Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp - Đồ họa: TUẤN ANH
Không khí cuộc đua vào Nhà Xanh trở nên vô cùng sôi nổi, sau khi các ứng viên chính thức bước vào vận động. Ứng viên Lee Jae Myung thuộc Đảng Dân chủ (DPK), cũng là đảng cầm quyền, khởi động tại TP Busan, trong khi ứng viên Yoon Suk Yeol thuộc Đảng Sức mạnh nhân dân (PPP), đảng đối lập chính, bắt đầu hành trình từ Seoul tới các thành phố khác.
Chưa có ứng viên trội nhất
Ông Lee gặp các nhân viên kiểm soát giao thông hàng hải tại cảng Busan vào sáng 15-2, nhấn mạnh cam kết khôi phục kinh tế Hàn Quốc bằng mọi giải pháp. Cùng ngày, ông Yoon từ Seoul đến ba thành phố Daejeon, Daegu và Busan. "Tôi hứa sẽ khôi phục những sinh kế của người dân đã bị hủy hoại. Với an ninh quốc gia vững chắc, tôi sẽ bảo vệ đất nước này", ông Yoon nói.
Đây là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên được tổ chức sau khi độ tuổi bỏ phiếu hợp lệ được hạ từ 19 xuống 18 ở Hàn Quốc vào năm 2020. Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc, có 14 ứng cử viên cạnh tranh ghế tổng thống với nhiệm kỳ 5 năm.
Trong thời gian vận động, các ứng viên được phát biểu ngoài trời bằng loa phóng thanh, phát tờ rơi nêu cam kết tranh cử và quảng cáo trên truyền hình cũng như đài phát thanh.
Hai ứng viên hàng đầu là ông Lee Jae Myung và ông Yoon Suk Yeol đang bám sát nhau về tỉ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò. Theo cuộc khảo sát mới nhất thực hiện từ ngày 6 đến 11-2 của Hãng Realmeter với 3.040 cử tri, tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Lee Jae Myung là 39,1%, với ông Yoon Suk Yeol là 41,6%. Trong khi đó, ứng viên Ahn Cheol Soo của Đảng Vì quốc dân giành được 7,7%, tiếp theo là bà Sim Sang Jung của Đảng Công lý với 2,8%.
Cuộc bầu cử lần này trái ngược với 3 cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc gần nhất, vốn có thể dự đoán được người chiến thắng. Đây có lẽ là cuộc bầu cử mà các ứng viên bám sát nhau nhất kể từ năm 2002 - thời điểm ứng viên phe đối lập thua cựu Tổng thống Roh Moo Hyun với tỉ lệ ủng hộ chênh lệch chỉ 2,33%, tương đương 570.980 phiếu bầu.
"Đây là cuộc bầu cử mơ hồ nhất chúng tôi từng thấy ở Hàn Quốc. Vì rất hiếm khi có cuộc bầu cử nào mà người có khả năng chiến thắng vẫn chưa xuất hiện khi ngày bỏ phiếu chỉ cách còn 3 tuần", chuyên gia Bae Jong Chan của Hãng Insight K bình luận.
Những vấn đề được quan tâm
Theo Hãng tin Reuters, kết quả khó đoán của cuộc bầu cử sắp tới cũng phản ánh những thăng trầm trong 5 năm cầm quyền của tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae In.
Từ hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên đến các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc và các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, từ đại dịch COVID-19 đến giá nhà tăng vọt và các vụ bê bối tham nhũng, đó là những vấn đề hâm nóng cuộc bầu cử ngày 9-3.
Tuy nhiên, thăm dò cho thấy các chính sách đối ngoại không được cử tri quan tâm bằng chương trình hành động trong nước với các vấn đề như giá nhà đất tăng vọt, thất nghiệp, bất bình đẳng, chuyện doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19...
Tại vùng thủ đô Seoul, giá trung bình của một căn hộ đã tăng gần gấp đôi lên 1,26 tỉ won (1,05 triệu USD) chỉ từ năm 2017 tới tháng 1-2022. Khoảng 26 bộ giải pháp mà Tổng thống Moon Jae In tung ra trong 5 năm qua nhằm hạ nhiệt giá cả đã không giải quyết được vấn đề.
Trước đây, cử tri trẻ có xu hướng bầu cho những ứng viên theo đường lối tự do. Song vấn đề nhà ở và tỉ lệ thất nghiệp cao đang khiến nhiều người năm nay nghiêng về đảng bảo thủ.
Ông Moon cố tránh để xảy ra các bê bối cá nhân lớn trong 5 năm qua, nhưng vị thế Đảng DPK của ông cũng đã bị ảnh hưởng. Ông Cho Kuk, phụ tá thân cận của ông Moon, đã bị buộc phải rời ghế bộ trưởng tư pháp chỉ sau một tháng nhậm chức giữa các cáo buộc ăn hối lộ và gian lận tài liệu.
Theo báo South China Morning Post, nhiều quốc gia theo dõi sát kết quả bầu cử Hàn Quốc do có sự khác biệt lớn về chính sách đối ngoại giữa DPK và PPP.
Bệnh nhân COVID-19 bỏ phiếu ra sao?
Cuộc bầu cử diễn ra trong lúc biến thể Omicron lây lan nhanh ở Hàn Quốc. Ngày 16-2, lần đầu tiên nước này ghi nhận hơn 90.000 ca bệnh COVID-19 trong 24 giờ. Bộ Y tế, Bộ An toàn nội địa và Bộ Tư pháp Hàn Quốc tuyên bố sẽ "nỗ lực tối đa" để đảm bảo cuộc bầu cử sắp tới an toàn.
Bệnh nhân COVID-19 và những người bị cách ly sẽ bỏ phiếu trong khung giờ đặc biệt vào ngày bầu cử 9-3, sau khi hoạt động bỏ phiếu thông thường kết thúc. Họ sẽ bầu trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu trong một tiếng rưỡi từ 18h (giờ địa phương). Họ cũng có thể bỏ phiếu qua thư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận