TTCT - Hai ứng cử viên Donald Trump và Harris Kamala đều đã đưa ra chương trình tranh cử đầy hứa hẹn. Nhưng cử tri Mỹ "thấm" tới đâu? Ảnh: BankrateTrong khi ứng viên Harris ít nhiều chia sẻ thành bại của Tổng thống Joe Biden mà bà đứng phó và từ đó lập chương trình cho riêng mình, thì ứng viên Trump đã có bốn năm theo dõi thế sự, quan sát và hoạch định những gì ông cho là cần thiết để "nước Mỹ trở lại".Chương trình của ông TrumpTrên website chính thức của ông Trump, donaldjtrump.com, nổi bật tiêu đề chính "Chương trình nghị sự 47" - nêu chi tiết các chính sách sẽ được thực hiện khi ông đắc cử tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.Cụ thể, website liệt kê "20 lời hứa cốt lõi của Tổng thống Trump để làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA)" đánh số từ 1 tới 20, có thể tạm chia thành các nhóm chủ đề:(1) Nhập cư và an ninh quốc gia, bao gồm đóng cửa biên giới và ngăn chặn "cuộc xâm lược của người nhập cư" (lời hứa số 1); thực hiện chiến dịch trục xuất lớn nhất lịch sử nước Mỹ (số 2); chấm dứt "nạn dịch tội phạm di cư", trấn áp băng đảng ma túy và tội phạm nước ngoài bằng vũ lực (số 10); và trục xuất "những kẻ cực đoan ủng hộ Hamas", đồng thời "làm cho trường đại học của chúng ta an toàn và lại là nơi yêu nước" (số 18).Yếu tố "dân tộc chủ nghĩa" này là thành phần cốt lõi tạo thành "chủ nghĩa Trump", theo trang Baron. Trang này còn giải thích bằng cách dẫn lại phát biểu của ông Trump trong lễ nhậm chức hồi tháng 1-2017: "Đất nước tồn tại là để phục vụ công dân của mình".Lời hứa số 18 cũng hé lộ chính kiến của ông Trump trước những vấn đề thời sự thế giới nóng bỏng hiện giờ: chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông.(2) Kinh tế tài chánh, về cơ bản cũng dựa trên ý tưởng MAGA từng giúp ông thắng cử nhiệm kỳ đầu. Nôm na mà nói, "nước Mỹ trước hết" là một hình thức đóng cửa nước Mỹ, hoặc chí ít là chặn đứng toàn cầu hóa. Trong diễn văn tranh cử năm 2016, ông Trump từng tố cáo mặt trái của toàn cầu hóa: "Các chính trị gia Mỹ đã tích cực theo đuổi chính sách toàn cầu hóa - chuyển việc làm, của cải và nhà máy sang Mexico và các nước khác. Toàn cầu hóa khiến giới tinh hoa tài chính - những kẻ đã bỏ tiền tài trợ cho các chính trị gia - trở nên rất giàu có, nhưng lại khiến hàng triệu công nhân Mỹ không còn lại gì ngoài nghèo đói và đau khổ".Trên cơ sở đó, ông chủ trương: Chấm dứt lạm phát và khôi phục thanh khoản của nước Mỹ (số 3); đảm bảo đồng đô la vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới (số 13); dừng quá trình đưa sản xuất ra nước ngoài, và biến Hoa Kỳ thành siêu cường sản xuất (số 5); giảm thuế lớn cho người lao động và không đánh thuế tiền tip (số 6); và biến nước Mỹ trở thành nhà sản xuất năng lượng thống trị thế giới (số 4).Những lý lẽ này là nhắm vào nhiệm kỳ tổng thống sắp kết thúc của ông Biden, khi tỉ lệ lạm phát ở Mỹ từ năm 2021 tới tháng 8-2024 bình quân là 5,2%/năm, và cao nhất là 9,1% vào tháng 6-2022. Tỉ lệ lạm phát trong nhiệm kỳ 2017-2021 của ông Trump bình quân chỉ là 1,9%/năm, theo so sánh trên Investopia 16-9.(3) Về chính trị xã hội, ông Trump hứa: Bảo vệ hiến pháp và các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và sở hữu vũ khí (số 7); chấm dứt tình trạng "chính phủ biến thành vũ khí chống lại người dân" (số 9); bảo vệ các cuộc bầu cử, bao gồm bỏ phiếu trong ngày, nhận dạng cử tri, lá phiếu giấy và bằng chứng về quyền công dân (số 19); đấu tranh và bảo vệ an sinh xã hội và chăm sóc y tế, không cắt giảm các khoản này, bao gồm không thay đổi tuổi nghỉ hưu (số 14); cắt giảm tài trợ liên bang với những trường học thúc đẩy "lý thuyết chủng tộc, hệ tư tưởng giới tính cấp tiến và nội dung chủng tộc, tình dục hoặc chính trị không phù hợp khác với trẻ em" (số 16); không cho đàn ông tham gia các môn thể thao dành cho phụ nữ (số 17); tái thiết đô thị Mỹ (số 11); đoàn kết đất nước (số 20); và hủy bỏ yêu cầu bắt buộc sử dụng xe điện và cắt giảm các quy định tốn kém và phiền hà (số 15).(4) Về quốc phòng an ninh, ông chủ trương: Ngăn chặn chiến tranh thế giới thứ ba, khôi phục hòa bình ở châu Âu và Trung Đông, xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa cho toàn bộ nước Mỹ, tất cả đều sản xuất nội địa (số 8); tăng cường và hiện đại hóa quân đội (số 12).Ảnh: Gallup NewsChương trình của bà HarrisWebsite tranh cử của bà Harris thì giới thiệu "Con đường mới cho tầng lớp trung lưu", tập trung vào hai chủ đề chính: "Kế hoạch giảm chi phí cho các hộ gia đình", và "Tạo dựng nền kinh tế mang tới cơ hội". Không dùng từ ngữ "lời hứa" bùi tai như ông Trump, bà Harris gọi chương trình nghị sự của mình là "chủ điểm", chia làm 13 phần. Cách diễn đạt này có thể là bởi bà đang là phó tổng thống rồi, nên đây là những chuyện bà bắt buộc phải nhận diện và giải quyết trong nhiệm kỳ tới, chứ không thể hứa hẹn gì nữa.Bà Harris đã chọn giai cấp trung lưu làm mục tiêu tranh cử chính, bởi theo bà, "khi tầng lớp trung lưu mạnh, nước Mỹ sẽ mạnh. Đó là lý do tại sao việc xây dựng tầng lớp trung lưu sẽ là mục tiêu quyết định của chính quyền". Về mặt thống kê, theo Pew Research, trong năm 2023, tỉ lệ người có thu nhập trung bình tại Mỹ là 51%, so với tỉ lệ người có thu nhập thấp là 30%, và thu nhập cao là 19%. Thành ra, bà Harris nhấn mạnh: "Chính phủ Mỹ nhận thức rất rõ rằng giá cả vẫn còn quá cao với các gia đình trung... Các ưu tiên kinh tế hàng đầu của chính phủ sẽ là giảm chi phí cho các nhu cầu hằng ngày và cắt giảm thuế cho hơn 100 triệu người Mỹ lao động và trung lưu".Cụ thể, kế hoạch của bà gồm: (1) giảm thuế cho người lao động; (2) giảm chi phí thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu; (3) giảm chi phí chăm sóc y tế; (4) giảm chi phí thuốc kê toa; (5) giảm chi phí năng lượng; (6) bảo vệ người tiêu dùng trước các loại phí ngầm và gian lận; (7) giúp người dân mua và trả tiền thuê nhà; (8) đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và việc làm; (9) đầu tư vào đổi mới và sức mạnh công nghiệp do người lao động Mỹ thúc đẩy; (10) đảm bảo an ninh và cơ hội cho người lao động và xây dựng nền kinh tế chăm sóc; (11) tăng cường cơ hội cho các cộng đồng dân cư; (12) đảm bảo người Mỹ được "nghỉ hưu trong phẩm giá"; và (13) xây dựng bộ luật thuế công bằng và thúc đẩy tăng trưởng.Cử tri Mỹ có đủ thời giờ kiểm chứng những hứa hẹn và thực tế đã trải qua để chọn lựa. Tất nhiên còn phải tính đến các đại cử tri và thể thức bầu cử Mỹ, vốn là một câu chuyện hoàn toàn khác.■ Bà Harris thất thế?Nghị trình của bà Harris được công bố chính thức tại đại hội Đảng Dân chủ hôm 22-8 ở Chicago. Hai tháng sau, kết quả khảo sát của Viện Gallup 18-10 cho thấy có vẻ chương trình này thiếu sức thuyết phục hơn so với ông Trump: "Đa số người Mỹ cảm thấy tệ hơn so với bốn năm trước"! Cụ thể, 52% người Mỹ nói họ và gia đình hiện cảm thấy cuộc sống tệ hơn so với bốn năm trước, trong khi 39% nói cảm thấy khá hơn, và 8% thấy không có gì thay đổi.CNN 25-10 thì công bố khảo sát do SSRS thực hiện cho đài này cho thấy hai ứng viên đang được hậu thuẫn ngang nhau, đều là 47%. Nhưng cũng theo CNN, ông Trump tiếp tục duy trì lợi thế trong vấn đề kinh tế (50% so với 37%), nhập cư (50% - 34%), và chính sách đối ngoại (48% - 38%). Song, bà Harris dẫn trước về vấn đề quyền phá thai (52% - 31%) và bảo vệ nền dân chủ (45% - 41%). Tags: Bà HarrisÔng TrumpTổng thốngTranh cửNgười Mỹ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.