23/10/2024 06:32 GMT+7

Bầu cử tổng thống Mỹ: Vào hang mới bắt được cọp

Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều hướng sự chú ý vào "sân nhà" của đối phương, tìm cách thu hút phiếu bầu từ các nhóm cử tri vốn là thế mạnh của bên còn lại.

Bầu cử Mỹ: vào hang mới bắt được cọp - Ảnh 1.

Nguồn: Financial Times - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: T.ĐẠT

Bên cạnh những cử tri chưa đưa ra quyết định, ông Donald Trump và bà Kamala Harris còn tích cực tiếp cận các nhóm cử tri vốn trung thành với đối phương nhưng lại có dấu hiệu dao động trong chặng đua nước rút.

Đánh thẳng "sào huyệt"

Chỉ trong 11 tiếng của ngày 21-10 (giờ địa phương), bà Harris đã cùng cựu dân biểu Liz Cheney tổ chức đối thoại tại ba bang chiến địa Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.

Dù là thành viên có uy tín cao trong Đảng Cộng hòa, bà Cheney cùng cha - cựu phó tổng thống Dick Cheney từ lâu đã chỉ trích những chính sách của ông Trump và công khai ủng hộ bà Harris.

Trong các buổi đối thoại, hai bà đã trả lời những câu hỏi về chính sách của bà Harris và công kích ông Trump cả trên phương diện công việc và cá nhân.

Rõ ràng lịch trình dày đặc cùng bà Cheney phản ánh rõ chiến lược tranh cử hiện tại của bà Harris: tìm cách thu hút phiếu bầu từ các cử tri Cộng hòa chưa hoàn toàn bị ông Trump thuyết phục ở những bang chiến địa.

Bà Cheney không phải thành viên Đảng Cộng hòa duy nhất sát cánh cùng bà Harris những ngày qua.

Hôm 16-10, tại hạt Bucks (bang Pennsylvania), nhiều cử tri truyền thống hoặc cựu quan chức của Đảng Cộng hòa bất mãn với ông Trump đã lên sân khấu vận động tranh cử cùng phó tổng thống Mỹ. Trong đó có dân biểu Adam Kinzinger, người từng bị "thất sủng" trong Đảng Cộng hòa vì đã cùng bà Cheney tham gia Ủy ban điều tra vụ bạo loạn 6-1-2021.

Bà Harris càng thể hiện rõ mong muốn lôi kéo bộ phận Đảng Cộng hòa không ưa ông Trump với thông điệp hòa hợp: "Chiến dịch của tôi không nhằm chống lại điều gì, mà là để củng cố những nguyên tắc cơ bản đã lập nên đất nước chúng ta.

Đó là cuộc đấu tranh cho một thế hệ lãnh đạo mới lạc quan về những gì chúng ta có thể cùng nhau đạt được, vượt qua sự chia rẽ chính trị để nhân danh người dân Mỹ hoàn thành công việc".

Hướng đến người yếu thế và cử tri do dự

Trong khi đó ông Trump đang dành một phần nỗ lực tranh cử hướng đến bộ phận người dân có xu hướng ủng hộ Đảng Dân chủ.

Ngày 16-10, ông tổ chức hai cuộc vận động dành riêng cho nhóm này. Một trong đó hướng đến người gốc Mỹ Latin và sự kiện còn lại dành cho phụ nữ.

Tại đây, ông Trump cố gắng thuyết phục các cử tri gốc Mỹ Latin bằng những hứa hẹn về tình hình kinh tế cải thiện và nhẹ giọng hơn về chuyện nhập cư. Một bộ phận không nhỏ trong nhóm cử tri này vốn là người nhập cư đến từ những nước Trung và Nam Mỹ.

Trước hội trường toàn cử tri nữ, ông Trump nhấn mạnh quan điểm "vì sự sống" của mình.

Sang ngày 20-10, cựu tổng thống Mỹ lại tìm cách gây ấn tượng với các cử tri thuộc tầng lớp lao động bình dân khi cởi bỏ áo vest, mang tạp dề và đứng phục vụ trong một cửa hàng McDonald's.

Ngày 21-10, siêu ủy ban hành động chính trị MAGA Inc. cũng tuyên bố chi 10 triệu USD quảng cáo hướng đến cử tri da màu và gốc Mỹ Latin tại các bang chiến địa.

Liên tiếp những hoạt động kể trên được thực hiện không lâu sau khi các kết quả khảo sát cho thấy cử tri gốc Mỹ Latin và cử tri da màu đang dần kém mặn mà với bà Harris. Một lượng lớn cử tri này thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, dễ bị tổn thương khi nền kinh tế đi xuống hoặc cơ hội việc làm bị thu hẹp.

Những ngày qua, ông Trump có thêm một "át chủ bài" đi vận động cho mình là tỉ phú Elon Musk.

Ông Musk liên tiếp có 5 đêm vận động tại bang Pennsylvania, thậm chí chi 1 triệu USD mỗi ngày để thưởng như xổ số cho những ai đăng ký cử tri và ký vào thỉnh nguyện thư ủng hộ Tu chính án thứ 1 và thứ 2 trong Hiến pháp liên quan tự do ngôn luận và sở hữu vũ khí.

Thông qua siêu ủy ban hành động chính trị American PAC, ông còn tặng 100 USD cho mỗi người đăng ký cử tri và ký thỉnh nguyện thư, như chất xúc tác mạnh mẽ để lôi kéo cử tri đi bầu.

Những ngày sát bầu cử, việc lôi kéo được đông người do dự đến đăng ký cử tri và đi bầu được xem là yếu tố quyết định giữa lúc các cử tri truyền thống đã có quyết định riêng cho mình.

Và Elon Musk xem ra đang "chơi tất tay" nhắm vào điều này ở bảy bang chiến địa để ủng hộ ông Trump.

So kè sít sao

Ngày 22-10, các khảo sát và mô hình dự đoán của những cơ quan truyền thông lớn đều cho ra kết quả rất sít sao giữa hai ứng viên.

Theo New York Times, bà Harris đang nhỉnh hơn ông Trump chưa đầy 1 điểm phần trăm trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, cựu tổng thống Mỹ lại đang nhỉnh hơn tại bảy bang chiến địa.

Hai ứng viên về cơ bản hòa nhau ở 4/7 bang này với cùng tỉ lệ ủng hộ 48%, đó là Michigan, North Carolina, Pennsylvania và Nevada.

Bà Harris hơn ông Trump ở bang Wisconsin khoảng gần 1 điểm phần trăm, nhưng lại thua hơn 1 điểm phần trăm ở bang Georgia và 2 điểm phần trăm tại bang Arizona.

Kết quả khảo sát của Financial Times cũng cho thấy ông Trump có lợi thế lớn ở 5/7 bang chiến trường là Pennsylvania, Wisconsin, Georgia, North Carolina, Arizona và hòa với bà Harris tại Nevada.

Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.

Bầu cử Mỹ: vào hang mới bắt được cọp - Ảnh 2.Bầu cử tổng thống Mỹ: Cuộc đua gay cấn ở các bang chiến trường

Georgia là một trong những bang chiến trường được theo dõi sát nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, và vẫn còn những biến số bất ngờ khác có thể tác động đến lá phiếu trước ngày bầu cử chính thức 5-11.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên