Phóng to |
Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) - nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu - bị xét xử về bốn tội danh - Ảnh: Quang Minh |
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (phó chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội). Dự kiến phiên xét xử kéo dài đến hết ngày 29-4.
Có tất cả chín bị cáo bị đưa ra xét xử. Trong đó, Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) bị đưa ra xét xử về bốn tội: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tám bị cáo còn lại bị đưa ra xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Trần Xuân Giá (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang (đều nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB), Huỳnh Quang Tuấn (thành viên HĐQT ACB), Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội - ACBI) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội).
Phóng to |
“Bầu” Kiên bị xét xử 4 tội danh, trong đó có tội danh lừa đảo do bán cổ phần đã thế chấp tại ngân hàng - Đồ họa: N.Khanh |
Phiên tòa có 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bốn luật sư bảo vệ quyền lợi cho những người liên quan.
Luật sư Vũ Xuân Nam, người tham gia vụ án ngay từ giai đoạn điều tra, cho biết tình hình sức khỏe bị can rất tốt. Trong thời gian bị tạm giam, Nguyễn Đức Kiên nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến cơ quan điều tra, cơ quan công tố đề nghị xem xét lại các tội danh bị cáo buộc. Trong buổi gặp gỡ trước khi phiên tòa diễn ra, Nguyễn Đức Kiên tiếp tục khẳng định mình không có tội.
Cáo trạng xác định Nguyễn Đức Kiên với tư cách là phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB và đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ, có vai trò chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ACB.
Lợi dụng ảnh hưởng của mình ở ACB, Nguyễn Đức Kiên còn thành lập, làm chủ tịch HĐQT/hội đồng thành viên của sáu công ty khác và điều hành các công ty này kinh doanh tài chính, kinh doanh vàng trái phép với tổng số tiền 21.490 tỉ đồng.
Ngoài ra, Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát. Sau đó cơ quan điều tra đã thu giữ và tháng 8-2013 chuyển trả toàn bộ số tiền trên cho Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết với hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 264 tỉ đồng, Nguyễn Đức Kiên phải đối diện với mức án chung thân. Ngoài mức hình phạt cao nhất là chung thân cho tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị can Nguyễn Đức Kiên còn bị truy tố ở các hành vi khác là trốn thuế (khung phạt cao nhất đến 7 năm), kinh doanh trái phép (khung hình phạt lên tới 2 năm) và hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng có khung hình phạt lên đến 20 năm.
Diễn tiến vụ “bầu” Kiên: * Ngày 20-8-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên về hành vi “kinh doanh trái phép” theo điều 159 Bộ luật hình sự. * Ngày 23-8-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB, về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật hình sự * Ngày 17-9-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. * Ngày 18-9-2012, khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Đức Kiên về các tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Trần Xuân Giá - nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB - về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng tội danh trên, các ông Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang cũng bị khởi tố. * Ngày 31-5-2013, khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Đức Kiên về hành vi trốn thuế. * Ngày 12-12-2013, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng, truy tố bảy bị can ra TAND TP Hà Nội để xét xử theo pháp luật. Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang. * Ngày 3-1-2014, TAND TP Hà Nội có quyết định trả hồ sơ vụ án để tiến hành điều tra bổ sung, đề nghị xem xét hành vi của ông Phạm Trung Cang và ông Huỳnh Quang Tuấn. * Ngày 20-1-2014, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Quang Tuấn và phục hồi điều tra đối với ông Phạm Trung Cang về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. * Ngày 27-1-2014, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án bầu Kiên thay thế bản cáo trạng số 02 ngày 12-12-2012, truy tố thêm hai bị can Huỳnh Quang Tuấn và Phạm Trung Cang. * Ngày 16-4-2014, TAND TP Hà Nội đưa vụ án Nguyễn Đức Kiên ra xét xử. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận