25/01/2022 09:39 GMT+7

Bay đến xứ chuột túi thời Omicron

NGUYỄN CHI ANH ĐÀI
NGUYỄN CHI ANH ĐÀI

TTO - Trái ngược hẳn cảnh 'vắng như chùa Bà Đanh' ở phi trường Melbourne trong bài viết 'Tôi bay mùa dịch' trên Tuổi Trẻ ngày 21-9, ba tháng sau là cảnh 'đông như trẩy hội' ở cùng một phi trường xứ chuột túi thời phải sống chung biến chủng Omicron.

Bay đến xứ chuột túi thời Omicron - Ảnh 1.

Người dân Úc đã vui xem bắn pháo hoa đêm giao thừa - Ảnh: THANH NGÔN

Tôi về đến Melbourne chỉ cách hai ngày sau khi Chính phủ tiểu bang Victoria quyết định mở cửa biên giới quốc tế, dù lúc đó ca nhiễm đang tăng gấp ba lần so với hồi lockdown, từ chưa đầy 500 ca/ngày vào tháng 9 đã tăng lên hơn 1.500 ca/ngày vào tháng 12 và tiếp tục tăng cao nữa. Đến phi trường lúc gần 11h khuya nhưng đang có hơn cả ngàn người chờ làm thủ tục nhập cảnh.

Cảm giác đôi lứa xa nhau lâu sắp được chạm vào rồi nhưng vẫn phải chịu đựng thêm ba ngày nữa.

Khánh Nguyễn kể ba ngày cách ly ở khách sạn phòng dịch, thời điểm anh đến Úc gần cuối tháng 12-2021.

Những chuyến bay đến Úc

Tôi và những người công dân Úc sử dụng "E-Passport" (hộ chiếu điện tử) làm thủ tục qua máy tự động rất nhanh, không cần xuất trình giấy tờ gì. 

Trong vòng 72 tiếng trước khi lên máy bay từ Mỹ trở về Úc, tôi đã phải làm xét nghiệm COVID PCR, có lẽ hồ sơ được lưu vào thẻ điện tử nên khi về đến phi trường Melbourne thì họ không xét gì cả. Còn những hành khách khác phải xếp hàng dài chờ đợi.

"Thoát" ra được phi trường đông nghịt đúng nửa đêm, tôi thầm ngao ngán giùm cho hàng ngàn người còn đang chờ đợi làm thủ tục bên trong và thân nhân đang chờ đợi bên ngoài.

"Cảm xúc vỡ òa!" - đó là tâm sự của Khánh Nguyễn, một bạn nam trẻ từ Hà Nội mới bay sang Melbourne vài ngày trước Giáng sinh để đoàn tụ người yêu. 

Khánh kể: "Bọn em đã xa nhau hai năm kể từ đầu dịch. Từ lúc được cấp visa thì chờ khoảng 6 tháng em được bay sang gặp người yêu. Khi đặt vé qua Melbourne cũng lo ngại chính phủ lại đóng biên, vì vậy em đã đặt vé sớm nhất có thể. Tâm trạng chờ ngày bay càng mong ngóng từng ngày".

Khánh tâm sự tiếp: "Hôm em đến thì người yêu không ra đón được, vì nếu đón có thể sẽ phải cách ly chung. Ban đầu cũng định về thẳng nhà người yêu nhưng như vậy sẽ phiền tới người yêu và gia đình, nên em quyết định ở khách sạn. 

Ở đó, người yêu mang đồ ăn hằng ngày đến để ngoài cửa rồi về. Cảm giác đôi lứa xa nhau lâu sắp được chạm vào rồi nhưng vẫn phải chịu đựng thêm ba ngày nữa".

Khánh Nguyễn kể tiếp về chuyến đi của mình: "Chuyến bay từ Hà Nội sang Singapore rất vắng, cả máy bay chỉ có vài chục người. 

Nhưng từ Singapore qua Melbourne thì đông kín không còn chỗ trống. Đến Melbourne làm thủ tục cũng nhanh, không có bất cứ rắc rối gì, vì trước khi bay em đã tìm hiểu quy định rất kỹ rồi nên mọi thứ thuận lợi. 

Em về thẳng khách sạn để cất đồ, sau đó đi test PCR. Cũng không có ai quản lý cả, quan trọng là ý thức của mình. Lúc em đến thì phải cách ly ba ngày, còn sau này thì chính phủ thay đổi, nếu kết quả âm tính thì không phải cách ly nữa".

Bay đến xứ chuột túi thời Omicron - Ảnh 3.

Nhiều người đã có thể thoải mái chờ đón người thân ở sân bay Melbourne - Ảnh: ANH ĐÀI

Đến Melbourne trước Khánh Nguyễn vài ngày, chị Phương Lê cũng có chung trải nghiệm về việc thử nghiệm. Chị cho biết thêm: 

"Trong vòng 24 giờ khi mới nhập cảnh Úc thì phải tự đi test COVID, dù kết quả âm tính thì từ ngày 5 đến ngày 7 cũng phải đi test lần thứ hai. Vì yêu cầu phải xét nghiệm PCR mới hợp lệ, nên tôi phải chờ tới ba tiếng mới đến phiên mình dù đã cẩn thận đi rất sớm từ trước giờ trung tâm mở cửa".

Không riêng chị Phương, nhiều người phải chờ đến tận 5 - 6 tiếng để được xét nghiệm PCR. Số lượng người đi xét nghiệm quá đông, mỗi ngày các trung tâm đều bị quá tải nên chính phủ thay đổi luật cho phép dùng "RAT kit" (Rapid Antigen Test Kit - bộ xét nghiệm nhanh) chứ không bắt buộc phải test PCR nữa. 

Chính phủ cũng hủy bỏ yêu cầu bắt buộc người mới nhập cảnh Úc phải xét nghiệm lần hai nếu kết quả lần đầu là âm tính.

Việc công nhận kết quả từ việc xét nghiệm nhanh lại "đẻ" ra hệ lụy khác là sự khan hiếm "RAT kit". 

Mọi người nháo nhào đi mua nhưng cung không đủ cầu. Chính phủ tiểu bang Victoria đồng thời phát miễn phí 44 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho người dân để giảm bớt hàng dài chờ đợi được xét nghiệm PCR, nhưng chỉ cấp phát cho những ai không có dấu hiệu bệnh. Còn những người có dấu hiệu bệnh vẫn bắt buộc phải xét nghiệm PCR.

Các quy định phòng dịch này cũng có thể nhanh chóng thay đổi tùy tình hình dịch. Chỉ đến khi xuống sân bay, người ta mới biết chắc mình phải tuân thủ những gì khi nhập cảnh vào Úc. 

Tuy nhiên, gần đây các quy định có vẻ được chính phủ nới lỏng dần, khác hẳn với "bức tường" phòng dịch nghiêm ngặt mới vài tháng trước ở xứ chuột túi...

Bay đến xứ chuột túi thời Omicron - Ảnh 4.

Các quy định phòng dịch ở Úc đang được nới lỏng dần - Ảnh: THANH NGÔN

Người vẫn lo lo, người "thôi kệ đi"

Chỉ trong vài tuần sau khi mở cửa biên giới cùng với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, số ca nhiễm ở hai tiểu bang lớn của Úc là Victoria và New South Wales đã tăng theo cấp số nhân. 

Vừa đón năm mới chưa được bao lâu thì số ca nhiễm ở Victoria có lúc vượt mốc 50.000 ca/ngày, New South Wales có lúc tăng hơn 90.000 ca/ngày...

Những ngày cuối năm người ta vẫn còn tấp nập đi mua sắm, nhưng chỉ sau tuần đầu của năm mới thì mọi hoạt động đã có vẻ lắng xuống. Nhiều người hoang mang hỏi nhau không biết chính phủ có lockdown nữa không. Vy Trần lo âu: "Tuần sau má em từ Việt Nam qua thăm. Em mới sinh cháu được năm nay, cả nhà phải chờ suốt hai năm do dịch không gặp nhau được. 

Giờ thấy Úc mở cửa nên vợ chồng muốn đón má qua thăm cháu, vậy mà tự nhiên số ca nhiễm bùng lên, không biết chính phủ có lockdown lại không nữa. Không biết tuần sau má em có qua được không nữa. Em hồi hộp ghê!".

Chính phủ vẫn không ra lệnh lockdown nhưng dường như ai cũng e dè, cẩn trọng nên tự mọi người cũng hạn chế việc tụ tập đi lại. 

Chị Kim Nguyễn, chủ một tiệm may, tuy than "dạo này khách cũng vắng hẳn" nhưng lại "mong khách đừng đến, vì đến thì mình không tiện từ chối, tình hình này mà đến thì mình cũng sợ dịch bệnh lây lan".

Hội chợ Tết Nguyên đán năm nay những tưởng sẽ rất đông vui sau hai năm vắng bóng do lockdown vì dịch bệnh thế nhưng lại vắng người, vắng cả những gian hàng ẩm thực vốn dĩ luôn là "linh hồn" của hội chợ Tết. 

Không biết là do lo ngại dịch bệnh bùng phát, hay do bị "nhốt" quá lâu nên người ta quên luôn thói quen có một hội chợ Tết vẫn còn tồn tại.

Có người lo lắng nhưng cũng có người bình thản như chị Linda Tran: "Thôi kệ đi, ở Úc mình đa số cũng chích ngừa ba mũi rồi, giờ sống chung với lũ thôi, mình lo giữ sức khỏe cho mình là chính chứ giờ lo cũng chẳng làm gì được!".

Và dấu hiệu vui trong ngày tôi hoàn tất bài viết này là các thông tin ca nhiễm ở Úc đang giảm dần, một số người dự báo đỉnh dịch sẽ thoái trào ở tháng 2 sắp tới. Chính phủ cũng đang nhanh chóng nới lỏng nhiều quy định phòng dịch. 

Màn đêm nào rồi chẳng bình minh. Tôi tin sẽ tới ngày mọi người lại được nắm tay nhau dạo chơi dưới ánh mặt trời...

Trong một vài tuần khi dịch lại tăng cao, nhiều siêu thị lớn tại Melbourne đã xảy ra tình trạng kệ hàng trống trơn như hồi dịch mới bùng phát vào đầu năm 2020. Người ta lo ngại phải chăng lại xảy ra tình trạng gom hàng và giành nhau một cuộn giấy vệ sinh như trước đây?

Thực ra, tình trạng hàng trống trên kệ tuy cũng có một phần nhỏ do lo lắng nên "thu gom tích trữ", nhưng chủ yếu là đến từ tình trạng thiếu nguồn lực lao động.

Nhiều nhân viên bị buộc phải cách ly do có tiếp xúc gần với người bệnh, nên các công ty cung cấp hàng cũng như các siêu thị không đủ người để làm việc.

Chính phủ phải thay đổi quyết định, trước đây nếu nơi nào có người bệnh thì toàn bộ nhân viên khu vực đó cũng phải tự cách ly theo dù là kết quả âm tính, nay thì các nhân viên có kết quả âm tính vẫn có thể đi làm.

Đi hiến máu giữa dịch, người Việt ở Úc phải tìm cách... tăng cân Đi hiến máu giữa dịch, người Việt ở Úc phải tìm cách... tăng cân

TTO - 'Mình nghĩ dịch bệnh đáng lo, nhưng còn bao bệnh nhân khác cần được giúp đỡ, nếu ai cũng sợ dịch mà không đi hiến máu thì ai sẽ giúp những người đang cần máu?' - chị Linda Nguyễn tâm sự vì sao vẫn đi hiến máu thường xuyên trong mùa dịch ở Úc.

NGUYỄN CHI ANH ĐÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên