhưng khi dùng thứ tiếng Tây Ban Nha trọ trẹ, đầy rẫy những lối biểu đạt tự chế, để ghi lại các quan sát của một kẻ đứng bên lề cả xã hội lẫn văn đàn, ông đã khai mở một con đường mới cho những cây bút Mỹ Latin đời sau, như Roberto Bolaño - người ví Arlt như một Chúa Jesus hiện đại của thành Buenos Aires.

Là tác phẩm quan trọng nhất của Arlt, Bảy kẻ khùng điên mô tả một nhóm người lập dị đứng bên lề xã hội đang đi tìm phép màu đổi đời. Bảy nhân vật - mỗi người đều tôn thờ một lý tưởng giúp duy trì sự tỉnh táo của nền văn minh phương Tây - đã dần tiến đến những quyết định điên rồ khi đời sống tinh thần của họ va chạm với đời sống vật chất của đô thị hiện đại. 

Nhân vật chính, kẻ phát minh ra công nghệ sản xuất hoa hồng kim loại, đã biển thủ tiền của công ty để đi nhà thổ hằng ngày - phần vì lý tưởng về tình yêu trong sáng khiến anh ta không thể qua đêm với vợ, phần vì anh ta phải lên giường để chứng minh năng lực đàn ông. 

Anh ta kết bạn với Nhà Chiêm Tinh - kẻ muốn lật đổ một chính phủ nói dối ít để dựng lên một nền độc tài nói dối nhiều - đủ nhiều để dụ người dân sống theo cách cao cả như trong thánh kinh hoặc trong tiểu thuyết. Sau khi bị vợ bỏ, anh ta yêu Ả Điếm - một cô hầu gái đọc thật nhiều văn chương để học lối sống hư hỏng, vì hư hỏng là cách duy nhất để phụ nữ được tự do…

Trong những khoảnh khắc đẹp nhất của câu chuyện, bảy kẻ phát điên vì những lý tưởng rất khác nhau, đôi khi còn xung khắc nhau, đã thấy mình gần gũi với nhau hơn với phần còn lại của một xã hội tỉnh táo.

Trái với ấn tượng mà nhan đề của tiểu thuyết có thể mang đến cho người đọc, Bảy kẻ khùng điên không minh họa, mà chất vấn những quan niệm quen thuộc của xã hội về sự điên và người điên.

Bảy nhân vật không phát điên vì tai họa mà vì theo đuổi một quan niệm rất nhân văn: con người phải học cách "bay" thay vì sống tầm thường như "bảy mươi cân thịt". Trong bầu trời chật chội của đô thị hiện đại, ai được "bay" để làm người, làm kẻ tỉnh táo, còn ai phải đứng trên mặt đất để đánh mất nhân phẩm và phát điên? Ranh giới giữa tỉnh và điên là gì, khi mọi trật tự đều đặt nền móng trên những tiên đề giả định?

Arlt đã nhìn thấy trật tự nào trong xã hội phương Tây khi xây dựng những nhân vật mang dáng dấp của Hitler, Juan Perón hoặc Pinochet, qua đó tiên đoán những cơn điên lan tràn khắp châu Âu và các nước Mỹ Latin trong nửa thế kỷ sau năm 1929, năm mà cuốn tiểu thuyết ra đời? 

Khi chất vấn tôn giáo, triết học, mô hình kinh tế, và thậm chí là phim ảnh - những gì nhào nặn lý trí và mộng ước của phương Tây trong thập niên 1920 - Arlt sẽ dẫn dắt độc giả đến những đáp án và hoài nghi không sao lường trước.

Mượn ngôn ngữ đường phố và trải nghiệm của kẻ sống bên lề, Roberto Arlt đã phát triển một lối viết đặc biệt. Thay vì bay cao hơn xã hội để quan sát, ông lặn ngụp dưới đáy nhìn lên; thay vì tìm kiếm những quy luật khách quan bao quát mọi mảnh đời, ông mô tả tỉ mỉ vô vàn cảm giác chủ quan của những cơ thể và tâm trí dị biệt độc nhất. 

Arlt xây dựng bức tranh tổng thể không phải bằng năng lực khái quát hóa, mà bằng sự trung thực và chăm chỉ khi ghi chép đời sống tinh thần và vật chất của mình - nguyên mẫu để xây dựng nhân vật chính trong Bảy kẻ khùng điên.

Bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng, người khéo tích hợp những từ lóng mới xuất hiện trong tiếng Việt vào ngôn ngữ văn chương, đã mở đường cho chúng ta tiếp cận lối viết sống động đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận