04/02/2020 10:19 GMT+7

Bầu cử tổng thống Mỹ khởi động ở Iowa

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 khởi động tại bang Iowa dưới hình thức bỏ phiếu caucus (bỏ phiếu kín), nơi Đảng Dân chủ đang tìm người có thể đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump.

Bầu cử tổng thống Mỹ khởi động ở Iowa - Ảnh 1.

Người dân tham dự một sự kiện vận động tranh cử tại Iowa, Mỹ - Ảnh: Reuters

Vào 7h tối 3-2 theo giờ Mỹ, tức sáng nay (4-2) theo giờ Việt Nam, tiểu bang Iowa theo truyền thống là nơi khởi động cuộc bầu cử tổng thống.

Tâm điểm Đảng Dân chủ

Cuộc bầu cử sơ bộ theo hình thức bỏ phiếu kín (caucus) khác với bỏ phiếu sơ bộ thông thường (primary). Nếu primary là những cuộc bỏ phiếu chọn ứng viên như các cuộc bầu cử thường gặp và do thành phố tổ chức, caucus do chính đảng thực hiện (Dân chủ và Cộng hòa) theo hình thức các phiên họp kín của từng đảng, tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau nhằm chọn ra các đại biểu của họ tham dự đại hội đảng toàn quốc, nơi họ bầu ứng viên đại diện cho đảng của mình.

Các cuộc bỏ phiếu của Đảng Cộng hòa được thực hiện bình thường, còn phía Dân chủ vừa rắc rối hơn, lại vừa có một số điều chỉnh dự kiến sẽ tạo thêm... rắc rối cho quá trình đưa tin và nhận định của các chuyên gia.

Cử tri đăng ký sẽ chia nhau có mặt ở 1.678 địa điểm (trường học, nhà thờ hoặc các địa điểm cộng đồng) ở Iowa. Năm nay, có thêm 99 địa điểm "vệ tinh" nằm rải rác ở Iowa, các vùng khác ở Mỹ hoặc trên thế giới. Các cử tri Dân chủ sẽ tập hợp và tranh luận, thuyết phục người khác bầu cho ứng viên của mình.

Thực tế caucus tại Iowa không có người thắng kẻ thua. Lấy ví dụ vào năm 2016, bà Hillary Clinton giành được 51% tỉ lệ ủng hộ, còn ông Bernie Sanders có 49%. Đó không phải một "chiến thắng", vì số liệu ấy dùng để chỉ tỉ lệ đại biểu tương ứng chứ không phải lá phiếu, tức không ai biết bao nhiêu người bầu thực tế cho ông Sanders hay bà Clinton.

Nhưng năm nay, lần đầu tiên Đảng Dân chủ công bố luôn số phiếu bầu cho từng người. Cụ thể vì lý do muốn minh bạch hơn, Đảng Dân chủ sẽ công bố 3 kết quả khác nhau gồm số phiếu bầu ban đầu (để xác định ai dưới 15% và bị loại), số phiếu bầu cuối cùng (số phiếu ủng hộ các ứng viên đã vượt mốc 15% ở vòng trước), và sau cùng là tỉ lệ đại biểu tương ứng dựa trên tổng số phiếu bầu của hai giai đoạn trước. 

Do cử tri của người bị loại ban đầu có thể bầu cho ứng viên "sống sót" khác, 3 kết quả của Đảng Dân chủ có thể dẫn đến nhiều tình huống, ví dụ, ông Sanders giành được nhiều phiếu hơn cựu phó tổng thống Joe Biden, nhưng ông Joe Biden lại có nhiều đại biểu tương ứng hơn ông Sanders.

Truyền thông Mỹ và các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy ông Sanders, người cạnh tranh với bà Clinton năm 2016 bên Đảng Dân chủ, sẽ dẫn đầu tại cuộc bầu cử ở Iowa lần này. Xếp theo sau là ông Biden.

Chọn người đấu ông Trump

Mọi sự tập trung của truyền thông vào màn khởi động này được dành cho Đảng Dân chủ. Điều này dễ hiểu khi xét tới yếu tố cạnh tranh cũng như cách thức hoạt động. Ngoài chuyện bỏ phiếu "thông thường", một thắng lợi bên Đảng Cộng hòa hiện nay ở Iowa gần như chắc chắn nằm trong tay ông Trump.

Hai đối thủ cạnh tranh chính của Tổng thống Mỹ là cựu thị trưởng Massachusetts Bill Weld, cùng với ông Joe Walsh, từng phục vụ một nhiệm kỳ trong Hạ viện Mỹ. Xét tới thực tế Đảng Cộng hòa đồng lòng ủng hộ đương kim Tổng thống Trump, bỏ phiếu caucus ở Iowa thực sự không phải là lúc ông Walsh và ông Weld hi vọng.

Trong khi đó, sự rắc rối trong cách bầu bán cộng thêm số lượng ứng viên đông đảo hơn hẳn Đảng Cộng hòa đã vô tình diễn tả bộ mặt của Đảng Dân chủ lúc này: khó tìm thấy ngay một người thực sự nổi bật để trao gửi niềm tin, cụ thể là một người cho cử tri cảm giác ông/bà ấy có thể thắng ông Trump. 

Tạp chí Atlantic phân tích rằng Iowa là nơi các ứng viên Dân chủ thăm dò nhau, tranh thủ giành lấy uy tín để làm bàn đạp cho cuộc chạy đua dài hơi phía trước.

Iowa thực ra chỉ có 49 đại biểu tại đại hội đảng, với 41 người tổng cộng phân bổ theo tỉ lệ cho các ứng viên sau cuộc caucus ngày 3-2 này (quá ít so với tổng cộng 4.767 đại biểu tại đại hội đảng). Kể từ năm 1972, chỉ 3 tổng thống Mỹ được bầu sau khi thắng ở Iowa gồm Jimmy Carter, George W. Bush và Barack Obama.

Tuy nhiên điều này không khiến tầm quan trọng của Iowa bị xem nhẹ. Iowa là bàn đạp quan trọng để các ứng viên giành tiếp sự ủng hộ ở các bang thế mạnh khác. Tuy thắng ở Iowa không có vẻ đảm bảo sẽ đắc cử tổng thống, thất bại trong việc giành "tốp 3 Iowa" lại gần như đồng nghĩa sẽ không có cơ hội đại diện cho Đảng Dân chủ vào "chung kết" với ứng viên đảng đối thủ. 

Ông John McCain là ngoại lệ hiếm hoi khi chỉ xếp thứ tư ở Iowa mà vẫn giành được quyền đại diện Đảng Cộng hòa đấu với ông Obama năm 2008.

Điều thú vị nằm ở chỗ, trong khi cạnh tranh gay gắt tại Iowa, các ứng viên Dân chủ lại buộc phải thể hiện sự hòa nhã và dùng ông Trump làm điểm chính để khơi gợi sự đoàn kết, thay vì chỉ trích lẫn nhau.

Caucus có nhiều giai đoạn

Theo truyền thống, caucus ở Iowa sẽ có nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là cử tri chọn ứng viên thông thường, ban tổ chức đếm lại và tính tỉ lệ. Ứng viên nào không giành đủ 15% tổng số phiếu bầu sẽ bị loại.

Sau đó, ở giai đoạn tiếp theo, số cử tri đã bầu cho người bị loại có thể tiếp tục bầu cho... ứng viên khác, nếu họ bị người ủng hộ của ứng viên khác thuyết phục. Cứ như vậy, từng ứng viên sẽ rơi rụng cho tới vòng cuối tại Iowa.

Luận tội ông Trump tạo bước ngoặt bầu cử Luận tội ông Trump tạo bước ngoặt bầu cử

TTO - Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 18-12 (giờ Mỹ) cho thấy Hạ viện chính thức thông qua hai điểm luận tội ông Trump.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên