Câu chuyện của cô nữ sinh năm nhất được thầy giáo chia sẻ - Ảnh chụp màn hình
Triệu V. thấy tin tuyển dụng nhân viên bán hàng trong một group việc làm sinh viên nên đăng kí. Công việc cụ thể chỉ là bán hàng theo nhóm, và công ty hứa hẹn rất nhiều về tiền hoa hồng bán sản phẩm cũng như tiền thưởng. Là sinh viên năm nhất và chưa có khái niệm về , V. đồng ý tham gia vào mạng lưới bán hàng.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, V. nói: “Ngày 11-10, bên đó yêu cầu mình phải bỏ ra 11.750.000 để trở thành nhà phân phối chính thức”.
Với những lời hứa hẹn từ phía công ty, V. tin lời họ và đi cầm laptop để đưa trước cho họ 10 triệu đồng. Sau khi đưa tiền, cô được yêu cầu viết một giấy tay, ghi là đơn xin mua hàng của công ty. Sau khi về, cô tìm hiểu kỹ mới biết đó là dạng công ty đa cấp, nên muốn được hoàn lại tiền.
Cô kể: “Đến ngày 14-10, họ nói rằng mình chỉ có hai phương án: một là tiếp tục đưa thêm tiền để đạt yêu cầu, hai là mang hàng về rồi tự giải quyết”.
Sau đó, bên phía công ty này còn liên tục nhắn tin hối V. trả hết số tiền còn lại và lấy hàng về bán.
Sinh viên lo lắng khi bị rơi vào “bẫy” tuyển dụng - Ảnh: QUANG PHƯƠNG
Khác với những bạn đi tìm việc làm trên các nhóm, Minh Trị (TP. Cần Thơ) cho biết khi năm nhất đại học, bạn có được một nhóm liên hệ trực tiếp thông qua tin nhắn của Facebook.
Bạn chia sẻ: “Nhóm này nhắn tin với nội dung là có một dự án kinh doanh muốn chia sẻ, tìm người hợp tác. Mình đồng ý nên hẹn gặp và nghe ý tưởng. Lúc đó mới lên Sài Gòn, mình chẳng biết đa cấp là gì”.
Trong buổi gặp gỡ, Trị cho biết những lời giới thiệu từ nhóm này rất hợp lý và cơ chế hấp dẫn.
“Họ bắt đầu phân tích kinh doanh, đưa ra các lý luận rằng các doanh nghiệp truyền thống tốn tiền cho marketing, quảng cáo, còn cách kinh doanh này thì không. Ngoài ra, họ còn giải thích cơ cấu, đưa ra số phần trăm mình nhận được khi bán sản phẩm, phần trăm được hưởng khi mở rộng mạng lưới”, Trị nói.
Ngoài ra, những bạn tham gia đều phải đóng phí thành viên, viết đơn và tham gia vào những buổi huấn luyện bán hàng.
Tương tự, Kiều Diễm (Cà Mau) kể lại khi học đại học ở TP.HCM cũng từng bị các nhân viên đa cấp “tìm đến”. Có lần Diễm đi xe buýt về phía quận 1 thì một anh bắt chuyện hỏi thăm, giới thiệu về công ty và nói rằng công ty đang tìm nhân viên kinh doanh làm thêm.
“Lúc đó là sinh viên, mình nghe nên cũng gật gù rồi đồng ý lên công ty tham quan. Vào đó, mình được coi một chương trình kinh doanh làm giàu cấp tốc hoành tráng, thấy nhiều bạn sinh viên nghe răm rắp. Rồi họ bảo đăng kí thẻ thành viên để làm việc, ký quỹ 5 triệu và mua sản phẩm đầu thêm 3 triệu”, cô kể lại.
Khi Kiều Diễm từ chối với lý do không có tiền, nhân viên của công ty này liền gợi ý cô có thể cầm tài sản cá nhân như laptop, đồ có giá trị để đầu tư sinh lợi nhuận.
Kiều Diễm nhớ lại: “Lúc đó mình cũng bảo là không có. Phía bên đó mới bày cho mình cách khác là hỏi gia đình, gọi về quê vay mượn đi vì cơ hội không phải dễ tìm”.
Ngoài ra, nắm bắt xu hướng sinh viên muốn khởi nghiệp hiện nay, nhiều công ty đa cấp còn sử dụng chiêu trò như hợp tác cổ phần, cấp vốn,... để lừa sinh viên vào “bẫy”.
Đừng đi làm vì chiếc áo đẹp, vì ly trà sữa
Giiảng viên Nguyễn Công Khanh, Khoa Truyền thông và Thiết kế ĐH Hutech (TP.HCM), cho rằng sinh viên vẫn nên tập trung vào học thay vì đi tìm việc làm quá sớm.
"Nếu khó khăn đến mức không đi học được, thì nên ngưng 1 học kỳ tập trung kiếm việc làm cho ra làm, để có tiền rồi quay lại học.
Đừng vì muốn chứng tỏ cho gia đình thấy mình giỏi kiếm tiền, đừng vì có tiền mua chiếc áo đẹp, ly trà sữa mà phải đi làm thêm bất chấp, thiếu hiểu biết để mắc vào đa cấp thì tai hại vô cùng, ảnh hưởng đến tương lai", thầy nói.
Trong trường hợp "rơi vào bẫy", thầy Khanh cũng cho rằng sinh viên nên nói thật với gia đình để tìm ra hướng giải quyết, vì số tiền đó quá lớn với sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận