02/11/2024 18:34 GMT+7

Bầu Đức: Bỏ ra hàng tỉ đô vào nông nghiệp, hàng tốt phải cho người Việt hưởng thay vì xuất khẩu hết

Mặc dù nông nghiệp là trụ cột kinh tế của Việt Nam, song số lượng doanh nghiệp thực sự nổi bật và lớn mạnh vẫn còn rất thưa thớt. Trải qua nhiều biến cố, bỏ ra hàng tỉ đô la đầu tư, Bầu Đức giữ độ gan lì với nông nghiệp.

Bầu Đức: Bỏ ra hàng tỉ đô vào nông nghiệp, hàng tốt phải cho người Việt hưởng thay vì xuất khẩu hết - Ảnh 1.

Bầu Đức chia sẻ kế hoạch phát triển nông sản sạch - Ảnh: H.D.

Từ đỉnh cao xuống hố sâu, Bầu Đức kiên quyết bám nông nghiệp vực dậy

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) vừa tổ chức ký kết hợp tác phân phối chiến lược với chuỗi siêu thị thực phẩm KingFood Mart. Lần đầu tiên tập đoàn này chính thức trực tiếp bán nông sản, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Việt một cách bài bản, sau thời gian chỉ tập trung xuất khẩu.

Nhân sự kiện, ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch hội đồng quản trị, giãi bày nhiều tâm tư. Ông cho biết ngay từ năm 2007 HAGL đã bước chân vào mảng nông nghiệp, 5 năm sau đầu tư mạnh, bỏ vốn hàng tỉ USD.

Vào thời kỳ hoàng kim, tập đoàn được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài săn đón. Nổi bật là quỹ Temasek (thuộc Bộ Tài chính Singapore) đầu tư 200 triệu USD cho tập đoàn trồng cây cao su. Lúc bấy giờ, cao su mang về siêu lợi nhuận, giá vốn chỉ vỏn vẹn 1.400 USD/tấn, giá bán lên tới 5.200 USD/tấn.

Tuy nhiên, "mình tính không bằng trời tính". Đến kỳ khai thác, giá cao su đột ngột giảm mạnh do giá dầu thế giới biến động. Công ty từ đỉnh cao rơi xuống vực thẳm, không có tiền trả lãi và trả lương.

Năm 2016, HAGL tuyên bố mất thanh khoản. Nói sòng phẳng là tuyên bố phá sản. Công ty đầu tiên dám tuyên bố. Không giấu cái xấu, lỗ lãi phơi bày ra công chúng. Nợ nần 32.000 tỉ đồng.

"Chết chỗ nào đứng lên chỗ đó". Để đủ tiền "nuôi quân", ông chọn trồng các cây ngắn ngày như chanh dây, ớt, chuối… Lấy ngắn nuôi dài. "Từ cao, xuống thấp, xuống hố, vực dậy... đều từ nông nghiệp. Quá trình dài, cực kỳ phức tạp", bầu Đức tâm sự.

Bầu Đức: Gan lì bỏ ra hàng tỉ đô la vào nông nghiệp, muốn bán cho người Việt thay vì xuất khẩu hết - Ảnh 2.

HAGL đãi nhà đầu tư nhiều thực phẩm do tập đoàn nuôi trồng - Ảnh: BÔNG MAI

Bán thực phẩm sạch cho người Việt thay vì xuất khẩu hết

"Chuối giúp HAGL phát triển", ông Đoàn Nguyên Đức bộc bạch. Từ số 0 giờ lên hơn 7.000ha, dẫn đầu Đông Nam Á về diện tích. Hằng tuần, doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 70 container đến thị trường lớn. "Đối tác Nhật rất khắt khe, tỉ mỉ. Nhưng đến khi chinh phục được rồi thì rất bền vững". Ngoài ra còn có Hàn Quốc, Trung Quốc…

Thị trường Việt Nam có 100 triệu dân, HAGL không phải là thương hiệu nhỏ, nhưng khi hỏi bán sản phẩm gì nổi bật ở sân nhà thì lại là… không có. "Mình có sản phẩm sạch và chất lượng. Tại sao không để người dân hưởng mà xuất khẩu hết", ông Đức trăn trở.

Do đó, sau khi kết nối chuỗi siêu thị phân phối, tập đoàn chính thức đưa nông sản, thực phẩm sạch đến tay người Việt một cách bài bản. Bên cạnh chuối, HAGL còn có gần 20 sản phẩm khác như sầu riêng, bưởi da xanh, chanh dây, heo Bapi, gà đi bộ... Công ty cũng đang nuôi cá tầm, cá hồi...

Dịp này, bầu Đức mở chương trình tặng 1 triệu trái chuối tại chuỗi siêu thị liên kết. Chuối được trồng ở Gia Lai, độ cao 900m so với mực nước biển, thời gian nuôi dưỡng 1 năm, dài hơn 3 tháng so với miền Tây và Đông Nam Bộ. Khí hậu mát mẻ, chuối tích lũy nhiều dưỡng chất, vị dẻo, thơm và ngọt.

Ông Đinh Anh Huân - sáng lập chuỗi siêu thị King Food Mart (trước kia là đồng sáng lập chuỗi Thế Giới Di Động) - nhận định việc vận hành hệ thống bán lẻ nông sản, thực phẩm tươi không đơn giản, bởi phải đáp ứng tiêu chí: "Tươi ngon, đủ hàng nhưng ít hủy". Vì sáng là rau, nếu không bán tốt sẽ thành rác.

Hiện nhiều người dân, đặc biệt đô thị lớn TP.HCM, có nhu cầu lớn về thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng. Việc kết hợp trực tiếp giữa vườn và hệ thống phân phối là cách giúp nông sản chất lượng cao Việt Nam được tới tay khách Việt thuận tiện, giá thành hợp lý hơn.

Theo "Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững", Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện môi trường.

Bầu Đức: Gan lì bỏ ra hàng tỉ đô la đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh 1.Nâng cao chất lượng nông sản Việt - Kỳ 3: Không thể không sản xuất sạch

TTO - Sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ là xu thế khách quan và tất yếu mà nông dân, doanh nghiệp VN phải thực hiện nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng nội địa khi đời sống kinh tế được nâng cao.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên