Hành khách làm thủ tục tại sân bay Phú Bài (Huế) - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đây là một số giải pháp được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm “Bay mùa cao điểm, hành khách lưu ý gì?”, do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 4-8.
Hãng bay và hành khách đều thiệt hại
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm - hủy chuyến.
Với các hãng hàng không, lý do có thể là máy bay về trễ, kỹ thuật và thời tiết... Với hành khách, việc đến sân bay trễ hoặc hủy chuyến do việc chuẩn bị giấy tờ thủ tục, hành lý trước chuyến bay chưa đầy đủ, không chú ý đến quy định giờ đóng quầy, chốt sổ chuyến bay...
Bà Nguyễn Thị Thúy Bình - phó tổng giám đốc VietJet - thừa nhận chỉ cần một chuyến bay chậm 3-5 phút là tất cả chuyến bay trong ngày đều bị ảnh hưởng.
Không chỉ hãng hàng không bị thiệt hại khoảng 100 USD/phút chậm và bị ảnh hưởng đến uy tín, hành khách đi trên các chuyến bay cũng bị thiệt hại về thời gian và tài chính.
Tuy nhiên, quá trình khai thác cũng không tránh khỏi việc trục trặc về kỹ thuật, bắt buộc phải dừng hoạt động của máy bay để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn.
“Thời gian gần đây, do thời tiết không ổn định, không thuận lợi cho các chuyến bay, kế hoạch bay của hãng cũng bị đảo lộn, làm ảnh hưởng đến tỉ lệ bay đúng giờ. Tuy nhiên, đây là tình huống bất khả kháng” - bà Bình nói.
Theo ông Bùi Minh Đăng - phó phòng vận tải hàng không Cục Hàng không VN, thống kê 7 tháng đầu năm cho thấy trong khoảng 100 chuyến bay có gần 20% số chuyến bị chậm, hủy mà nguyên nhân do các hãng hàng không.
“Ngoài những nguyên nhân khách quan (thời tiết, chính trị, xung đột vũ trang...) không thể can thiệp được, các hãng bay cần hạn chế những nguyên nhân chủ quan (kỹ thuật chưa đảm bảo, sắp xếp lịch bay chưa hợp lý...) nhằm tăng tỉ lệ chuyến bay đúng giờ” - ông Đăng nói.
Sẽ duy trì tỉ lệ bay đúng giờ 86-88%
Cũng theo ông Đăng, thời gian qua tỉ lệ bay đúng giờ đã được cải thiện đáng kể.
Trong 7 tháng đầu năm, tỉ lệ bay đúng giờ của các hãng đã được nâng lên mức 87,4%, tăng mạnh so với tỉ lệ 80-81% trong giai đoạn 2013-2014.
“Chúng tôi đặt ra mục tiêu sẽ duy trì chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không VN từ 86-88% và tỉ lệ này hoàn toàn khả thi” - ông Đăng nói.
Ngoài việc sử dụng công nghệ quản lý giờ cất/hạ cánh để kiểm soát được cất/hạ cánh hiệu quả nhất, ông Đăng cho rằng cần tiếp tục nâng cao áp dụng giải pháp công nghệ trong các khâu thủ tục.
Theo đó, các hãng phải cung cấp những giải pháp phần mềm cho hành khách dễ dàng truy cập để làm thủ tục.
“Các hãng phải phối hợp với các công ty dịch vụ mặt đất để triển khai, đầu tư lắp đặt các quầy check-in tại tất cả cảng hàng không” - ông Đăng đề nghị.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Bình, hãng này đã lắp đặt nhiều kiosk check-in tại các sân bay lớn với thời gian làm thủ tục chưa đến 2 phút, rất thuận tiện cho hành khách không mang hành lý.
Nếu tự làm thủ tục trực tuyến tại nhà đối với các chuyến bay nội địa, hành khách chỉ cần vào đúng quầy gửi hành lý để làm thủ tục ký gửi mà không mất công xếp hàng chờ đợi tại sân bay.
“Nhiều hành khách hiện đã quen dần với việc sử dụng kiosk và làm thủ tục trực tuyến, tỉ lệ sử dụng đã tăng đến 25%. Việc này cho thấy tín hiệu tốt giúp giảm tắc nghẽn trong khu vực làm thủ tục, đóng góp một phần vào việc nâng cao tỉ lệ đúng giờ của chuyến bay” - bà Bình nói.
Theo ông Tuấn, khi thực hiện các chuyến bay vào mùa cao điểm, hành khách nên chú ý đến cân nặng hành lý, giấy tờ tùy thân, thời gian có mặt tại quầy làm thủ tục...
Đối thoại thay vì kiện tụng Theo luật sư Trương Anh Tú, hành khách nên hết sức bình tĩnh một khi gặp các tình huống chậm chuyến, yêu cầu người của hãng hàng không giải thích lý do và cho biết bao giờ bay, tránh gây thêm căng thẳng hay tranh cãi. Nhiều hành khách thường dọa kiện nhưng kiện ở đâu, như thế nào, có cần thiết phải tốn nhiều thời gian để kiện đòi 400.000 - 1 triệu đồng bồi thường? Do đó, theo ông Tú, giải pháp tốt nhất là đối thoại để đòi được đảm bảo quyền lợi tốt nhất thay vì kiện cáo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận