20/05/2014 13:59 GMT+7

Bầu Kiên nói cáo trạng không chính xác

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Sau khi VKSND TP Hà Nội công bố xong cáo trạng truy tố 8 bị cáo (rút lại phần truy tố ông Trần Xuân Giá), phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên) bắt đầu vào phần thẩm vấn.

dSCOMh9L.jpgPhóng to
Bầu Kiên tại phiên tòa chiều 20-5 - Ảnh: Tâm Lụa

Hội đồng xét xử bắt đầu xét hỏi làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên (nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB), Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội). Bị cáo Nguyễn Đức Kiên được cách ly khỏi phòng xử trong quá trình xét hỏi.

Theo cáo trạng, Bầu Kiên đã gian dối trong việc bán 20 triệu cổ phần của công ty CP Thép Hòa Phát, chiếm đoạt của công ty này 264 tỉ đồng. Bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đã giúp sức Bầu Kiên trong vụ việc này.

Quá tin tưởng Bầu Kiên nên phải đứng trước vành móng ngựa!

Trả lời tòa, bị cáo Nguyễn Ngọc Thanh cho biết bị cáo là giám đốc công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (Công ty ACBI) do Nguyễn Đức Kiên là chủ tịch HĐQT. Từ 3-6 tháng, HĐQT họp một lần. Vai trò của chủ tịch HĐQT là cao nhất.

FUacDOSt.jpg
Bị cáo Nguyễn Ngọc Thanh được thẩm vấn trước tiên - Ảnh: Tâm Lụa

Bị cáo Thanh cho biết công ty ACBI có 24 triệu cổ phần. Số cổ phần này đã thế chấp cho ngân hàng ACB từ tháng 3-2008. Tòa hỏi ai là người trực tiếp kí số cổ phần này đi thế chấp cho ACB, bị cáo Thang trả lời không biết.

Tòa đặt nhiều câu hỏi làm rõ về thủ tục thế chấp cổ phần cho ngân hàng. Bị cáo Thanh cho biết số cổ phần này trước đây là cổ phần của Công ty Thép Hòa Phát, được ACBI mua lại.

Bị cáo có nói rõ với công ty Thép Hòa Phát là số cổ phần này đã thế chấp cho ACB không? - Tôi không trực tiếp đàm phán. Chủ trương thỏa thuận, đàm phán do chủ tịch HĐQT (Bầu Kiên) đàm phán.

Mặc dù số cổ phần này đã được thế chấp cho ACB nhưng sao công ty ACBI vẫn kí hợp đồng chuyển nhượng cho công ty Thép Hòa Phát? Bị cáo Thanh cho biết trước khi kí hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho công ty Thép Hòa Phát, công ty ACBI không họp HĐQT, chỉ có văn bản thể hiện chủ trương của HĐQT bán số cổ phần này.

Tòa cho biết có biên bản họp HĐQT trong hồ sơ, dù thực tế không có cuộc họp.

Ngày 21-5-2012, công ty Thép Hòa Phát và ACBI ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, dù chưa có sự đồng ý của ngân hàng ACB, tại sao? Trả lời câu hỏi này, bị cáo Thanh đáp do "tin tưởng kế toán và chủ tịch HĐQT". Cũng chính vì sai lầm này mà bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa.

Theo bị cáo Thanh, bị cáo nghĩ ở ngân hàng ACB và ở công ty ACBI là thì Bầu Kiên có vai trò, uy tín rất lớn nên tin là mọi việc làm đều đúng thủ tục. Bị cáo Thanh cho rằng trách nhiệm thông báo cho ACB về việc chuyên nhượng cổ phần là của trách nhiệm của ông Kiên!

Được tòa thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng công ty ACBI) khai dù không họp HĐQT nhưng bị cáo vẫn soạn thảo hợp đồng để chuyển cho chủ tịch HĐQT kí nháy, sau đó chuyển cho Trần Ngọc Thanh kí với công ty Thép Hòa Phát. Sau kí hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, công ty Thép Hòa Phát đã chuyển 264 tỉ đồng cho ACBI. Theo cáo trạng, số tiền 264 tỉ đồng của Hòa Phát trên đã bị Bầu Kiên lừa đảo chiếm đoạt.

Sau khi thẩm vấn bị cáo Thanh và Yến, Hội đồng xét xử đã tạm nghỉ. Sáng mai (21-5), tòa tiếp tục làm việc.

RlXcQ43l.jpg
Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến

Bầu Kiên bị truy tố 4 tội danh, án cao nhất tới tù chung thân

Trước đó, từ 14g chiều, VKSND TP Hà Nội đã cho công bố bản cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm trong vụ án. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên xin phép tòa cho được ngồi nghe cáo trạng (lý do sức khỏe), trong khi các bị cáo khác đứng nghe VKS công bố.

Sau khi công bố xong bản cáo trạng, dựa trên quyết định tạm đình chỉ vụ án của tòa đối với ông Trần Xuân Giá, đại diện VKSND TP Hà Nội tuyên bố rút phần truy tố đối với quyết định truy tố bị can Trần Xuân Giá.

Ngay khi được tòa hỏi có ý kiến gì về bản cáo trạng? Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đáp rằng: "Toàn bộ bản cáo trạng là không đúng pháp luật, không chính xác!".

Theo bản cáo trạng được công bố, Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, nguyên Chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) bị truy tố về 4 tội danh: kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể việc phạm tội của Nguyễn Đức Kiên theo cáo trạng như sau:

- Kinh doanh trái phép (K.2 điều 159 BLHS): Đã lập, thông qua 6 công ty do mình thành lập để kinh doanh trái phép cổ phần, cổ phiếu, vàng tổng trị giá hơn 21.490 tỉ đồng.

- Trốn thuế (K.3 điều 161 BLHS): Công ty B&B của Bầu Kiên lãi hơn 100 tỉ đồng, nhưng bầu Kiên chuyển lợi nhuận của DN sang cá nhân, trốn thuế 25 tỉ đồng.

- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 4 điều 139 BLHS): Công ty ACBI đã thế chấp 20 triệu cổ phần Công ty CP thép Hòa Phát, nhưng vẫn ký bán số cổ phần đã thế chấp, lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng.

- Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (K.3 điều 165 BLHS): Cùng các lãnh đạo ACB chủ trương ủy quyền cho nhân viên ACB đem gửi 718,8 tỉ đồng cho Ngân hàng Vietinbank CN Nhà Bè (bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt), thiệt hại cho ACB 718,9 tỉ đồng.

Theo Bộ luật hình sự, trong 4 tội danh bị truy tố trên, khung hình phạt đối với tội “Lừa đảo” theo khoản 4 điều 139 mà Bầu Kiên bị truy tố là nặng nhất (khung hình phạt quy định đối với hành vi này có mức từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân).

C7W8lGGR.jpg
Đại diện VKS rút lại phần truy tố đối với ông Trần Xuân Giá do TAND TP Hà Nội đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông - Ảnh: Tâm Lụa

Toàn cảnh việc truy tố Bầu Kiên theo cáo trạng của VKSND Tối cao

tOdY1ruz.jpg

Bấm vào để xem file gốc

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên