13/04/2022 13:55 GMT+7

Bầu cử tổng thống Pháp: Cơ hội nào cho bà Le Pen?

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Bà Marine Le Pen lần thứ hai liên tiếp bước vào vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp. Điều gì sẽ chờ đón bà cùng tư tưởng “quốc gia trên hết”, vốn đang lên ngôi ở châu Âu sau Brexit?

Bầu cử tổng thống Pháp: Cơ hội nào cho bà Le Pen? - Ảnh 1.

Ứng viên cực hữu Marine Le Pen - Ảnh: REUTERS

Ngày 10-4, trên màn ảnh nhỏ của người dân Pháp hiện lên hai hình ảnh quen thuộc trong cuộc đua vào Điện Elysée cách đây 5 năm, đương kim tổng thống theo trường phái trung dung Emmanuel Macron đối đầu với ứng viên cực hữu Marine Le Pen.

Truyền thống cực hữu

Bà Le Pen (53 tuổi) hiện là đại biểu Quốc hội Pháp đại diện cho Calais, thành phố nằm trên bờ biển gần Vương quốc Anh, vốn phải vật lộn để đối phó với tình trạng người di cư đến Anh.

Bà được biết đến nhiều nhất với tư cách là một thành viên của gia đình đầu tiên của cánh hữu Pháp.

Cha bà là Jean-Marie Le Pen, người đã thành lập Mặt trận Quốc gia Pháp (FN) vào năm 1972, một đảng chính trị từ lâu bị coi là mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc và bài Do Thái.

Theo tờ Le Parisien, trong cuộc tranh cử vào năm 2002, ông Jean-Marie Le Pen đã gây bất ngờ khi lọt vào vòng 2 với tỉ lệ ủng hộ 17,79% nhưng rồi thất bại vì người dân Pháp dồn phiếu cho tổng thống mãn nhiệm Jacques Chirac để ngăn ứng viên cực hữu lên nắm quyền.

Sau khi vượt qua vòng bỏ phiếu đầu tiên hôm 10-4, bà Marine Le Pen phải đối mặt với diễn biến tương tự là một số ứng viên thua cuộc đã kêu gọi người dân bầu cho ông Macron để ngăn bà chiến thắng.

Theo Đài BFMTV, các ứng viên như Valérie Pécresse, Yannick Jadot, Anne Hidalgo và Fabien Roussel đã lên tiếng ủng hộ tổng thống sắp mãn nhiệm. "Tôi sẽ bỏ phiếu cho Emmanuel Macron để ngăn chặn bà Le Pen và sự hỗn loạn mà bà ta sẽ mang lại", ứng cử viên cánh hữu của Đảng Cộng hòa Valérie Pécresse cho biết.

Ứng viên về thứ 3 trong vòng 1 là Jean-Luc Mélenchon thì không công khai ủng hộ ông Macron nhưng lại kêu gọi không bầu cho bà Le Pen. "Chúng ta không được dành một phiếu nào cho bà Le Pen", Jean-Luc Mélenchon viết trên Twitter.

Thay đổi và rào cản

Khi trở thành chủ tịch đảng vào năm 2011, Marine Le Pen tiến hành "thay máu", nhằm thay đổi hình ảnh Đảng FN trở nên chính thống hơn. Nhiều nhân vật kỳ cựu và ngay cả người cha sáng lập đều lần lượt bị loại ra khỏi đảng.

Bà Le Pen có cùng quan điểm với cha mình về vấn đề nhập cư. Trong chiến dịch năm 2017, bà cố gắng định vị bản thân như một Donald Trump của Pháp, tuyên bố đại diện cho các tầng lớp lao động Pháp bị lãng quên, những người đã bị bỏ lại đằng sau trong bối cảnh toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ.

Bầu cử tổng thống Pháp: Cơ hội nào cho bà Le Pen? - Ảnh 2.

Jean-Marie Le Pen, người thành lập Mặt trận Quốc gia Pháp (FN) vào năm 1972 - Ảnh: REUTERS

Lập trường kinh tế theo hướng chủ nghĩa dân tộc, quan điểm về nhập cư, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và lập trường đối với Hồi giáo ở Pháp khiến bà không được lòng cử tri Pháp và thất bại vào năm 2017.

Sau thất bại 2017, bà Marine Le Pen đổi tên đảng từ Mặt trận Quốc gia (FN) thành Đảng Tập hợp quốc gia (RN).

Dù thất bại trước ông Macron, bà Le Pen đã gặt hái một số thành tựu làm nền móng cho cuộc bầu cử hiện tại, thể hiện qua phiếu bầu trong vòng 2 tăng mạnh so với vòng 1, từ 21,3% lên 34%.

Báo Guardian lúc đó đã cảnh báo nếu ông Emmanuel Macron không tiến hành cải cách thành công, bà Le Pen hoàn toàn có thể được bầu làm tổng thống vào năm 2022.

Bước vào cuộc đua năm 2022, bà Le Pen vẫn giữ ưu tiên hàng đầu là "ngăn chặn nhập cư tràn lan" và "xóa bỏ các hệ tư tưởng Hồi giáo", nhưng đã thực hiện một số thay đổi.

Theo Đài CNN, trong những tuần trước khi diễn ra vòng bỏ phiếu đầu tiên, bà Le Pen đã tập trung đánh vào túi tiền của người dân. Bà xuất hiện trên các phương tiện truyền thông rồi giải thích cho cử tri về cách bà sẽ giúp họ đối phó với lạm phát và giá nhiên liệu tăng - những vấn đề công chúng Pháp quan tâm hàng đầu.

Chiến lược dường như đã có hiệu quả, thể hiện qua các cuộc thăm dò ý kiến. Tỉ lệ phiếu bầu dành cho bà trong vòng 1 vừa qua tốt hơn 5 năm trước.

Tuy nhiên, bà Le Pen rất có thể gặp phải một số rào cản liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Từ lâu nữ lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) được biết là có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bà cũng đã đến Nga thăm ông Putin trong chiến dịch tranh cử năm 2017 và mối quan hệ này có thể bị ông Macron khai thác.

Ở phạm vi châu lục, châu Âu và Mỹ đang cố gắng đoàn kết để đối phó với Nga sau chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Khi bà Le Pen trở thành tổng thống, thế trận liên minh của phương Tây có nguy cơ tan vỡ vì bà có tư tưởng bài châu Âu.

Tranh luận trực tiếp với ông Macron ngày 20-4

Bà Le Pen sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào ngày 20-4, trước khi bước vào kỳ bỏ phiếu lần 2 vào ngày 24-4.

Phát biểu trên tờ Le Parisien hôm 11-4, ông Jean-Marie Le Pen tin rằng con gái ông sẽ là "tổng thống tương lai của nước Cộng hòa", dù cho các cuộc thăm dò đều cho thấy kết quả rất có thể ông Macron sẽ tái cử với tỉ lệ ủng hộ ở vòng 2 là 54% so với 46% của bà Le Pen.

Sau 20 năm Pháp mới có 1 tổng thống đương nhiệm dẫn đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên Sau 20 năm Pháp mới có 1 tổng thống đương nhiệm dẫn đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên

TTO - Tương tự như cách đây 5 năm, ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đã lọt vào "trận chung kết" bầu cử tổng thống sau khi có kết quả sớm vòng bỏ phiếu đầu tiên vào hôm 10-4.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên