Chiều tối 11-10, người dân Nhật Bản đã liên tục chia sẻ những hình ảnh bầu trời bỗng nhiên chuyển sang màu tìm kỳ lạ, khiến không ít người dân trông thấy tỏ ra lo lắng.
Bầu trời phía đông Nhật Bản chuyển màu tím vào tối 11-10 - Ảnh: Twitter
Khung trời màu tím nhưng không hề mộng mơ - Ảnh: Twitter
Tại thủ đô Tokyo, khu công viên Disneyland ra thông báo tạm ngừng hoạt động từ sáng 12-10 tới trưa 13-10. Đây là lần đóng cửa đầu tiên trong 24 giờ của Disneyland kể từ sau khi xảy ra thảm họa động đất sóng thần hồi năm 2011.
Hiện nhiều cửa hàng ở thủ đô Tokyo cũng thông báo đóng cửa trong ngày 12-10 và đang cân nhắc về quyết định có trở lại hoạt động trong ngày 13-10 hay không.
Siêu bão Hagibis được cho là mạnh nhất trong vòng 60 năm qua với sức gió tối đa 216 km/h, lượng mưa 800mm, theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản.
Bầu trời Tokyo u ám vì cơn mưa nặng hạt - Ảnh: HÀ MY
Đường phố lặng như tờ vì người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà - Ảnh: REUTERS
Người dân Nhật Bản chuẩn bị đón bão Hagibis - Ảnh: REUTERS
Ga tàu Yokohama vắng vẻ vào sáng 12-10 - Ảnh: REUTERS
Công ty đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) đã tạm dừng nhiều dịch vụ ở khu vực nội ô Tokyo. Các chuyến bay nội địa của hãng All Nippon Airways Co. (ANA) thông báo hủy toàn bộ các chuyến bay nội địa và gần hết các chuyến bay quốc tế từ các sân bay Haneda và Narita ở thủ đô Tokyo. Hãng Japan Airlines cũng quyết định hủy gần như toàn bộ các chuyến bay trong ngày 12-10.
Ga tàu Shinkansen ở Yokohama đóng cửa - Ảnh: REUTERS
Nhân viên sân bay Haneda ở Tokyo đi kiểm tra máy móc sau khi tất cả chuyến bay bị hủy - Ảnh: REUTERS
Anh Lu Ling-Kai (người Đài Loan), sinh viên đại học ở Hokkaido, cho biết anh đã mua vé máy bay đi chơi Tokyo vì 3 ngày cuối tuần được nghỉ lễ nhưng đến trưa 11-10, hãng bay ANA đã thông báo hủy chuyến bay. Sau đó các hãng khác cũng lần lượt hủy chuyến khiến anh phải ở nhà.
Một người đàn ông phải ngủ lại sân bay sau khi các chuyến bay đều bị hủy - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, ở nhà không có nghĩa là đã an toàn. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bạn Lê Hà My, sinh viên cao học ở Tokyo, cho biết công ty quản lý chung cư bạn đang ở viết mail dặn cách phòng chống bão, như: đóng cửa sổ tất cả căn phòng, mua nhiều đồ ăn về dự trữ, trữ nước trong bồn tắm phòng trường hợp cúp nước và cúp điện, đảm bảo nước uống trong tối thiểu 2 ngày.
Bên cạnh đó, bạn My còn được dặn quét rác trước bancông và hành lang để rác không làm tắc cống.
Tình trạng chung của hầu hết các kệ hàng trong siêu thị ở Tokyo vào tối 11-10 - Ảnh: HÀ MY
Trước cảnh báo trữ đồ ăn và nước uống, tối 11-10, hầu hết các kệ hàng trên siêu thị ở khu vục Tokyo đã hết nhẵn, trừ một số khu như bột giặt, bút viết, dầu ăn và cà phê... Đặc biệt là thức ăn liền hầu như không còn, do tâm lý người dân sợ cúp điện cúp nước không nấu được thức ăn.
Hướng dẫn cách dán băng keo lên cửa sổ đề phòng kính vỡ - Ảnh: HÀ MY
Trần Bảo, sinh viên đại học ở Chiba, cho biết bạn được dặn rất kỹ phải dùng băng keo chuyên dụng để dán cửa sổ đề phòng gió lốc làm vỡ kính. Nếu không dùng băng keo thì có thể dùng bìa cứng dán lên cửa sổ.
Cách sinh viên Việt Nam ở Tokyo gia cố cửa sổ căn hộ - Ảnh: HÀ MY
Ngoài ra, Trần Bảo cũng nói đồ giá trị cần bỏ vào túi gọn, để nếu có di tản thì chỉ cầm túi đó đi theo.
Một nơi tị nạn tránh bão tại thành phố Suzuka, tỉnh Mie, phía đông Nhật Bản - Ảnh: REUTERS
Tuy tình hình đón bão dường như rất căng thẳng, Hà My cho hay đây không phải lần đầu bão vào Tokyo nên mọi người không xa lạ và đều biết cách thức chuẩn bị. Chỉ cần có thông tin bão tới là người dân đã biết phải làm gì.
Đồng quan điểm, Nora G., sinh viên người Hà Lan, cho hay ở khu bạn đang sống, mọi người đang tập trung để tổ chức tiệc vì được khuyến cáo không ra đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận